Ý tưởng bỏ Tết Nguyên đán được GS. Võ Tòng Xuân (GS hàng đầu về nông nghiệp) đề xuất cả chục năm trước đã mở ra một cuộc tranh luận kéo dài mỗi khi Tết đến xuân về. Ở đó, dù tán đồng hay phản đối, các bên đều đưa ra những lý lẽ thuyết phục dưới vô vàn góc độ: kinh tế, an ninh xã hội, an toàn giao thông, truyền thống văn hóa...
Thế nhưng, ở nhiều góc độ, Tết với mỗi người được dệt nên bởi rất nhiều thương nhớ và kí ức. Bởi đó là bản quán, quê hương, là cha mẹ, người thân… Nơi mỗi người giữa những ồn ào, lốc cuốn của nhịp sống hiện đại, nhận ra mình có một nơi chốn thuộc về…
Còn lại chút này…
Ngày xưa Tết là phải có câu đối đỏ, câu nêu, tràng pháo... Tết nay dù đã không còn được đốt pháo khiến cảm giác đón giao thừa không còn được trọn vẹn, cây nêu cũng ít xuất hiện, câu đối đỏ cũng vắng bóng nhưng cảm xúc về ngày Tết vẫn còn nguyên trong mỗi con người Việt Nam. Đặc biệt là các cụ già cho tới các thế hệ 7x, 8x.
Nhiều người cho rằng, Tết bây giờ “nhạt”, chán lắm. Tết là một loại lễ hội sâu sắc nhất mà không một lễ hội nào sánh được. Ngày xưa, Tết không có gì mà ăn cả, gói cả sắn lẫn gạo nấu lên thay bánh chưng. Một bộ quần áo mới cũng không có mà mặc.
Bây giờ, Tết sung túc gấp ngàn lần, thì lại bảo là “nhạt”. Còn “nhạt” là do người ta nghĩ, chứ không phải bản chất cuộc sống thế. Do tình cảm họ nhạt thôi. Ai đi xa cũng thu xếp cuối năm để về đoàn tụ cùng gia đình. Hoặc nếu không có điều kiện để về, người ta cũng có thể gọi điện thoại, chúc mừng. Sao lại nhạt nhỉ? Chỉ những người sống nhạt mới nghĩ Tết nhạt…
Mới đây, Hội Quán Di Sản đã có một buổi tọa đàm về “Sống Tết hiện đại”. Ở đó, những người trẻ đã bày tỏ những góc nhìn của mình về ngày Tết. Hầu hết các bạn trẻ 9X đều cho rằng, Tết rất nhạt nhẽo và chán, Tết chỉ để ngủ! Một cô gái tuổi 20 cũng bày tỏ, Tết chỉ thực sự là Tết khi dọn dẹp, chuẩn bị sắm tết, đồ ăn cùng mẹ. Nhưng tới giao thừa là không còn cảm xúc Tết nữa rồi.
Một chàng trai sau những năm sinh viên du học tại Đức cũng chia sẻ: “Trước đây, khi ở nhà, Tết với em chẳng có gì vui. Em cũng không quan tâm lắm tới những bữa cơm ngày Tết thường rất ngấy, bánh chưng, gà, thịt đông… chẳng có món nào ngon với em. Thế nhưng, ngay trong năm đầu tiên du học, trong đêm giao thừa, em thấy trống vắng và nhớ nhà kinh khủng. Thế nên, khi các bạn gọi tới đêm giao thừa năm ấy, ở một nơi rất xa, nhìn những món đặc trưng của ngày Tết, em mới biết đó chính là văn hóa, những gì riêng có của dân tộc mình. Miếng bánh chưng bỗng ngon lạ lùng…”
Một số bạn trẻ thế hệ 7x, 8x thì vẫn đầy nhung nhớ về những Tết xưa thời bao cấp. Chỉ có ngày Tết mới có chút quà mới, có thể là bộ quần áo, có thể là món quà gì đó cha mẹ tự tạo ra tặng mình.
