[links()]Có những lúc “nhẵn túi” phải ăn thức ăn từ thiện, gian nan kiếm một việc làm thêm nơi đất khách quê người để tồn tại, để trang trải học hành… Cuộc sống của du học sinh không phải toàn màu hồng, không “sang”, không lung linh như tưởng tượng.
Lạc lối từ sân bay
Hầu hết những bạn trẻ sắp “xuất ngoại” chỉ tìm hiểu thông tin nơi mình chuẩn bị đến học từ sách báo, vô tuyến, internet hoặc qua lời kể của bạn bè. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi vẫn khác xa. Ngay khi vừa đặt chân đến Bordeaux (Pháp), Hà Thanh chưa kịp hết choáng ngợp bởi sự lộng lẫy, nhộn nhịp của thành phố này đã phải đối diện cảm giác hoang mang vì không thấy người ra đón.
Hình minh họa |
Mãi một lúc sau cô mới được một thanh niên người Việt dẫn về ký túc xá. Không như cam kết của công ty du học bên Việt Nam: “Cử người của trường ra tận sân bay đón miễn phí”, Thanh buộc phải nộp thêm tiền taxi và tiền thuê người đón tận sân bay.
Một trở ngại lớn thường gặp là việc hòa nhập và làm quen của các du học sinh với người bản xứ khá khó khăn và chậm chạp. Cho dù các bạn trẻ đạt điểm ngoại ngữ và kỹ năng sống rất cao, nhưng việc bị “vứt” vào một môi trường với nền văn hóa, ngôn ngữ, lối sống xa lạ vẫn luôn cần một khoảng thời gian để thích nghi. Vài tháng đầu, hầu hết du học sinh đều trong trạng thái cô độc, chỉ lủi thủi đi học, về nhà và làm quen dần với mọi thứ xung quanh.
Trường hợp cô bạn Hà Thanh kể trên vẫn may mắn hơn rất nhiều bạn trẻ khác vì còn được “một suất” trong ký túc của trường. Với những bạn trẻ lựa chọn sống bên ngoài thì khó khăn còn nhiều hơn gấp bội. Họ phải quen với việc sống tự lập, tập tính toán với những con số chi tiêu hàng tháng như tiền ăn, tiền học, sinh hoạt phí.
Nhiều bạn do vẫn được bố mẹ nuông chiều chăm chút từng tý một, khi sang đây nhanh chóng rơi vào tình cảnh túng thiếu, chưa hết tháng đã hết sạch tiền. Hoàng Anh, du học sinh tại Osaka (Nhật Bản) cho biết, tháng đầu tiên khi mới đặt chân đến đây, thấy gì lạ cũng muốn mua thử nên chỉ mới hai tuần cậu đã dùng hết số tiền ăn của cả hai tháng.
Những ngày sau đó cậu phải ăn mì gói mang theo “cầm cự” chờ gia đình gửi tiền sang, cậu “công tử” từ đó mới bắt đầu tập ăn tiêu dè sẻn. Cậu nghĩ ra “sáng kiến” phân các loại tiền dành cho ăn uống, sinh hoạt, sách vở, tiêu vặt… vào từng phong bì riêng và kiềm chế không phạm vào số tiền cố định ấy.
Sống nhờ cơm từ thiện
Ngay cả những “ma cũ” sang đã lâu cũng thường xuyên rơi vào cảnh rỗng túi do chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hoặc nhiều tình huống bất ngờ phát sinh. Bảo Khánh (du học sinh Phần Lan) tâm sự, nhiều lúc hết tiền không có gì để ăn, một số bạn phải đến nhà thờ hoặc các tổ chức từ thiện để “ăn ké” các suất ăn từ thiện dành cho người neo đơn, lang thang và vô gia cư.
Minh Ngọc (du học sinh Anh) kể thêm, mùa đông ở nước ngoài không phải chỉ đẹp lung linh với tuyết rơi phủ trắng xóa như tranh vẽ hay trong phim ảnh, đây là mùa khắc nghiệt thật sự, đặc biệt là đối với các du học sinh đến từ vùng nhiệt đới như Việt Nam.
Mùa đầu tiên sang đây, sáng ngủ dậy Ngọc sung sướng phát hiện ra những bông tuyết lấm tấm bám đầy trên mặt kính, nhưng chỉ vài ngày sau niềm háo hức đấy được thay thế bằng cảm giác khó chịu do dị ứng thời tiết, khắp người sưng đỏ, bóc thành nhiều mảng rớm máu và đau đớn cho đến khi đi khám dùng thuốc đặc trị.
Dịch vụ y tế ở nhiều nước khá đắt đỏ so với túi tiền của du học sinh, nên mới có cảnh nhiều bạn đành phải tự lên mạng tìm các bài thuốc chữa trị hay dùng thuốc mang sẵn ở nhà đi. Vẫn cậu bạn trên kể lại lần ốm nặng vào năm đầu tiên, một mình không có ai chăm sóc, nhớ đến những lúc ở nhà chỉ hơi nhức đầu cũng khiến cả nhà nháo nhào lo lắng, bên này một thân một mình đành phải lên mạng tra cứu cách nấu cháo giải cảm.
