Để điểm cho hết biết bao nhân vật góp phần nên VNQDĐ, dự phần vào khởi nghĩa Yên Bái, kể làm sao cho hết? Đa phần họ đều phải nhận những kết cục bi tráng cả nhưng dẫu có thất bại, máu đào có đổ, cũng chẳng bao giờ uổng phí đâu.
Nhượng Tống - 10 năm Côn Đảo
Nhượng Tống (1904-1949) vốn tên thật là Hoàng Thúc Trâm, hiệu Mạc Bảo Thần, quê làng Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, Nam Định. Lâu nay khi nói tới Nhượng Tống, thường biết tới với tư cách nhà văn, nhà báo, dịch giả hơn là một thành viên của VNQDĐ. Điều ấy cũng phải lắm, bởi như “Việt Nam danh nhân tự điển”, thì Nhượng Tống cũng thuộc hàng tài năng lắm.
Lan Hữu (1940), Mái Tây (1943), Trang Tử Nam Hoa kinh (1944), Sử ký Tư Mã Thiên (1944), Nguyễn Thái Học (1902-1930) (1945)… là một số tác phẩm Nhượng Tống viết hoặc dịch đấy. Nhưng nên nhớ rằng, sự ra đời của đảng này, có sự dự phần rất lớn của Thúc Trâm.
Vốn sinh ra trong một gia đình Nho học, thông thạo chữ Hán, lại tự học thêm Pháp ngữ, nên Nhượng Tống kể ra là một tay tri thức có hạng. Bởi vậy mà, nếu Phạm Tuấn Tài lập Nam Đồng thư xã, thì Nhượng Tống ra “Thực nghiệp dân báo”, rồi sau kết hợp với nhau để trên cơ sở đó, VNQDĐ ra đời vậy.
Nhượng Tống |
Ban đầu, Nhượng Tống muốn làm “cách mạng hợp pháp”, “hòa bình cách mạng”, nhưng rồi, bị thuyết phục bởi Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thái Học, nên ngả hẳn theo chủ trương “thiết huyết cách mạng”.
Cũng bởi vụ Bazin, Nhượng Tống bị bắt, cùng nhiều đồng chí của mình, bị Hội đồng Đề hình xử tại tòa án Hà Nội ngày 3/7/1929. Lúc ấy, anh 22 tuổi. Xử anh, qua “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930”, ta biết, với những giấy tờ bắt được tại nhà anh, tòa kết tội anh là “bài Pháp”, cũng Phạm Tuấn Tài lập Nam Đồng thư xã, viết sách truyền bá tư tưởng cách mệnh, làm truyền đơn giao cho Trúc Khê đi phân phát, lại giao thiệp với những giáo học yêu nước ở Nam Kỳ, có chân trong chi bộ đầu tiên của VNQDĐ, là một yếu nhân của đảng.
Đến lượt Nhượng Tống, trước Hội đồng Đề hình, anh phản bác lại, rằng dù có chân trong VNQDĐ, nhưng những sách báo anh viết, đều theo đúng quyền tự do ngôn luận trong xứ. Và dù anh tham gia lập chi bộ VNQDĐ, nhưng anh không ở trong Tổng bộ, nên “Tôi xin Hội đồng lấy sự công bình mà xét. Về phần tôi được tha hay không, sự ấy quan hệ rất nhỏ, nhưng có quan hệ đến danh dự nước Pháp, vậy xin Hội đồng thận trọng cho”.
Đầu năm 1930, Yên Bái khởi nghĩa, nhưng Nhượng Tống không tham gia bởi sau lần xử trên, anh đã thụ án 10 năm tù và bị đày ra Côn Đảo rồi. Cái khúc tráng ca Yên Bái, Nhượng Tống không kịp dự.
