Anh hai miền Tây gieo mầm thiện giữa trại giam

(PLO) - Với Đại tá Nguyễn Hoàng Hiệp – Giám thị Trại giam Bến Giá (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) thì con người khi được sinh ra bản tính đều lương thiện. Chỉ là do không được giáo dục tốt, hay vì nguyên nhân nào đó mới khiến họ thay đổi và trở thành tội phạm. 
Chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” năm 2016 do Trại giam Bến Giá tổ chức.
Chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” năm 2016 do Trại giam Bến Giá tổ chức.

Công việc của những người làm công tác trại giam chính là phải đi tìm lại những mầm thiện còn đang lẩn khuất đâu đó trong con người mỗi phạm nhân. Để từ đó khơi dậy những thiện tâm trong mỗi con người từng mỗi thời lầm lỗi giúp họ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội…

Phạm nhân thì cũng là con người

Những suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về vị Giám thị với vẻ mặt dạn dày sương gió vì 35 năm gắn bó với lao tù, với tội phạm tính cách nghiêm khắc có phần khô cứng đã hoàn toàn biến mất khi anh bước vào. Anh chào chúng tôi bằng một tràng cười sảng khoái đậm chất anh hai miền Tây.

Đại tá Hiệp sinh ra và lớn lên tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà cụ thân sinh ra anh được Nhà nước phong tặng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Chính vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã sớm có ý thức giác ngộ cách mạng, có ham muốn tột bậc là được đem tài, đức phục vụ Tổ quốc.

Theo như lời kể của vị giám thị thì việc anh gắn bó với công tác trại giam cũng từ một chữ “duyên”. Ban đầu khi mới vào ngành công an thì niềm đam mê của anh không phải là công tác trại giam mà là ngành an ninh điều tra.

Thế nhưng, trong thời gian hơn 1 năm công tác tại trại giam Mỹ Phước (Tiền Giang), mỗi lần tiễn chân những phạm nhân về với xã hội là lần anh cảm thấy trong lòng rất vui vẻ, thấy công việc mình đang làm ý nghĩa vô cùng. Chính từ giây phút đó anh đã quyết định cả cuộc đời sau này của mình sẽ gắn bó với trại giam, với những mảnh đời một thời lầm lỡ.

Chia sẻ kinh nghiệm về công việc, anh Hiệp cho rằng để làm tốt công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân đòi hỏi cán bộ không chỉ nghiệp vụ mà phải thật sự yêu nghề, biết đặt mình vào vị trí của phạm nhân để thấu hiểu họ. Trong mắt các phạm nhân của trại giam Bến Giá thì anh không còn đơn thuần là một giám thị với vị trí lãnh đạo cao nhất mà còn là một người cha, người anh và thậm chí là một người thầy.

Người “thầy” chưa từng một ngày được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, cũng như các học viên của mình cũng không phải là những mầm non tương lai của đất nước mà trái lại họ đều là những con người mang trong mình nhiều tội lỗi.

Nói về câu chuyện vì sao các phạm nhân lại thường gọi mình là “thầy” anh Hiệp cho biết; nếu như đúng theo qui định của ngành thì các phạm nhân chỉ được phép gọi quản giáo là cán bộ chứ không được phép gọi là thầy. Tuy nhiên, có lẽ vì các cán bộ là người thường xuyên dạy dỗ, khuyên bảo phạm nhân những điều hay, lẽ phải, cách làm một người lương thiện nên họ (các phạm nhân) rất quí mến từ đó gọi với cái tên thân mật hơn là “thầy”.

Đối với Đại tá Nguyễn Hoàng Hiệp thì chữ “thầy” ở đây không đơn thuần vì mình là người đã dạy bảo cho phạm nhân biết đọc, biết viết, biết sống sao cho đúng nghĩa “con người”. Mà nó còn thể hiện rằng các cán bộ đã tạo được cho phạm nhân có được một tâm lý thoải mái, gần gũi như với những người thân trong gia đình. Để họ có cơ hội chia sẻ những tâm tư, tình cảm, những khúc mắc với cán bộ như những người thân trong gia đình mình. Đây chính là một nút thắt quan trọng trong quá trình đưa những con người lầm lỡ về với xã hội.

