Chị hàng xóm oằn mình chịu những trận đòn của chồng. Khi chịu hết nổi, chị tung cửa chạy ra ngoài kêu cứu. Cứ vài ba hôm, tôi lại chứng kiến cảnh anh chồng của chị đi nhậu về, lôi vợ ra đánh đập, chửi mắng. Đánh ít thì chỉ nghe họ la lối trong nhà, hôm nào anh ta xuống tay quá nặng thì chị lại chạy ra đường…
Tôi dọn đến khu này ở mới hơn 2 tháng mà tính ra đã thấy họ gây gổ, đánh nhau đến mấy chục lần. Vậy mà chị vợ vẫn vui vẻ. Hàng ngày chị đi bán chanh ớt ngoài chợ. Hôm nào bán đắt thì lại mua về cho chồng túm xá xíu, đồ lòng, phá lấu để anh ta nhậu; hôm nào bán ế thì anh ta tự đi ra ngoài kiếm mồi và nhậu luôn đến lúc say xỉn trở về thì lại lôi vợ ra chửi vì cái tội “Tại sao hôm nay mày không mua mồi cho tao? Ở với mày, tao khổ còn hơn con chó…”.
Ấy vậy mà họ cũng có với nhau 2 mặt con. Hai đứa nhỏ thấy ba mẹ đánh chửi nhau riết rồi tụi nó cũng chai lì. Mỗi khi thấy mẹ bị đánh, chúng bỏ đi chơi chớ không can ngăn…
Tôi chứng kiến tất cả những chuyện đó với sự ngạc nhiên và sau đó tôi suy nghĩ về số kiếp, nợ nần. Chắc kiếp trước họ nợ nần nhau nên kiếp này phải trả. Rồi tôi liên hệ với cuộc sống của mình. Chẳng biết Huy mắc nợ gì tôi mà anh phải khổ sở như vậy?
Chúng tôi biết nhau do bạn bè giới thiệu. Sau đó thì tìm hiểu, yêu nhau rồi cưới nhau. Huy hơn tôi 10 tuổi, đã từng ly hôn nên ai cũng trêu anh có phúc nên mới cưới được vợ trẻ đẹp. Anh thấy tự hào về điều đó nên cưng chiều tôi hết mực.
Tôi muốn đi đâu, làm gì anh cũng chiều; tôi thèm ăn gì, anh cũng tìm mua. Thậm chí tôi muốn đi du lịch nước ngoài, dù rất bận rộn nhưng anh vẫn thu xếp để đưa tôi đi… Anh bảo trước đây gia đình anh đã từng đổ vỡ vì anh mải lo công việc nên bây giờ anh phải thay đổi để giữ hạnh phúc của mình.
Thế nhưng với tôi thì những điều đó dần dần trở nên nhàm chán. Tôi thấy chẳng có gì thú vị khi suốt ngày có một người kè kè bên cạnh phục dịch. Tôi muốn được tự do bay nhảy như khi chưa lấy chồng. Dù sao thì tôi cũng mới 26 tuổi. Bạn bè tôi ở tuổi này cũng chưa có mấy đứa lấy chồng, sao tôi lại dại dột tự đem gông cùm để xiềng xích cuộc đời mình…
Nỗi chán chường lên đến tột độ khi Huy muốn tôi sinh con cho anh. Tôi nghĩ đó là một đòi hỏi rất ích kỷ. Tại sao tôi phải mang bầu, đẻ con, nuôi con trong khi chồng tôi nói riêng và tất cả đàn ông nói chung không phải làm chuyện đó?
“Anh thích con thì tự đi mà kiếm chớ em rất sợ có bầu, đẻ con…”- tôi bảo anh. Huy tưởng tôi nói đùa nên cười, ôm tôi vào lòng: “Nếu đẻ được thì anh đã đẻ đâu cần tới em? Thôi, ngoan nào, đẻ cho anh một đứa, trai gái gì cũng được rồi em muốn gì anh cũng chiều…”. Tôi xô anh ra: “Đã nói không là không mà…”.