Tú Anh, đang theo học ngành Luật tại trường Deakin (Úc) tâm sự: Dịp lễ tết, nghỉ đông dài ngày, các bạn trẻ cũng cố gắng hạn chế về để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Đến ngày Tết cổ truyền, cả nhóm bạn bè người Việt rủ nhau tranh thủ đi làm, đi học về nấu vài món truyền thống rồi cùng tụ tập ăn uống cho đỡ nhớ nhà, nhiều người mới sang chưa quen ai, đến ngày này lại lủi thủi trong phòng, tưởng tượng ra cảnh cả gia đình, họ hàng sum họp ở nhà mà bật khóc vì tủi thân.
Tuy vậy, mỗi khi gia đình gọi điện sang hay chụp những tấm ảnh để chia sẻ và “khoe” với bạn bè, ai cũng cố gắng cười tươi roi rói, giấu hết những khó khăn vất vả để mọi người ở nhà khỏi phải lo lắng.
Gian nan vừa học vừa làm
Ngoài việc học hành trên lớp, nhiều bạn trẻ phải lao vào vòng xoáy vừa học vừa làm để đảm bảo cuộc sống. Phương Thùy, du học sinh Úc, kể lại, mỗi khi bố mẹ mừng rỡ trò chuyện, lại không dám kể thật nỗi khổ ở bên này. Sáng sớm đã phải dậy đi học, buổi chiều tan trường lại vội vã bắt xe đến chỗ làm thêm tại một nhà hàng của người Việt đến tận tối muộn mới về nhà.
Ở nhờ nhà họ hàng, nhưng Thùy cũng phải giúp gia đình họ công việc nông trại những khi rảnh rỗi, ngay cả thứ Bảy và Chủ nhật. “Bình thường thì không sao, nhưng đến gần ngày thi cử, kiểm tra, lịch viết luận và ôn thi dày đặc, những lúc như thế quay cuồng giữa học và làm, chỉ muốn bỏ cuộc nhưng nhớ đến ánh mắt tự hào của mẹ, khuôn mặt khắc khổ của bố, là mình lại tự nhủ phải cố lên”.
Rất nhiều du học sinh cũng phải đến các nông trại làm thuê để kiếm tiền sinh sống. Thùy cho biết thêm: “Bên này nhịp sống hối hả, phải tranh thủ từng tý một chứ không được thảnh thơi như ở bên mình. Đi làm thêm bên ngoài nếu gặp ông chủ tốt thì không sao, còn “xui xẻo” gặp phải chủ thấy mình là du học sinh thì chuyện viện cớ trừ lương, hay chèn ép không trả đủ lương đúng như thỏa thuận, cướp không công của mình thì cũng đành chịu.
Biết là thiệt thòi nhưng không dám làm lớn chuyện vì mình “lạ nước lạ cái”, hơn nữa quy định của nước sở tại thường hạn chế thời gian đi làm của học sinh, sinh viên, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nặng, nên hầu hết thường im lặng chịu đựng”.
Công việc quen thuộc của du học sinh chủ yếu là thu hoạch nông sản ở các trang trại, đây là công việc khá phù hợp, lương cao nhưng chỉ theo mùa, và làm liên tục hàng tuần để kịp thu hoạch, nên các bạn ở xa thường sống luôn tại nơi làm trong thời gian này.
Hồng Minh, một thanh niên gầy gò đang theo học tại Melbourne (Úc) cho biết: “Thời gian này chúng em phải sống như những người nông dân thật sự, vì nông sản đến vụ là chín đều, mỗi trang trại lại rộng hàng trăm hecta, phải tranh thủ thu hoạch cả ngày lẫn đêm, đến tối muộn thì mỗi người được phát cho ít thức ăn rồi ngủ tạm trong kho, sáng sớm mai lại tiếp tục làm tiếp”.
Công việc vất vả, phải đứng giam mình ngoài nắng suốt cả ngày vào mùa hè hay trong cái rét căm căm dưới 0 độ C mùa đông, nhưng gần đây do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, số người thất nghiệp tăng, nhiều bà mẹ đơn thân không tìm được việc làm cũng đổ về các trang trại, họ có sức khỏe lại làm việc tích cực, năng suất, chịu lương thấp nên các du học sinh cũng ít cơ hội hơn.
Việc làm bồi bàn ở các quán ăn, khách sạn trong thành phố cũng không đơn giản, thường người nước ngoài rất thẳng tính nên việc bị khách phàn nàn, có ý kiến, thậm chí có những từ ngữ xúc phạm và phân biệt là điều không thể tránh khỏi, nếu không nhẫn nại sẽ rất dễ tủi thân bỏ việc.
Vất vả, cực khổ là vậy nhưng các bạn trẻ này vẫn quyết tâm vượt qua trở ngại, bám trụ để hoàn thành tốt chương trình học. Không như một số trường hợp khác chỉ biết hưởng thụ cuộc sống vật chất đầy đủ trước mắt mà không lường trước những hậu quả sau này.
Theo Xa lộ pháp luật