Tết là được ăn ngon, xúng xính quần áo mới, nhận lời chúc ấm cúng, nhận lì xì, được đi chúc Tết cùng bố mẹ, và thích nhất là đốt pháo… Bây giờ, khi ngày nào cũng có thể là Tết, bởi đồ ăn ngập tràn, nếu muốn ngày nào cũng ăn như Tết. Nhưng nhiều người vẫn thích được ngồi bên nồi bánh chưng, để thấy cả một thời ấu thơ tràn về. Này những chiếc bánh chưng đẹp nhất bày trên bàn thờ mấy ngày Tết, này những chiếc bánh bé xíu dành riêng cho những cháu bé cưng xách toòng teng trong nhà… Rộn ràng và ấm cúng vô cùng…
Có thể nói, chẳng thể phủ nhận, “Tết” là dịp người đi xa mong muốn “về quê ăn Tết”, các ông bà cũng mong muốn được quây quần cùng con cháu “ăn Tết”. Vậy trong bữa ăn ngày Tết của người Việt gồm có những gì? Qua trao đổi của Hội Quán Di Sản với cụ Trịnh Đình Tiến (con trai cụ Trịnh Đình Kính, một nhà tư sản Hà Nội thời Pháp thuộc) cho thấy một không khí ấm áp mâm cơm ngày Tết đặc trưng của Hà Nội và Bắc Bộ.
Cụ Tiến kể lại rằng: “Ngày Tết sướng nhất và vui nhộn nhất là chuẩn bị Tết. Mình con trẻ háo hức Tết. Trước Tết khoảng nửa tháng mẹ tôi ra lệnh cho các chị ngày Tết phải như thế nào. Phải muối dưa hành trước, tất cả các đồ măng, miến phải mua. Các ngày ấy rất là nhộn nhịp. Đó là những ngày rất vui. Sau đó là gói bánh chưng. Tết nào chả gói bánh chưng. Tại vì các cụ ngày xưa kể, ngày Tết thổi cơm thổi nước làm gì, có bánh chưng sẵn cứ bỏ ra để mà ăn. Ăn cho no để đi thăm hỏi họ hàng ngày Tết”. Như vậy, ngoài bánh chưng ra còn có dưa hành, miến, măng đã được chuẩn bị cho các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết thường gồm 4 bát và 6 đĩa: 4 bát bao gồm: măng, miến, mọc, chân tẩy; 6 đĩa bao gồm: thịt gà, xôi, chả, giò, thịt mỡ, cá kho (hoặc thịt đông).
Cụ Tiến giải thích “Cá kho/thịt đông rất quan trọng, vì cá kho khi ăn với bánh chưng, do bánh chưng hơi nhạt thì đã có cá kho mặn, ăn nó hợp với nhau và nó ăn rất lành nữa. Đĩa thịt mỡ vì dưa hành làm trung hòa với mỡ ăn nó không ngấy. Cỗ người Việt Nam đều như thế. Gia vị gồm rau thơm rắc lên các bát”, đó là lý do vì sao người ta có những cặp món ăn đi với nhau làm cho trung hòa các món ăn, ngon miệng trong những ngày Tết.
Chân tẩy là món canh (soup) có vị thanh, đẹp mắt làm tăng thêm sức hấp dẫn cho các món ăn “Chuẩn bị su hào, bắp cải nấu chân tẩy với xương lợn ninh. Su hào thái thành hoa, nấu với nước dùng, su hào, cà rốt tỉa hoa bắp cải cắt ra vừa đẹp, nấu với nước tôm he, tôm he nó vừa phải, bán thành xâu 5-6 con nấu lên ăn nó đỡ ngấy. Các cụ không nấu xá sùng vì xá sùng bị cho là bẩn thỉu, không cúng được”.
Đó là cơ bản của một mâm cỗ ngày Tết, đó là sự thể hiện “mâm cao cỗ đầy” để cúng gia tiên, sau đó con cháu được hưởng lộc của ông bà và còn mời khách thể hiện sự hiếu khách của mỗi gia đình người Việt.
Bên cạnh đó, các bà còn làm bánh quế để mừng cho trẻ con, bánh bột lọc, bánh phồng tôm và mứt, kẹo. Các loại mứt bí, mứt quất, mứt cà rốt, mứt sấu, mứt mơ để trong 1 khay… và bày sẵn sàng trên bàn để đãi khách.
