Ẩn số sau vụ tìm thấy đồ giả cổ ở núi Tàu

(PLVN) - Những tượng kim loại màu vàng được người dân huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phát hiện trong lúc đào ao gần núi Tàu được cơ quan chức năng xác định là đồ giả cổ, chứ không phải đồ cổ như lời đồn thổi. Đồ cổ đương nhiên là đồ quý hiếm và rất đắt giá. Nhưng khi chưa có một thị trường cổ vật minh bạch, người chơi đồ cổ thường tuân thủ luật ngầm là ai nhìn nhầm người ấy chịu thiệt.

Chỉ là đồ giả cổ

Sau nhiều năm tin đồn về kho vàng 4000 tấn giấu trong núi Tàu tạm lắng xuống, đầu tháng 7 này, dư luận huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) bỗng “dậy sóng” trước thông tin ông P. (ngụ Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong) phát hiện nhiều tượng kim loại màu vàng khi đang đào ao ở trong vườn nhà.

Số tượng này gồm một bình hồ lô, một tượng Phật Di Lặc cưỡi cá chép, 2 con cóc ngậm tiền. Khi cầm lắc các tượng này thì bên phía trong rỗng ruột và nghe như âm thanh va chạm giữa kim loại nên được cho là vàng. Toàn bộ số tượng trên ở phía đế đều có khắc chữ Hán. Các tượng này đều có trọng lượng hơn 1kg, riêng tượng Phật Di Lặc cưỡi cá chép nặng khoảng 1,6kg.

Vì khu vực ông P. tìm thấy nhiều tượng kim loại này nằm gần khu vực núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong). Đây là địa danh nổi tiếng với tin đồn có kho báu 4.000 tấn vàng được cho là của quân đội Nhật chôn trong chiến tranh thế giới thứ 2 nên nhiều nhiều càng tin rằng số tượng kim loại ông P. đào được là vàng và là đồ cổ quý hiếm.

Khu vực núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) mang trong mình bí ẩn về kho báu 4000 tấn vàng 

Trước thông tin trên, ngày 2/7, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã cử chuyên viên của Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng với UBND huyện Tuy Phong vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy, số tượng kim loại màu vàng mà người dân tìm thấy là đồ giả cổ, hoàn toàn không có giá trị lịch sử hay cổ vật như dư luận đồn thổi.

Ông Huỳnh Văn Điển - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, cho biết: “Ngay khi có thông tin trên, UBND huyện đã giao Phòng Văn hóa huyện phối hợp với  Bảo tàng tỉnh Bình Thuận xuống tận nơi để kiểm tra. Đoàn đã gặp được 2 người liên quan đến vụ việc trên. Họ đã đưa số tượng kim loại màu vàng cho đoàn kiểm tra. Kết quả đó là đồ giả cổ. Hai người này cho biết họ không tung tin số tượng họ đào được là cổ vật mà đó là do dư luận đồn thổi”.

Theo tìm hiểu, ngay từ đầu thế kỷ XVII do cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài, nhân dân từ các tỉnh Đàng Ngoài đã kéo vào vùng đất sát biển phía bắc Bình Thuận lập chốn định cư. Sau đó, địa danh Tuy Phong chính thức có từ năm Minh Mạng thứ 13 (năm 1827). Vùng đất huyện Tuy Phong, đặc biệt là xã Vĩnh Hảo cũng có rất nhiều huyền thoại như cầu Đại Hòa từng có tên là cầu Chiêu Quân.

Nhiều đồ giả cổ được người dân tìm thấy khi đào ao

Khi bị quân nhà Tây Sơn truy đuổi, vua Gia Long đã chạy đến vùng đất Vĩnh Hảo để chiêu mộ binh sĩ từ miền Trung vào, phía Nam ra, nhất là lực lượng tại chỗ và các vùng lân cận, sau đó đưa về vùng đất Láng Lớn cách đó 6km để huấn luyện. Do đó, khu vực này nhiều người dân cho biết vẫn thỉnh thoảng đào được nhiều cổ vật quý hiếm.

Nói đến địa danh núi Tàu hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Địa danh này nổi tiếng với hành trình tìm kho báu 4.000 tấn vàng của quân đội Nhật kéo dài hơn 20 năm của cụ Trần Văn Tiệp (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM, đã mất vào tháng 6/2016, thọ 101 tuổi). Cụ Tiệp cho rằng mình có trong tay bản đồ nơi chôn giấu kho báu của quân đội Nhật chôn tại núi Tàu thời chiến tranh thế giới thứ 2.

