Tại Phú Thọ, người con trai chém chết bố rồi tự vẫn nhưng được cứu, đang trong tình trạng nguy kịch; Bình Phước, nghi án chồng giết vợ rồi tự tử bằng dao; Đồng Tháp, người chồng sát hại vợ và mẹ vợ vào lúc rạng sáng rồi đến Công an tự thú.
Gần đây, những vụ án mạng trong gia đình có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là cha con giết lẫn nhau, con giết mẹ, cháu siết cổ bà, chồng giết vợ và vợ cùng tình nhân giết chồng,... cùng với các hành vi phi tang thi thể man rợ như chặt xác, cho vào chum, chôn xuống nền xi măng, cho vào bể phốt.
Một vụ ghen tuông ở Quảng Ninh gây nên sự bức bối cho cả xã hội khi một Giám đốc Ngân hàng bắt tình địch chặt ngón tay ngâm rượu, gọi đến đánh nhiều lần, gây thương tích gẫy xương sườn
Nguyên nhân của các vụ án mạng xem ra không phải những mâu thuẫn trầm trọng mà chỉ là những xung đột vợ chồng nhất thời về tiền bạc hoặc tình ái, những đứa con, đứa cháu không xin được tiền, không thỏa mãn được những đòi hỏi vật chất mà thôi!
Những hành vi mất nhân tính đó thường được lý giải bằng sự ức chế dồn nén của thủ phạm, bằng tác hại của phim ảnh bạo lực và bằng những tác động trực tiếp của con nghiện ma túy. Tuy nhiên, có nhiều vụ mà thủ phạm được những người xung quanh nhận xét là “hiền lành”, “đối xử tốt với mọi người”.
Cũng không nên trách cứ báo chí khi đưa tin về những vụ án rùng rợn này, bởi thông tin đó là cần thiết như một sự cảnh báo, chỉ nên tránh đi sâu khai thác chi tiết gây ghê sợ cho người đọc. Vả lại, các thông tin kiểu này cập nhật trên mạng xã hội nhiều khi còn sớm hơn báo chí truyền thông.
Chỉ còn một cách là thấy rõ thực trạng đáng ghê sợ này, phân tích nguyên nhân và tìm ra cách ngăn chặn nó. Nền tảng đạo lý trong gia đình cần được bồi đắp, những nguyên tắc ứng xử truyền thống nền nếp gia phong cần gìn giữ. Và, điều cốt yếu nhất là môi trường xã hội phải trong sạch, pháp luật dù có trừng phạt nghiêm khắc cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.