Giết trụ trì, cướp tài sản
Khoảng 0h ngày 23/3, khi mọi người tại chùa Quảng Ân (thuộc khu phố 4, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đang say ngủ thì bất ngờ chị chị Nguyễn Bảo Yến (SN 2001, ngụ khu phố 5, thị trấn Tân Nghĩa, người làm công quả của chùa) nghe thấy tiếng động lớn ở cửa. Chị Yến khi đó đang nằm ngủ dưới sàn thì giật mình tình dậy và phát hiện có người lạ giật cửa lao vào. Chị Yến vừa la lên thì bị kẻ này dùng gậy vụt mạnh vào đầu nên ngất đi.
Sư thầy Thích Nguyên Lộc(tên thật là Tạ Văn Sửu, SN 1963, trụ trì chùa Quảng Ân) đang nằm trên võng thì nghe thấy tiếng động và tiếng kêu la thì bật dậy nhưng cũng bị kẻ đột nhập cầm khúc gỗ đánh mạnh vào đầu, ngã xuống võng. Lúc này, chị Yến ngồi dậy được nhưng liền bị kẻ gian phát hiện và quay lại đánh liên tiếp vào đầu.
Bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1977, mẹ chị Yến, người làm công quả của chùa) đang ngủ phòng phía sau thì nghe tiếng la hét của con nên chạy lên. Vừa bước vào phòng, bà liền bị kẻ gian đánh mạnh vào vùng đầu nên gục ngã tại chỗ.
Mãi sau, bà Phượng tỉnh lại thì thấy kẻ gian đã bỏ đi, đồ đạc trong chùa thì bị lục tung, còn sư thầy Thích Nguyên Lộc và con gái Nguyễn Bảo Yến thì không biết sống chết ra sao. Bà Phượng cố hết sức lấy điện thoại gọi cho người thân. May sao người nhà của bà Phượng đến kịp và đưa bà đi cấp cứu, sau này xác định nạn nhân bị thương tích 52%. Còn sư thầy Thích Nguyên Lộc và chị Yến thì đã tử vong ngay tại hiện trường.
Truy dấu hung thủ
Nhận được tin báo về vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan công an đã lập tức có mặt tại hiện trường để tiến hành điều tra và thu thập chứng cứ. Tại hiện trường, nhiều đồ đạc bị lục tung, xáo trộn, tủ bị mở và có dấu hiệu kẻ gian đã lấy đi nhiều tài sản trong đó.
Tuy nhiên việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn vì không thu được hình ảnh gì từ camera ở các nhà lân cận cũng như hướng thoát thân của hung thủ theo đường ra Quốc lộ 1A và về hướng thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận). Nạn nhân Phượng dù đã qua cơn nguy kịch nhưng do quá hoảng loạn, không khai báo được thông tin gì có giá trị.
Bà Phượng là phật tử thường xuyên đến chùa Quảng Ân và thân thiết với nhiều người trong chùa. Thời điểm trước khi xảy ra vụ án, do có việc gia đình ở quê nên người nấu ăn tại chùa nhờ bà Phượng đến nấu đồ chay giúp để cúng ngày 30/2 và mùng 1/3 Âm lịch.
Còn chị Yến là sinh viên đang theo học ở TP Hồ Chí Minh nhưng đang mùa dịch bệnh Covid-19 nên nghỉ học về quê. Khi biết mẹ đi nấu ăn giúp nhà chùa, chị đã xin mẹ đi cùng để phụ việc. Không ngờ, đến chùa làm công quả, cả 2 mẹ con bị gặp đại nạn, dẫn đến người chết, người thương tật nặng.
Theo người dân khu phố, sư thầy Thích Nguyên Lộc là người hiền lành, ai cũng yêu quý. Sự việc sư thầy bị Tâm sát hại khiến người dân ai cũng thương tiếc. Vụ án giết người này gây rúng động và hoang mang dư luận vì nạn nhân là người tu hành, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của rất đông người dân ở địa phương.
Trong lúc khó khăn này, ban chuyên án phát hiện có dấu máu trên cánh cửa nơi xảy ravụ án có nhiều điểm bất thường nên đã quyết định lấy mẫu để phục vụ việc điều tra. Bên cạnh đó, qua rà soát các đối tượng tình nghi ở gần khu vực xảy ra án mạng, ban chuyên án phát hiện có một người tên là Nguyễn Thanh Tâm (SN 1989, ngụ khu phố 5, thị trấn Tân Nghĩa) ở cách chùa Quảng Ân khoảng 400m đột nhiên vắng mặt một cách bất thường.