Bản cáo trạng Đoàn Trần Nghiệp
Đoàn Trần Nghiệp, còn gọi là Ký Con, quê ở Thanh Oai, nhà ở số 56 phố Hàng Bạc. Ban đầu, vị trí của anh trong VNQDĐ, theo lời Nhượng Tống cho hay, là coi việc ấn loát tờ “Hồn cách mệnh”, như ông chủ nhà in vậy. Trong ấn tượng của Nhượng Tống, thì Nghiệp là “con người biết cười chứ không biết nói”, vì anh rất ít nói, nhưng sau này Nghiệp “đã làm nên những sự nghiệp kinh thần, khốc quỷ ở đời”.
Về hình dung, Nghiệp là người dong dỏng cao, da trắng xanh, miệng luôn cười, hai môi đỏ như son, trán cao và hẹp, mắt sáng và nhanh.
Năm 1928, Nghiệp làm thuê cho hiệu Gô-đa, rồi gia nhập VNQDĐ, có thời gian do làm thư ký côi kho ở Việt Nam khách sạn, vì còn nhỏ nên mọi người gọi đùa là Ký Con. Sau này, VNQDĐ lập ra Ám sát đoàn, dù chỉ huy là Song Khê, nhưng thực tế lãnh đạo, chính là Nghiệp. Nghiệp từng có lần bị bắt sau khi Việt Nam khách sạn đóng cửa, nhưng được tha ngay.
Vào cái ngày khởi sự, nhiệm vụ của Nghiệp là chỉ huy Ám sát đoàn cắt đứt hết đường dây thép, dây nói và ném bom vào Sở Mật thám, Sở Cảnh sát, Sở Sen đầm. Và sau đó, Nghiệp bị bắt. Ngày 5/8/1930, anh cùng nhiều anh em phải ra trước Hội đồng Đề hình.
Sau khi xem xét các cáo trạng, thì Ký Con là một trong những người can rất nhiều tội: Nào là, cùng 13 người khác can tội “âm mưu xâm phạm tính mệnh và tài sản của người khác”, rồi cùng 12 người can tội “Ngày 10/2/1930, đã ném bom vào bót cò quận thứ nhất và trong trại lính Cảnh sát Hà Nội”,
cùng 21 người can tội “Đã làm hoặc tàng trử tạc đạn mà không có giấy phép”, cùng 12 người can tội “âm mưu ám sát viên đội Duchemin”, cùng 5 người can tội “cướp ô tô ở Mỹ Lâm”, cùng 2 người can tội “ám sát ông Giáo Du”, can tội “ám sát Nguyễn Văn Kính ở vườn Bách thú Hà Nội”, can tội “mưu sát Đội Dương”. Thật là một bàn cáo trạng quá dài.
Đến phiên trả lời của mình, Nghiệp dõng dạc nhận mình có chân trong VNQDĐ, làm, nhận trách nhiệm việc làm bom nơi Thái Bình, nhận việc giết Kính, nhận việc thủ xướng cướp ô tô… Căn cứ những tội trạng ấy, anh bị quy là trưởng ban Ám sát.
Ký Con thẳng thắn mà rằng “mình làm cách mệnh thì phải vâng theo mệnh lệnh của Đảng đi hạ thủ các người phản trắc mà khi tuyên thệ họ đã chịu tử tội rồi”.
Ngày 8/8/1930, Hội đồng Đề hình họp lại, tổng hợp 700 câu hỏi hỏi các bị cáo, kết luận Ký Con là người một mình phạm rất nhiều việc. Đến 7 giờ sáng ngày 9/8 tòa tuyên án, 12 người bị tử hình, và Ký Con Đoàn Trần Nghiệp là người bị kêu án tử đầu tiên. Cuối năm ấy, tại Hỏa Lò, chàng trai trẻ thụ án chém, kết thúc tuổi thanh xuân rạng rỡ mà bi tráng.
