Ấy vậy mà ở một nơi xa xôi như huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có những người phụ nữ đã dành cho chồng mình sự công nhận “Anh đẹp dần lên trong mắt em”. Phải chăng họ là những người đàn ông và phụ nữ đặc biệt?
Vì nhà là của mình phải cùng nhau làm
Có một sự thật cần thừa nhận rằng, từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam không chỉ là “hậu phương” của người chồng mà họ còn là lực lượng lao động chính trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tham gia làm chủ gia đình, xây dựng thế hệ tương lai cho dòng họ, dân tộc, kiến tạo nên những tổ ấm hạnh phúc. Thấu hiểu sự vất vả đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ, những người đàn ông trong các gia đình ở hai xã Vĩnh Kiên và Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái dù là người nông dân hay cán bộ, công chức, người dân tộc thiểu số hay người Kinh, ở lứa tuổi nào cũng biết cách thể hiện tình yêu thương với những người phụ nữ của mình.
Trao đổi với cán bộ Dự án “Nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành bình đẳng giới dành cho nam giới và gia đình” do Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ gia đình và phát triển cộng đồng thực hiện tại hai xã Vĩnh Kiên và Yên Bình, anh Hoàng Đình San (dân tộc Dao, thôn Chanh Yên, xã Vĩnh Kiên) cho biết: “Làm việc nhà là trách nhiệm của mình chứ không phải là giúp vợ. Vì nhà là của mình phải cùng nhau làm chứ không phải giúp ai đâu. Mà muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình thì hai vợ chồng phải cùng nhau làm mọi việc, chứ không phải việc nhà là việc riêng của vợ”. Cùng quan điểm với anh San, anh Nguyễn Văn Canh (thôn Linh Môn 2, xã Yên Bình) nói: “Việc nhà là việc chung của cả vợ và chồng. Giúp đỡ và san sẻ nhau có phải vui hơn một người làm không. Ở nhà chúng tôi không bao giờ có chuyện chồng ngồi nghỉ, vợ làm việc. Đã làm thì cả hai cùng làm, có thế gia đình mới giữ được thuận hòa, hạnh phúc”...
Có thể nói với suy nghĩ và sẻ chia như thế, những người đàn ông ở hai thôn vùng núi xa xôi kia đã ngày càng đẹp lên trong mắt người bạn đời. Đó là vẻ đẹp nam tính, mạnh mẽ toát lên từ sự cảm thông chân thành và thấu hiểu, mặc cho những cử chỉ chăm sóc của các anh còn lóng ngóng, vụng về khi làm những công việc nhà ‘’không tên’’, ‘’không được trả công’’ mà xưa nay vốn được mặc định dành cho phụ nữ.
Chúng tôi đã không còn là “hai cái xác trong khu resort”
Đó là lời chia sẻ rất thật lòng của anh Vũ Mạnh Tân tại Diễn đàn “Cùng xây tổ ấm - Vì sự phát triển của Trẻ em” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2018.
Anh Tân cho biết, hai vợ chồng anh trước khi đến với nhau đã có 2 năm theo đuổi và 4 năm yêu nhau. Yêu nhau thắm thiết và nhiều kỷ niệm vậy những khi về chung sống với nhau dưới một mái nhà thì họ lại “đồng sàng dị mộng”. “Tôi làm việc ở tổ chức phi chính phủ, thường xuyên tiếp xúc với điều mới, năng động nên cũng quen cách suy nghĩ, tác phong như vậy. Vợ tôi thì là nhân viên trong một công ty nhà nước, quen tư duy thụ động, bảo gì làm nấy, lại thêm suy nghĩ phụ nữ phải dựa vào chồng, nghe chồng. Chính vì vậy chúng tôi đã không tìm được tiếng nói chung. Nhiều khi vợ chồng cùng đi nghỉ nhưng cứ như “hai cái xác” ở khu resort vậy”, anh Tân cho biết.
Cuộc hôn nhân đã tưởng như mấp mé bờ vực, nhưng rồi chính những người trong cuộc sực tỉnh một điều rằng: Họ đã có với nhau 6 năm hẹn hò, yêu đương, chẳng nhẽ lại không thể nhờ đó mà vượt qua giây phút chông chênh này. “Chúng tôi đã quyết định cùng nhau tham gia các lớp học về gia đình, gặp gỡ chuyên gia, để từ đó nhận ra rằng tình yêu cũng giống như một ngân hàng. Muốn nó giàu mạnh thì phải năng “gửi tiền tình yêu” vào”. Tôi từ một người chồng gia trưởng đã thay đổi trở thành một người nhiệt tình “gửi tiền” vào “ngân hàng tình yêu” để xây dựng cho mình một “tài khoản giàu có”, anh Tân chia sẻ. Để bổ sung cho chồng, người vợ anh Vũ Mạnh Tân nhẹ nhàng chia sẻ: “Chúng tôi hẹn nhau sẽ cùng xây “ngân hàng tình yêu” cho mình và các con với quyết tâm cùng yêu thương, cùng hành động. Tưởng khó, nhưng anh ấy đã làm được, chúng tôi đã làm được”.
“Ngân hàng tình yêu” của vợ chồng anh Tân là vậy. Còn “ngân hàng tình yêu” của những cặp vợ chồng ở hai thôn Vĩnh Kiên và Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thì sao? “Nhiều khi bất chợt cô ấy đau ốm không làm được gì, thế là hết việc ngoài đồng về nhà lại lợn già, cơm nước, giặt giũ quần áo, lại còn nhẹ nhàng hỏi han động viên vợ phải ăn uống nhiều, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, đừng suy nghĩ cho chóng khỏe, mọi việc anh lo” – anh Lã Quốc Đệ (thôn Đồng Tiến 2, xã Yên Bình) mộc mạc chia sẻ.
Khuôn mặt sáng lên vì nụ cười hạnh phúc chị Vũ Thị Thúy (vợ anh Nguyễn Huy Toàn, thôn Đồng Lâm, xã Vĩnh Kiên) kể: “Đi đâu xa nhà, nhà tôi đều mua quà cáp, sắm sửa cho tôi, khi thì cái áo rét, lúc thì cái khăn quàng hay hộp thuốc bổ. Tôi hạnh phúc với tình cảm của anh ấy, nó tiếp thêm sức lực để tôi chăm lo cho gia đình, yêu thương chồng con nhiều hơn”...
Nói về bình đẳng giới trong gia đình, nhiều người đàn ông cứ giãy nảy lên phản đối vì họ hiểu rằng bình đẳng giới có nghĩa là đổi vị trí, đổi vai trò. Đàn ông sẽ cặm cụi làm việc nhà, còn phụ nữ ngao du ngoài đường làm kinh tế, giao lưu, để rồi sẽ thay đổi cách đối xử với chồng... Nhưng nếu từ những câu chuyện của những người đàn ông và phụ nữ nói trên sẽ thấy suy nghĩ đó là sai lầm. Tình yêu, cuộc hôn nhân cũng giống như một ngân hàng, muốn có tài khoản đầy thì không thể có chuyện chỉ có một người biết “gửi tiền tình yêu”...