Lực lượng cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Thanh Tâm. |
Trước đó vào ngày 21/3, Tâm mới từ nhà trọ ở quận 9 (TP Hồ Chí Minh) về nhà ở khu phố 5 để thu tiền bán điện cho các hộ dân trồng thanh long. Biết Tâm về nhà nên nhiều người đã gọi điện cho Tâm để đòi nợ, đến sáng ngày 23/3 thì tất cả 13 chủ nợ này đã được Tâm trả tiền, tổng số lên đến 430 triệu đồng. Sau khi trả tiền, Tâm đã rời khỏi địa phương và quay trở lại TP Hồ Chí Minh.
Nhận thấy đây là một đầu mối có nhiều khả nghi, ban chuyên án đã quyết định đổi hướng truy xét và đưa Nguyễn Thanh Tâm vào tầm ngắm. Thêm một chứng cứ vững chắc để xác định Tâm là nghi phạm số 1 của vụ án, đó là dấu máu lạ thu được trên cánh cửa tại hiện trường có liên quan đến Tâm.
Đến tối 24/3, được sự hỗ trợ của Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt được Nguyễn Thanh Tâm tại nhà trọ ở quận 9.
Thủ đoạn tàn nhẫn
Tại cơ quan điều tra, Tâm đã phải thú nhận toàn bộ tội ác của mình. Theo đó, ngày 21/3, Tâm vừa về đến nhà thì đã bị các chủ nợ thúc đòi nên đã nghĩ quẩn. Do trước đó gia đình đều là phật tử và rất thân thiết với sư thầy Thích Nguyên Lộc tại chùa Quảng Ân. Thời điểm mẹ Tâm mất, sư thầy Thích Nguyên Lộc là người rất tận tình làm lễ cúng bái. Tâm cũng thường xuyên đến chùa Quảng Ân và khá thân thiết với những người trong chùa, chính trong lúc túng quẫn, Tâm đã nảy sinh ý định đến chùa để cướp tiền trả nợ.
Để thực hiện ý đồ này, khoảng 11h ngày 22/3, Tâm chạy xe vào chùa Quảng Ân rồi dựng xe, đi vào phòng ngủ của sư thầy Thích Nguyên Lộc để quan sát nơi vị sư thầy cất giữ tài sản và các cửa khóa, nhằm tính toán cách gây án.
Đến đêm (sang ngày 23/3), Tâm quay trở lại chùa Quảng Ân, giấu xe máy ở gần đó rồi vượt rào vào chùa. Hắn vào khu nhà vệ sinh và lấy một thanh gỗ làm hung khí, sau đó tiến về khu phòng ngủ của sư thầy để tìm cách đột nhập. Khi bị chị Yến, sư thầy Thích Nguyên Lộc và bà Phượng phát hiện, Tâm đã không ngần ngại ra tay một cách tàn độc với các nạn nhân.
Sau khi thấy cả 3 nạn nhân đều nằm bất động, Tâm đã lấy đi 3 điện thoại di động,mở tủ lấy toàn bộ số tiền hơn 825 triệu đồng cùng nhiều ngoại tệ. Tất cả tài sản vừa cướp được, Tâm đem bỏ vào túi vải rồi lấy xe rời khỏi chùa Quảng Ân.
Trên đường tẩu thoát, Tâm ném khúc gỗ gây án rồi về nhà tắm rửa, ngâm quần áo. Sau đó, y đếm và giấu số tiền cướp được trong phòng ngủ.Sáng cùng ngày, sau khi trả nợ chi nhiều người, Tâm giấu 255 triệu đồng cùng ngoại tệ trong phòng ngủ. Sau đó, y cầm 140 triệu cùng 3 điện thoại di động về TP Hồ Chí Minh.Toàn bộ số tiền 140 triệu đồng mang theo, y mang đến một chi nhánh ngân hàng ở quận 9 gửi vào tài khoản của vợ mình.
Án tử cho kẻ sát nhân
Ngày 17/9, TAND tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại chùa Quảng Ân. Trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Tâm đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và mong được gia đình các nạn nhân bỏ qua lỗi lầm của mình.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo Nguyễn Thanh Tâm thể hiện tính côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, có tính chất côn đồ, đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm.
Nạn nhân Nguyễn Thị Phượng không tử vong là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. Hành vi của bị cáo không chỉ độc ác mà còn vô đạo đức, bị cáo không còn khả năng cải tạo nên cần loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội để răn đe giáo dục chung.
Trên cơ sở đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Tâm mức án tử hình về tội “Giết người”, 18 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Ngoài ra, bị cáo Tâm còn phải bồi thường cho thân nhân của sư thầy Thích Nguyên Lộc số tiền 149 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần; bồi thường cho bà Nguyễn Thị Phượng số tiền 432 triệu đồng tiền chi phí mai táng cho con gái, tổn thất tinh thần, chi phí điều trị, tổn thương sức khỏe.