Nhiều bậc phụ huynh trước sự nài nỉ của con và tính tiện lợi bề nổi của xe đạp điện, đã không ngần ngại móc hầu bao sắm xe đạp điện cho con. Để rồi sau đó không ít người ân hận…
Mất con vì thương con
Sáng 19.8 vừa qua, tại ngã tư đường Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám (Cầu Giấy - Hà Nội), một vụ va chạm giữa xe khách 54 chỗ và xe đạp điện do nữ sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Nguyễn Thu Huyền đã xảy ra. Do không đội mũ bảo hiểm, em bị đập đầu xuống đất và tử vong ngay sau đó. Cha mẹ em đã chết ngất khi nhận tin dữ vì Huyền là con một.
Cũng trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia có 5 vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện, khiến hai người tử vong.
Hiện nay, với nhu cầu học thêm nhiều, một học sinh không chỉ có quãng đường từ nhà đến trường, thay vào đó còn phải đi rất nhiều nơi. Nhờ ưu điểm gọn nhẹ, không mất tiền mua xăng, giá thành thấp, xe đạp điện đang được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con. Tại nhiều điểm kinh doanh ở Hà Nội cứ vào đầu năm học mới là lượng xe đạp điện bán ra tăng 30-50% so với các tháng trước đó.
|
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet) |
Thế nhưng, điều nguy hiểm nhất của xe đạp điện là người lái nghĩ rằng sự an toàn của nó là tuyệt đối giống như xe đạp, trong khi tốc độ của nó lại ngang bằng xe máy 40 km/h. Cùng một vận tốc, nhưng đường kính lốp xe đạp điện nhỏ hơn nên độ ma sát với mặt đường kém, số vòng quay hơn, vì thế độ văng cũng lớn hơn khi tai nạn xảy ra. Trong khi đó, học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đèo nhau phóng vèo vèo, vừa đi vừa đeo tai nghe, nhắn tin điện thoại, đi ngược chiều đường… là hình ảnh nhan nhản ngoài đường bây giờ.
Sắm xe, quên “sắm” luật – lỗi của cha mẹ
Thấy bạn bè của con có xe đạp điện đi lại đỡ vất vả rất nhiều, vợ chồng anh Quách Văn Thành ở Chương Mỹ (HN) bảo nhau dành dụm mua cho con một chiếc. Một hôm đi học về, thấy con bảo nhà trường tuyên truyền đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm và xin tiền mua mũ, anh Thành quát lên: “Sao phải mua? Bố mẹ phải tích cóp gần một năm mới đủ tiền để mua chiếc xe đạp điện. Mua mũ bảo hiểm cũng mất mấy trăm ngàn mà có giải quyết gì đâu”.
Rồi anh Thành cũng cho con tiền mua mũ bảo hiểm nhưng là loại mũ nhựa cứng bán đầy ở vỉa hè với giá 50 nghìn để đối phó. Cho đến một hôm, đang ở chỗ làm, anh nghe người hàng xóm hớt hải gọi điện thông báo, con anh đi nhanh bị ngã xe, đập đầu xuống đường chấn thương, đang cấp cứu ở bệnh viện. Xem ảnh hiện trường của công an, nhìn chiếc mũ bảo hiểm vỡ nát, anh Thành chỉ còn biết tự trách mình.
Hà Nội là một trong những địa phương mà tình trạng học sinh, sinh viên đi xe đạp điện phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm diễn ra rất nhiều. Theo khảo sát của Phòng CSGT Công an Tp.Hà Nội, có trên 90% người điều khiển, người ngồi sau xe đạp điện chưa đội mũ bảo hiểm.
Từ đầu năm đến nay, phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã mở 4 đợt cao điểm, tập trung xử lý những trường hợp xe đạp điện vi phạm. Với những trường hợp chưa đủ 16 tuổi, điều khiển các loại phương tiện này, sẽ bị tạm giữ phương tiện và mời bố mẹ đến để lập biên bản các bậc phụ huynh đã giao xe cho con em không đảm bảo các điều kiện khi tham gia giao thông. Việc làm này đã có những tác động nhất định nâng cao ý thức của học sinh và phụ huynh.
Tuy nhiên, theo Trung tá Phạm Văn Hậu – Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra nhiều, vì chế tài xử phạt các hành vi vi phạm đối tượng từ 16-18 tuổi chỉ bằng một nửa mức xử phạt chính, quá nhẹ, nên chưa đủ răn đe người vi phạm.
Bên cạnh đó, phương án phối hợp giữa cơ quan công an, gia đình, nhà trường rất quan trọng, tuy nhiên cần xác định công tác quản lý từ phía gia đình vẫn là chính yếu. “Chúng tôi mong các bậc phụ huynh quan tâm nhắc con em mình chấp hành đúng luật giao thông, vì đó cũng là cách phòng ngừa tai nạn hiệu quả” - Trung tá Phạm Văn Hậu nhấn mạnh.
Dương Nhi