"Âm thanh trầm” của làng trống Kinh Bắc

“Cả làng bây giờ chỉ có vài hộ còn có việc để làm, nhưng thu nhập chỉ đủ ăn qua ngày chứ không được dư dả.Trẻ trong làng ít lưu tâm vào việc học làm trống. Nhìn nghề làng dần mai một, tiếng trống dần thưa thớt, chúng tôi xót lắm - ông Nguyễn Viết Khê, Trưởng thôn An Quang xã Lãng Ngâm, Bắc Ninh trầm ngâm cho hay.

“Cả làng bây giờ chỉ có vài hộ còn có việc để làm, nhưng thu nhập chỉ đủ ăn qua ngày chứ không được dư dả. Đơn đặt hàng ít, nhiều người  trong làng còn đi  các nơi để “tiếp thị”, tìm kiếm đối tác, nhưng cũng chẳng ăn thua. Người dân đành tự tìm việc khác thay thế. Trẻ trong làng ít lưu tâm vào việc học làm trống. Nhìn nghề làng dần mai một, tiếng trống dần thưa thớt, chúng tôi xót lắm - ông Nguyễn Viết Khê, Trưởng thôn An Quang xã Lãng Ngâm, Bắc Ninh trầm ngâm cho hay.

Trống có mặt ở khắp làng
Hy vọng làng nghề trống không bị  thất truyền.

Làng nghề 200-300 tuổi

Ghé vào cơ sở chuyên làm trống của ông  Nguyễn Quang Ngạc (tuổi gần 70), ngừng tay, tạm thu dọn “chiến trường”, ông chạy ra đón khách. Trong sân nhà ông phơi la liệt da trâu và những đoạn gỗ mít. Bên chén trà xanh mát lành, ông Ngạc kể lại thời “hoàng kim” của làng nghề.

Thấm thoắt, ông gắn bó với công việc làm trống hơn 40 năm. Ông kể, nghề làm trống đã có ở An Quang khoảng 200-300 năm nay. Ông Tổ nghề của làng là người gốc làng Đọi Tam (tỉnh Hà Nam) đến đây định cư, thấy trong vùng chỉ có nghề nông nghiệp, lại thấy nguồn nguyên liệu dồi dào đã dạy cho dân làng cách làm trống.

Về sau nghề được truyền khắp làng. Hầu hết nhà nào cũng làm trống. Hồi đó, đời sống kinh tế rất khó khăn nhưng người dân ở các làng quê rất coi trọng món ăn tinh thần đó là hội hè, múa hát nghệ thuật…Và những buổi đó không thế thiếu tiếng trống.

Trống có đất “dụng võ” và người làm nghề cũng có “cơm ăn”. Trống của An Quang “chu du” khắp Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn… Các thợ làm trống An Quang có thể làm được nhiều loại trống khác nhau theo kích cỡ từ 20cm tới 2m.  Hồi xưa, với nghề làm trống, có thể đảm bảo cuộc sống cho 6 miệng ăn một cách “ngon lành” chứ không vất vả như làm nghề nông. Thời đó, tính ra một cái trống bằng 50 tạ thóc. Trung bình một tháng, gia đình ông Ngạc làm khoảng 6 cái trống.

Để làm được một chiếc trống đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và am tường nghề của người thợ. Một chiếc trống hoàn chỉnh thường qua ba bước, gồm: làm da, làm tang và bưng trống. Trong đó khâu quan trọng nhất là chọn gỗ. Gỗ làm trống thường được lấy từ cây mít. Đây là loại gỗ dẻo, mềm, có đặc tính nhẹ, xoắn thớ, khi đóng không bị cong vênh hoặc nứt.

Bên cạnh đó, gỗ mít ít bị co giãn và có sức đàn hồi tốt nên giữ được hình dáng nguyên vẹn, khi sử dụng âm thanh không bị vỡ. Gỗ mít càng già thì âm thanh càng đanh, vang và rất trầm hùng.

Gỗ làm trống được cắt làm nhiều khúc, sau đó pha thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như độ cong, độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có khẽ hở. Những chiếc dăm trống được khép khít và mài nhẵn tới mức mắt thường khó có thể nhìn thấy vết ghép.  Khâu cuối cùng đặc biệt quan trọng là bưng trống.

Da trâu được quây tròn, căng hết cỡ trên mặt trống. Người thợ dùng đinh chốt được làm từ  thân tre già đóng cố định vào thân trống. Da được chọn để làm trống phải là da trâu, đem bào hết lớp màng, ngâm nước và xử lý kỹ càng rồi phơi khô, sau đó được lọc mỏng để bịt trống. Da làm trống phải là da trâu cái, được đem bào hết lớp màng, sau đó ngâm nước, khử mùi, chống thối rồi phơi khô 3 nắng.

Da trâu không được sử dụng muối để bảo quản và phải căng ra phơi khô ở nhiệt độ 300 độ C là tốt nhất. Tre làm đai trống là tre bánh tẻ, còn tre làm đinh để ghim da trống với tang trống phải là tre đực già.

Việc tạo dáng cũng vô cùng nghệ thuật và khéo léo, làm sao để trống tròn, đẹp, hài hòa, cân đối. Thân trống là sự cộng hưởng âm thanh của cả mặt trống và tang trống.

…đang “teo tóp” sống

Làm trống là một công việc rất kén chọn người, không phải cứ ai muốn theo nghề cũng có thể trở thành thợ giỏi. Anh Nguyễn Quang Tuyển, 31 tuổi cho hay: “Người làm trống phải có “tai nghe”, phải biết thẩm âm để nắm được độ vang, nền, nẩy của từng loại trống vào từng mục đích sử dụng như hội làng, trống trường, trống văn nghệ, trống đám tang, trống trẻ chơi Rằm Trung thu....

Không khí bắng vẻ ở làng trống
Không khí bắng vẻ ở làng trống

Cơ sở làm trống của anh Tuyển vào diện “máu mặt” ở làng với nhiều hợp đồng làm trống ở các tỉnh lân cận. Vào những ngày gần Rằm Trung thu, gia đình anh có nhiều việc hơn. Tháng 10 âm lịch đến ra giêng là khoảng thời gian bận rộn nhất của những người thợ làm trống.

Chiếc trống nhỏ nhất hiện có giá từ 300 - 500 nghìn đồng, chiếc to hơn có giá khoảng hơn chục triệu đồng, thậm chí có những chiếc lên đến cả trăm triệu. Theo anh Tuyển, nếu có đơn đặt hàng thường xuyên thì trừ chi phí, thu nhập mỗi tháng khoảng hơn chục triệu đồng.

Nhưng không phải gia đình nào cũng như nhà anh Tuyển. Nếu xưa kia thời cực thịnh, cả làng có hơn trăm gia đình làm nghề thì bây giờ “teo tóp” còn khoảng gần chục nhà còn đam mê với những tiếng tùng, cắc.

Có lẽ làng trống An Quang phải “chu du” ở những hội chợ du lịch làng nghề truyền trống ở cả nước để tìm hướng mở cơ hội tìm kiếm thị trường, khẳng định rõ nét thương hiệu làng nghề. Có vậy, hy vọng làng nghề trống không bị rơi vào “âm thanh trầm”, dần bị thất truyền.

Thùy Dương

Đọc thêm