Với kinh nghiệm 35 năm làm công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân, điều mà vị giám thị mang trong mình đầy lòng trắc ẩn về con người này đúc kết được là muốn thật sự khơi dậy được mầm thiện trong mỗi phạm nhân thì cách duy nhất là hãy coi họ như là một con người chứ không phải là tội phạm. Có thể vì phạm tội họ bị pháp luật tước đi một số quyền thế nhưng họ vẫn có quyền được sống, quyền làm người và đặc biệt là có quyển hi vọng… hi vọng cuộc đời mình vẫn còn một con đường để quay trở lại.

Đại tá Nguyễn Hoàng Hiệp – Giám thị Trại giam Bến Giá

Đại tá Nguyễn Hoàng Hiệp – Giám thị Trại giam Bến Giá

Còn đó nhiều trăn trở

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi đại tá Hiệp gần như không nhắc đến những thành tích của cá nhân mình mà chỉ chia sẻ về cách làm tốt nhất để đưa phạm nhân đến bến hoàn lương. Điều này càng khiến chúng tôi cảm mến và cảm phục anh hơn. Vì trước đó từ những người đồng nghiệp của anh chúng tôi cũng biết được rằng trong suốt gần 35 năm công tác anh đã đạt được rất nhiều thành tích cao trong đó đáng kể nhất là Huân chương Lao động hạng Ba của Bộ Công an trao tặng năm 2012.

Anh tâm sự, không muốn nhắc nhiều đến thành tích cá nhân vì trong thâm tâm vị giám thị này còn rất nhiều điều trăn trở, còn nhiều việc mà anh muốn làm nhưng chưa thể hoàn thành nên bây giờ không phải là lúc để mừng công. Trại giam Bến Giá mới được thành lập năm 2014 (trước đó là Trung tâm giáo dục phạm nhân) nên công việc còn nhiều bộn bề, khó khăn và trách nhiệm của người đứng đầu như anh là vô cùng quan trọng.

Điều mà vị giám thị trăn trở nhất trong lúc này là làm sao để nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần cho anh em cán bộ để họ có thể yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh cũng mong muốn có điều kiện đưa các cán bộ của mình được đi tham quan, học hỏi những kinh nghiệm tại các cơ sở khác. Đưa họ thăm các di tích lịch sử để họ cảm nhận được đất nước mình, con người mình đã anh dũng như thế nào từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cống hiến hết mình của các cán bộ.

Anh cũng mong muốn làm sao để không còn những cán bộ vì xa nhà, vì kinh tế khó khăn mà phải viết đơn xin nghỉ việc. Hay anh cũng không phải kí những tờ giấy bảo lãnh cho cán bộ để họ đi vay tiền ngân hàng về làm kinh tế mong ôn định cuộc sống gia đình. Mỗi lần chứng kiến cán bộ của mình buồn phiền về chuyện gia đình, lo lắng về kinh tế là mỗi lần khiến anh mất ăn, mất ngủ.

Mải lo lắng cho cuộc sống của cán bộ mà nhiều khi anh đã quên mất rằng mình cũng có một gia đình với chỉ 3 thành viên nhưng hiện tại vẫn phải sống xa nhau. Vợ anh là cán bộ y tế đang sống và làm việc tại Tiền Giang, người con trai duy nhất hiện đang học Đại học Luật tại TP HCM.

Nói về gia đình mình anh cho rằng mình may mắn hơn các đồng nghiệp vì có 1 người vợ cũng là Đảng viên nên dễ dàng thông cảm, chia sẻ cho công việc của chồng. Có khi cả tháng anh không về thăm nhà được một lần, chị cũng chẳng bao giờ trách móc, thậm chí có khi nhớ chồng quá chị lại chủ động khăn gói lên thăm anh ít ngày.

Ngay cả việc anh chị quyết định chỉ sinh một người con cũng là vì phục vụ cho công việc của anh. Vì anh quá bận bịu, có thể nói ¾ thời gian của mình anh đều dành cho công việc vì vậy việc chăm sóc, dạy bảo các con là điều hết sức khó khăn. Nhiều khi ngồi suy nghĩ về gia đình, công việc anh cảm thấy người mà mình có lỗi nhất chính là vợ và gia đình mình khi không thể hoàn thành tốt trách nhiệm của người chồng, người cha…

Đọc thêm