Không chỉ hấp dẫn bởi biển xanh cát trắng, Vũng Tàu còn hấp dẫn du khách bởi các công trình kiến trúc đền chùa kết hợp phong cảnh núi non hữu tình. Du khách mỗi khi đến thành phố này đều muốn ghé qua một khu đền hay ngôi chùa, nhất là vào dịp tháng Bảy. Thế nhưng, lợi dụng sự sùng đạo của khách thập phương, nhiều người dân địa phương dựa vào các di tích nổi tiếng để làm ăn kiểu “chụp giựt”...
Cảnh nhảy đồng, lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi. |
Xây đền chùa “ăn theo” trên đất nhà mình
Dọc đường lên các ngọn núi nổi tiếng bao bọc TP. Vũng Tàu như núi Lớn, núi Nhỏ đều có thể thấy nhiều đền chùa nhỏ, lẻ rải rác mà không ai có thể nhớ được chích xác thời gian và hoàn cảnh ra đời. Lợi dụng vào sự linh thiêng của một số cụm chùa cổ hoặc các di tích lịch sử đã được xếp hạng nơi đây, nhiều hộ dân ngang nhiên xâm chiếm đất đai, mở chùa riêng.
“Ban đầu chỉ là một ban thờ be bé hoặc ngôi miếu nhỏ “ăn theo”, để tiện đường “đón lõng” khách hành hương lên những chùa lớn ghé qua”, một người dân sống gần chùa Thiền Lâm (phường 5, TP. Vũng Tàu) cho biết. “Dần dà, những chỗ tự phát này phát triển khang trang, quy mô không thua gì một nơi thờ tự thực sự. Cũng đủ lệ bộ từ tượng thờ đến lư hương, thần phả.... Người dân lập đền, chùa ban đầu với ý định “kiếm chác”, thấy làm ăn được thì nhận luôn làm người coi giữ, có trường hợp còn tự phong mình làm sư trụ trì”.
Rất nhiều du khách từ xa đến, kể cả dân địa phương ít khi đi lễ chùa cũng dễ dàng bị “đưa vào tròng”. Các cá nhân tự lập “chùa tư nhân” nghiễm nhiên đặt ra các luật lệ, thu tiền lễ bái, công đức của khách thập phương và người đến cúng dường.
Không khó để chứng kiến các hình ảnh chướng mắt mỗi khi đến dịp lễ hội đông đúc, trong khi hàng trăm người thành kính dâng hương, hoặc đặt lễ cúng dường thì ở trên bàn thờ, nhiều người tự ý bốc tiền lễ bỏ vào túi một cách thản nhiên.
Chị Lê Thị Thảo, một người dân TP.Vũng Tàu, cũng từng vô tình “đi lạc” vào một ngôi đền như thế. Nghe nhiều người đồn đại đền Sơn Thần trên núi Nhỏ rất linh thiêng, chị không quản đường xa ghé qua một lần cho biết. Không ngờ ngay từ ngoài cửa chị đã bị “chém” tiền gửi xe đắt gấp 10 lần bình thường với lý do “đền ở trên núi, nên chỗ gửi cũng độc quyền”. Đến khi bước vào bên trong thì các dịch vụ xin xăm, cầu con, xin nước “lộc”, nhan nhản khắp gian đền chỉ khoảng 30m2, thỉnh thoảng lại có vài ba người mặt mày bặm trợn giành giật nhau thu tiền công đức, không khác gì “cái chợ” buôn thần bán thánh". Từ đấy chị "cạch đến già" không dám quay trở lại ngôi đền linh thiêng, “cầu gì được nấy” ấy nữa.
Cũng theo chia sẻ của một người dân sống gần ngôi đền này, số lượng những “mô hình” như trên không phải là ít, dẹp được chỗ này thì mọc lên ở chỗ khác. Hơn nữa, chúng được người dân xây dựng từ từ, có khi trên chính mảnh đất của gia đình họ, nên việc xử lý triệt để gặp không ít khó khăn.
“Luật ngầm” ở chốn “buôn thần bán thánh”
Bên cạnh phong trào lập đền chùa theo kiểu “của nhà trồng được” rồi dựa vào đấy để kiếm chác, lừa đảo khách du lịch, không ít người sống gần các đền thờ hay di tích có lịch sử lâu đời còn táo tợn biến “của chùa” thành “của nhà”. Hầu hết những ngôi chùa ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều được xây dựng trên triền núi, hướng mặt ra biển, địa thế đẹp, nên nhiều người dân lợi dụng kéo đến lấn chiếm đất trước chùa để mở của hàng kinh doanh quán ăn, giải khát. Đến khi di tích được xếp hạng hoặc nổi tiếng, thu hút nhiều người ghé thăm cầu cúng thì thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa các hộ dân sống ở đây để giành quyền “làm ăn, thu tiền” nơi cửa Phật, cửa Thánh.
Trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ việc ẩu đả khá nghiêm trọng liên quan đến việc giành địa bàn làm ăn kiểu này. Gần đây nhất là vào rạng sáng 4/8, khi cả khu phố đang chìm trong yên tĩnh thì vang lên những tiếng xô xát, tiếng đồ đạc bị đập phá chát chúa, khiến người dân quanh đấy hoang mang, lo sợ. Tại dãy nhà trước ngôi đền Mẫu cổ kính (phường 2, TP. Vũng Tàu) chuyên kinh doanh thức ăn và quán giải khát bày ra một cảnh tượng hỗn loạn.
Chén đũa, bàn ghế gãy đổ, nhiều thanh niên vẻ mặt bặm trợn, giang hồ đang lao vào đánh đấm lẫn nhau. Khi cảnh sát cơ động đến nơi, những người tham gia nhanh chóng bỏ chạy toán loạn, để lại bãi chiến trường ngổn ngang mã tấu, gậy gộc.
Theo người dân sống quanh đền Mẫu cho biết, đây không phải là trường hợp cá biệt. Những vụ “tranh chấp lãnh địa” trước cửa Phật nhiều khi còn gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu không được can thiệp sớm.
Một cụm đền giả tự phát “đánh lừa” hàng trăm du khách |
Để tranh giành quyền thu tiền ở các khu vực đền chùa, nhiều khi một số hộ dân còn hành xử kiểu "xã hội đen", với đủ chiêu thức, đập phá, ném rác, để dằn mặt nhau ngay trước cổng đền chùa, khiến nhiều người tâm huyết, sống lâu năm ở đây không khỏi cảm thấy xót xa, nuối tiếc cho những địa điểm tâm linh này.
Bà Nguyễn Thị Bé, một người bán hàng gần đền Mẫu chia sẻ, người dân ở nơi khác đến không biết, cứ thấy đền chùa nào đặt sẵn lễ trên bệ, có cả thầy đồng, con hát thì yên tâm là nơi an toàn, quy củ mà không biết đấy là mánh khóe “chim mồi” của một số tên "ma cô" nhằm đánh lừa khách.
“Chúng tự lập ra các ban bệ cắt cử người trông coi, lấn át cả các ông từ hay vị trụ trì nơi đây, rồi kiêm hết mọi dịch vụ từ thầy cúng đến gửi xe, bán hàng. Nhiều khi giữa thầy đồng và chủ có sự ăn chia không đồng đều là dễ dàng xảy ra ẩu đả, động tay động chân diễn ra như cơm bữa. Không những thế, họ còn móc nối với nhiều thầy dỏm trên địa bàn rồi tổ chức các buổi lễ giải hạn, cắt nghiệp chướng thu lợi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng một lần lễ”, chị Bé cho biết.
Tuy “sống nhờ” vào những nơi thờ cúng này, nhưng các đối tượng buôn thần bán thánh không những không sửa chữa, trùng tu mà còn còn thường xuyên “biến của chùa thành của nhà” khiến các cổ vật và đồ đạc, vật dụng thờ cúng bị thất thoát không ít.
Ông Từ từng quản lý đền Mẫu cho biết: “Đền được xây dựng từ lâu, lại có một thời bỏ hoang không ai coi giữ, nên những người dân lấn chiếm đất đền từ bấy giờ đến nay nghiễm nhiên trở thành người trông coi, công quả cho đền. Thêm vào đó, việc cúng lễ đa phần được cả hai bên đồng ý, lại khó bắt quả tang, nên chỉ khi có ẩu đả mới có thể nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Được ít hôm, do quản lý không chặt nên mọi việc đâu lại vào đấy”.
Rằm tháng Bảy là mùa lễ lớn nhất trong năm, khi người dân khắp nơi đổ về chùa chiền, tỏ lòng yêu thương giữa con người với con người. Tuy vậy không ít người chỉ vì chạy theo cái lợi trước mắt mà bất chấp mọi thứ, không những vi phạm pháp luật mà còn xâm hại trực tiếp đến các giá trị văn hóa tâm linh, tinh thần vô giá mà cha ông để lại.
Theo Xa lộ pháp luật