Huy có công ty riêng. Tôi có tên trong danh sách nhân viên nhưng chủ yếu chỉ để tháng tháng người ta chuyển lương cho tôi tiêu xài chứ công việc thì chẳng có gì. Với chức danh “thư ký giám đốc” nhưng tôi chẳng bao giờ phải làm gì cho Huy bởi bên cạnh anh có nhiều nhân viên giỏi. Tôi thích thì đến công ty, không thích thì ở nhà đi mua sắm, cà phê với bạn bè. Cho đến một ngày, nhỏ bạn thân của tôi bảo: “Sao mà không bảo ông Huy cho mày làm phó giám đốc? Như vậy thì lương mới cao chứ?”.
Tôi nghe có lý nên về yêu cầu anh bổ nhiệm tôi làm phó giám đốc. Tưởng tôi nói đùa, anh lại cười, ôm tôi vào lòng: “Chi cho mệt vậy? Phó giám đốc thì phải phụ việc cho giám đốc chứ không được ngồi không lãnh lương và đi chơi đâu”. Tôi giận dỗi nghĩ rằng anh kiếm cớ để từ chối nên tối đó ôm gối ra phòng khách ngủ. Huy năn nỉ không được cũng ôm gối ra nằm ngủ dưới chân tôi.
Thế nhưng tôi vẫn không từ bỏ ý định nhưng lần này tôi khôn khéo hơn. “Cho em làm phó giám đốc thì em sẽ đẻ con cho anh”- tôi nói với anh như vậy. Biết tôi không đùa, Huy nghiêm mặt: “Các chức danh trong ban giám đốc phải do chủ tịch bổ nhiệm hoặc phê chuẩn, mà em biết rồi đấy, ba rất khó trong chuyện này. Phải làm được việc thì mới bổ nhiệm. Trước đây, chấp nhận để em làm thư ký cho anh là ba đã du di, châm chước rồi, bây giờ anh không thể đòi hơn được nữa”.
Tôi nghĩ Huy quá ích kỷ, tính toán với vợ. Anh đưa ba ra chẳng qua chỉ là cái cớ để từ chối yêu cầu của tôi. Tôi nhất định phải làm cho anh quy hàng. “Được rồi, anh không cho em làm phó giám đốc thì em sẽ tìm việc ở chỗ khác. Anh đừng tưởng là em không biết làm gì”- tôi tự tin nói với anh.
Lần này Huy im lặng. Để dọa anh, tôi mang hồ sơ nộp nhiều nơi. Thế nhưng không có vị trí quản lý nào tôi có thể đáp ứng yêu cầu. Ở đâu họ cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm quản lý và một số bằng cấp về quản lý trong khi tôi chỉ có duy nhất một tấm bằng tốt nghiệp đại học kinh tế loại giỏi. Các kỹ năng khác tôi không có…
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tìm không được việc, tôi đâm quạu và nghĩ ra cách khác. Tôi viện cớ phải học thêm chuyên môn nên cấm cửa Huy. Tối nào tôi cũng thức thật khuya để xem tài liệu. Thật ra tôi chỉ giả vờ thôi chứ mọi thứ bị bỏ lâu quá rồi, tôi đọc mà chẳng nhớ, chẳng hiểu.
Thấy vậy, Huy bảo tôi: “Em muốn học thì nên tìm các khóa học có uy tín đăng ký học chứ tự học như vậy khó lắm. Nghe lời anh đi”. Tôi làm sao mà nghe lời anh được khi tôi đang cay cú trong lòng và chuyện học hành chỉ là cái cớ để tôi cấm vận anh!
Cứ vậy, tôi không biết đang vô tình đẩy Huy ra xa mình. Khoảng 3 tháng bị “cấm vận”, Huy ra tối hậu thư: “Anh đã nhân nhượng hết mức, nếu em thấy không thể tiếp tục chung sống với anh thì chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận lại cuộc hôn nhân này dù anh rất buồn…”. Tôi trố mắt nhìn Huy. Anh dám nói với tôi những lời như vậy sao? Hay là anh đã có người khác?
“Em đừng nghĩ ngợi lung tung. Công việc ở công ty đã đủ khiến anh kiệt sức rồi. Anh thật sự thấy mệt mỏi với em”. Trời ơi, lại còn như vậy nữa? Có một người vợ trẻ đẹp mà ai cũng phải ganh tị lại khiến anh mệt mỏi hay sao? Đó chỉ là lý lẻ của kẻ tâm thần. Tôi quắc mắc nhìn anh: “Anh dám lặp lại một lần nữa không?”. Huy ôm đầu. Lát sau anh ngẩng lên: “Anh quá mệt mỏi với em rồi”.