Năm 1993, UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép cho cụ Tiệp thăm dò để tìm kho báu. Sau nhiều lần gia hạn nhưng việc tìm kiếm không kết quả, đến tháng 4/2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chấm dứt hành trình tìm kiếm kho báu này. Đến nay, kho báu 4.000 tấn vàng của quân đội Nhật ở núi Tàu vẫn là một bí ẩn.

Cần thị trường minh bạch

Đồ cổ đương nhiên là đồ quý hiếm và rất đắt giá. Thú chơi này muôn phần khắc nghiệt nhưng thiêu đốt ngọn lửa đam mê của những ai trót đắm mình trong thế giới cổ vật. Họ xem đó là hành trình “chinh phục” những vật phẩm thấm đẫm nét văn hóa trong lịch sử phát triển của loài người. 

Không một ai trong nghề dám vỗ ngực bảo mình chưa từng trả một khoản “học phí” trong quá trình mua đi, bán lại. Bởi hàng giả cổ bây giờ được chế tác tinh vi, nếu vội vàng, không quan sát kỹ thì người sưu tầm cổ vật rất dễ bị dính bẫy lừa. Chưa kể, đồ cổ cũng là món hàng đặc biệt, đã mua không được trả lại, không phiếu bảo hành, không khuyến mãi và không ít người tan gia bại sản hoặc ôm về mình những món hàng không còn giá trị.  

Từ câu chuyện "đồ cổ" đào được ở khu vực núi Tàu là đồ cổ giả đang đặt ra vấn đề cần thị trường minh bạch để tránh tình trạng "vàng thau lẫn lộn" 

Dò trên các trang mạng về sưu tầm, mua bán cổ vật, chuyện đào được đồ đồng cũng diễn ra hà rầm. Nhiều người khoe đào được từ nhà với cả bộ gồm nhiều món như: hồ lô, con gà, con cóc, Phật Di Lặc… và hầu hết dưới đáy đều khắc chữ Hán. Chủ nhân những món đồ kể trên, hầu hết cho rằng những món đồ này là đồ cổ vì đã dò la, hỏi nhiều người trong giới sưu tầm.

Thế nhưng, theo các chuyên gia trong giới sưu tầm cổ vật thì đó là những chiêu cũ rích nhắm vào người chơi mới. Đơn giản nhất là chiêu bài đào lên đồ cổ từ trong nhà, đều là đồ giả, rẻ tiền. Cao tay hơn là rủ người sưu tầm ra tận nơi nghi ngờ có cổ vật rồi lấy máy rà kim loại phát hiện vị trí, sau đó đào tận mắt, moi lên những món đồ tinh xảo giả cổ, rồi bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực. Người mua gần như tin tưởng tuyệt đối, bởi chính mắt nhìn từ công đoạn rà vị trí, đến khi đào đồ lên, thật khó nghĩ đó là đồ giả. 

Với sự cho phép của Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, thị trường cổ vật được công khai hoạt động. Cổ vật được chính thức nhìn nhận dưới góc độ một loại tài sản, loại hàng hóa đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, mà còn có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ sở hữu. 

Tuy nhiên, không phải mọi cổ vật đều có thể tham gia lưu thông. Đó phải là những hiện vật thuộc sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác ngoài sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị xã hội; phải là những tài sản có nguồn gốc hợp pháp đã đăng ký sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các chuyên gia cho rằng, chúng ta đã có luật công nhận nhưng vẫn chưa có thị trường chính thức, không có một khung giá nhất định, không có những cuộc đấu giá. Đó là lý do làm cho thị trường này phức tạp, dẫn đến việc buôn bán chui, trao đổi kín, thế là nhiều khi thật giả lẫn lộn, giá đồ giả có khi hơn giá đồ thật.

Thiết nghĩ, cần phải tổ chức được những phiên đấu giá công khai cổ vật thì cổ vật giả mới không xuất hiện trên thị trường. Thị trường minh bạch cho các cổ vật vừa giúp Nhà nước thu được thuế, vừa giảm được tình trạng cổ vật giả như hiện nay. 

Đọc thêm