Như vậy, bên cạnh việc quây quần sum họp, thăm hỏi, chúc tụng ngày Tết là việc ăn uống ngày Tết. Ăn uống vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong những ngày Tết. Nó không chỉ là sự ăn uống vật chất mà còn là thể hiện sự giàu có, sung túc khởi đầu cho một năm mới. Ăn uống còn là sự kết nối giữa con người, quây quần trong gia đình, sự thể hiện lòng hiếu khách, hiếu thảo. Ở trong mỗi bữa ăn còn là văn hóa ẩm thực của người Việt…
Đừng đổ lỗi cho Tết…
Cảm xúc về ngày Tết không phải nói muốn có là có được, nó bắt nguồn từ những gì linh thiêng và sâu xa của Tết Ta từ ngày xưa. Không hẳn cứ có đào, mai, quất, bánh chưng, câu đối đỏ... là có Tết đâu. Những suy nghĩ bỏ Tết chỉ là của một số bộ phận, một số cá nhân nhỏ ở thành phố vốn quen với cuộc sống đô thị.
Họ có điều kiện kinh tế nên mọi thứ vật chất đều đủ cả. Hàng ngày họ đều được vui chơi giải trí tại các trung tâm. Họ đi du lịch nước ngoài nước trong liên tục nên với họ tết Ta hay Tết Tây cũng không quan trọng. Nhưng với đại bộ phận người dân nước ta Tết là phải đón tết Ta, Tết là phải về nhà, về quê quây quần cùng gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng bánh tét, 3 ngày Tết phải đi chúc Tết bạn bè, anh em họ hàng, hàng xóm... thế mới là Tết. Còn Tết mà đi du lịch nước này nước kia thì đâu còn Tết nữa.
Anh Trần Thanh Hùng (Hà Nội) chia sẻ: “Với phần đa người Việt, Tết là khái niệm rất thiêng liêng, tựa như Tết là gia đình, là quê hương, nguồn cội. Chúng ta thử nghĩ xem, bỏ hay không bỏ Tết, khi có 60% dân số của chúng ta là công nhân, mỗi năm họ chịu vật vã trên những chuyến xe khủng khiếp để vợ chồng con cái từ Nam ra Bắc, về nhà ăn Tết với cha mẹ. Họ trở về với sợi dây gắn kết với họ, dù vô hình nhưng đậm đặc trong trái tim họ.
Bởi ăn Tết không phải là nghi thức, mà đó là ý nghĩa. Nếu như sợ Tết họ không vất vả cả nghìn km đường chật chội chen chúc để về. Nếu không có Tết, chúng ta đã mất đi nhiều thứ! Bởi có Tết, khi ra thế giới, chúng ta mới biết chúng ta từ đâu tới”.
Ở góc độ khác, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Yến (Vinh, Nghệ An) cũng chia sẻ, từ khi cha rồi đến mẹ lần lượt qua đời, Tết với tôi không còn ý nghĩa gì nữa, hết những phút giây qua nhà cha mẹ rửa lá, vo nếp, đãi đậu, gói gói ghém ghém rồi thức suốt đêm canh nồi bánh chưng, lớn tướng rồi vẫn hồi hộp chờ đợi mấy cái bánh con con chín...
Hết luôn cả bữa cơm sum họp gia đình vào chiều 30 Tết, dù sau này chị em tôi vẫn duy trì nhưng sự vắng mặt của cha mẹ thì không gì bù đắp được. Chỉ mơ một cái Tết như xưa, cứ cha mẹ nghỉ là cả nhà về quê ăn Tết với ông bà, thích nhất là được đi chợ Tết với ông nội, rồi được ông ngoại đọc thơ chúc tết cho nghe, là thoải mái vào bếp tập tành làm bánh với bà nội...
Có lẽ cứ bị ám ảnh bởi những giấc mơ xưa, nên đêm qua đã được gặp cha mẹ trong mơ, hình ảnh không phải trước khi ông bà mất mà là hình ảnh cái thời ông bà đang phong độ, đẹp đẽ lắm, khi đang còn ở ngôi nhà cũ... Một giấc mơ ăm ắp yêu thương, thấy mình nhỏ lại và cha mẹ còn rất khoẻ. Mới hiểu, Tết với mình là quê hương, là ông bà cha mẹ chứ không phải tất cả sự phù phiếm ngoài kia...