Lẫm liệt Xứ Nhu
Nguyễn Khắc Nhu, được quen gọi là Xứ Nhu, bởi anh đi thi Hương đỗ đầu xứ. “Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển” còn cho biết anh có biệt hiệu Song An, thực ra là Song Khê. Buổi ban đầu, nơi đất Bắc Giang, Song Khê lập ra nhóm yêu nước, sau tham gia vào VNQDĐ.
Trong đảng, cuối năm 1928 bầu tổng bộ mới, Xứ Nhu được bầu làm Chủ tịch bên lập pháp, Nguyễn Thái Học Phó Chủ tịch, cho thấy sự tín nhiệm của các đồng chí với anh như thế nào. Trong cuộc nổi dậy ngày 10/2, anh giữ chức Phó Chủ tịch Trung ương đảng bộ VNQDĐ.
Khi dự tính tiến hành cuộc nổi dậy, Louis Roubaud trong “Việt Nam bi thảm Đông Dương” cho hay, Xứ Nhu được giao việc đánh Hưng Hóa cùng với phụ tá Đỗ Thủy.
Theo tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương thì Nguyễn Thái Học định dời ngày khởi nghĩa sáng 15/2, nhưng Xứ Nhu không chịu, vẫn quyết định hành động: “Sứ Nhu đã trù liệu tất cả để đánh Yên báy ngày 10, cho nên không chịu dời lại ngày tổng khởi nghĩa.
Ngày 9/2, Nhu đặt tại Phú thọ và Yên báy những đồng chí võ trang bằng lựu đạn và gươm dáo”. Tiếc rằng với trang bị đầy bom, bình dầu hỏa, dao phay, kiếm và vài khí giới đơn giản khác, đoàn quân dưới sự chỉ huy của xứ Nhu ùa vào trại lính, nhưng gặp ngay sức kháng cự mạnh mẽ bằng súng máy của toán lính tập ở trong thành. Và xứ Nhu rút cục, bị tử thương.
Quanh kết thúc của vị chỉ huy Song Khê, trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)”, Nhượng Tống kể lại những giờ phút cuối cùng của anh. Khi anh cùng khoảng 50 đồng chí tiến vào trại lính, anh diễn thuyết cho chúng nghe về chủ nghĩa và công việc của VNQDĐ, khuyên chúng bỏ trại mà đi theo cách mạng.
Nhưng chúng nào nghe, đáp trả bằng những loạt đạn. Còn quân VNQDĐ, thì ném lựu đạn vào, nhưng vẫn không hạ được trại. Đến khi lựu đạn hết, anh em phải lui ra bờ sông chờ chiến cụ.
Khi có thêm vũ khí, anh em đánh Lâm Thao, chiếm phủ, treo cờ, còn Song Khê thì diễn thuyết cho dân chúng nghe. Đúng lúc ấy, viện binh của địch đến, cuộc đối địch diễn ra, và “Anh bị thương nặng ở chân, liền đặt hai trái lựu đạn xuống đất, rồi vật mình lên trên mà tự tử! Đạn nổ… Ngực vỡ, bụng vỡ, trông thấy cả gan, ruột…
Nhưng anh không chết! Chúng bắt anh, băng bó lại mà khiêng đi. Dọc đường, anh nhảy xuống sông nhưng chúng vớt được! Mãi đêm hôm 11, trong buồng giam, tay bị cùm, chân bị xích, anh phải tự đập vỡ đầu ra mới chết được”.
Vậy là khỏi đợt tòa án của địch, người anh hùng sa cơ, đã tự xử mình trước rồi. Chết đây, nhưng gương tiết liệt của những anh hùng ấy vẫn còn mãi vang, như đôi câu trong bài “Văn tế các vị tiên liệt VNQDĐ” cụ Phan Bội Châu ngợi ca:
…“Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nổi xuất sư vị tiệp, vai bể non gánh nặng hãy trìu trìu;
Đoạn đầu đài sau sau trước trước bước thung dung, gớm gan thị tử như quy, mặc cây cỏ máu tươi thêm chói chói”.