Chẳng cần anh chờ đợi lâu, tôi đùng đùng dọn quần áo bỏ đi. Tôi thuê nhà ở riêng, đổi số điện thoại, không thèm liên lạc với anh. Tôi biết anh sẽ lo lắng, sợ hãi lắm. Tôi hỏi thăm, biết anh tìm tôi khắp nơi. Tôi hả hê vì điều đó. Cho anh biết thế nào là lễ độ.
Nhưng cảm giác đó tồn tại trong tôi không lâu. Tôi bắt đầu lo lắng khi thấy đến kỳ lương mà trong tài khoản của mình không thấy báo số dư và tin nhắn quen thuộc. Từ lo lắng, tôi bắt đầu giận dữ. Tôi nghĩ anh thật đốn mạt khi định dùng đòn trừng phạt kinh tế với tôi. Con người anh cuối cùng cũng lộ ra bộ mặt của kẻ coi đồng tiền lớn hơn tình cảm vợ chồng. Đúng là tôi đã lầm.
Tôi bấm bụng nhắn cho anh, bảo gởi tiền cho tôi. Anh lặng thinh. Tôi đành phải gọi điện. Anh không bắt máy. Trời ơi, lại còn như vậy nữa? Tôi chẳng còn cách nào khác là đến công ty tìm anh.
Trước đây, khi tôi đến công ty thì từ anh bảo vệ đến cô nhân viên tiếp tân đều cúi rạp mình để chào, còn bây giờ, thậm chí họ không cho tôi vào. Tôi làm dữ, cuối cùng được vào bên trong nhưng phải ngồi ở phòng khách vì “giám đốc đang tiếp khách”.
Tôi chờ đến trưa mới gặp được Huy. Trông thấy tôi, anh nhíu mày: “Có chuyện gì mà em đến đây?”. Thái độ lạnh nhạt và giọng nói dửng dưng của anh khiến tôi tê tái trong lòng. Tôi lúng túng: “Tại anh không nghe máy…”.
Huy bảo tôi về nhà. Nhưng cục giận trong tôi vẫn còn nên tôi kiên quyết: “Anh chuyển tiền lương vô tài khoản cho em. Khi nào em muốn thì em về”. Cứ tưởng nói vậy thì Huy sẽ “Ok” như mọi khi, nào ngờ anh bảo: “Em có làm việc đâu mà đòi lương? Anh bảo họ cắt rồi. Còn nhà mình không phải cái chợ mà em muốn đi, muốn về chừng nào cũng được. Anh nói lại, nếu hôm nay em không về thì coi như giữa chúng ta không còn tình nghĩa gì nữa”.
Tôi làm sao nuốt nổi giọng điệu kẻ cả của anh? Chồng chứ đâu phải hoàng đế mà toàn quyền sinh sát? Hừm, anh còn lâu mới khuất phục được tôi.
Vậy là tôi trở về căn phòng trọ của mình; ngày ngày nghe vợ chồng chị hàng xóm gây gổ, đánh chửi nhau. Cho đến một hôm, tôi bừng tỉnh: Mình đúng hay sai trong chuyện này? Người vợ kia suốt ngày đầu tắt mặt tối, còn bị đánh chửi; mình sung sướng hơn chị ta gấp vạn lần, tại sao không biết hưởng? Hay là mình quay về xin lỗi Huy và làm lại từ đầu?
Suy nghĩ là vậy nhưng cuối cùng tôi lại không dám. Tôi không biết bây giờ chồng mình nghĩ gì bởi tôi nhắn tin không thấy anh trả lời. Tôi gọi, anh cũng không nghe máy. Giờ tôi không biết phải làm sao vì tài khoản của tôi chẳng còn đồng nào. Mấy hôm nay tôi đã phải vay nóng bên ngoài để tiêu xài. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước chưa đóng; xà bông tắm, dầu gội cũng không còn…
Tôi phải làm sao đây? Không lẽ chạy về quê nhờ ba mẹ tôi vào năn nỉ dùm? Mà dẫu có muốn về ngoài đó, tôi cũng không có tiền để đi… Tại sao tôi lại rơi vào tình cảnh bi đát, thê thảm như thế này? Chẳng lẽ tôi không có quyền đòi hỏi người ta phải trân trọng tuổi trẻ và sắc đẹp của mình? Đòi hỏi như vậy có gì là quá đáng đâu?