Anh hùng trị thủy ở biển Tây

(PLVN) - Ông Hoàng Đức Thảo là Anh hùng lao động, được mệnh danh là “Vua kè” bởi tinh thần trị thủy của ông đôi khi còn cao hơn cột sóng biển. Đã có lúc gặp thất bại bởi sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai tại vùng biển cực Nam của Tổ quốc, nhưng tinh thần, hành động của nhà khoa học này luôn mong muốn được  “chỉnh” sóng, “nắn” dòng để bảo vệ từng tấc đất của quê hương. 
Ông Hoàng Đức Thảo là doanh nhân được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

Lao vào “điểm nóng”

Đội quân thiện chiến của Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) hăm hở lên đường, tiến về Cà Mau trong tâm trạng háo hức. Họ đã quen với kè biển từ nhiều năm trước, khi lần lượt áp dụng thành công công nghệ do Tổng Giám đốc - Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo nghiên cứu ở biển Đồng Châu (Thái Bình) và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu). 

Tuy nhiên, đoàn quân này không ngờ bão gió ở Cà Mau lại mạnh đến như thế! Ngay cả những người được mệnh danh là những đứa “con của biển” cũng phải nằm nhà dưỡng sức vì sự khắc nghiệt của khí hậu nơi vùng cực Nam Tổ quốc nhũng ngày sóng lớn trên biển. Nhiều người kể lại, ở đây đã có lúc phải đánh chìm cả chiếc sà lan để cứu một con đê ở vùng biển Tây trước con sóng giữ. 

“Xung phong chọn đoạn xung yếu, bất lợi nhất về sóng gió và dòng chảy, vị trí xói lở nhất để thí điểm giải pháp kè phá sóng xa bờ. Đó là một sự rủi ro, một thách thức lớn đối với Busadco khi đương đầu với công tác phòng chống thiên tai khắc nghiệt ở biển Cà Mau”, Tiến sỹ Lê Xuân Roanh - chuyên gia về công trình biển, nguyên giảng viên Trường Đại học Thủy Lợi.

“Hôm đó, tất cả lực lượng đều đang hộ đê khi Cà Mau công bố tình trạng khẩn cấp. Bất ngờ nước lên. Chỉ trong vòng 15 phút mà nước đã dâng cao 1 mét. Những con sóng thì cuộn cao vài mét. Chỉ trong 30 phút, những tảng đá hộc (nặng 50 - 60 kg) dưới lòng biển cũng bị cơn bão cuộn hất lên chân đê. Anh em ở công trường phải chủ động đánh chìm một sà lan ở vị trí xung yếu nhất để bảo vệ đê biển Tây”, ông Hoàng Văn Ngân - Đội trưởng một đội thi công đê ỏ đây kể lại với ánh mắt đầy ngỡ ngàng, dù chuyện xảy ra từ hơn 1 năm trước. 

Bất chấp những khó khăn, nguy hiểm của cơn bão, Tổng Giám đốc Thảo, với tinh thần của Busadco đã sẵn sàng nhảy vào “điểm nóng” này, với quyết tâm tiếp tục thử nghiệm kè phá sóng, bảo vệ đê biển, gây bồi tạo bãi ở vị trí xung yếu nhất của biển Cà Mau. Dù trước đó, nhiều người khuyên ông đừng theo đuổi nữa để giảm bớt thiệt hại ngay sau thất bại đầu khi đã hoàn thành được một phần kè biển của dự án. 

“Xung phong chọn đoạn xung yếu, bất lợi nhất về sóng gió và dòng chảy, vị trí xói lở nhất để thí điểm giải pháp kè phá sóng xa bờ. Đó là một sự rủi ro, thách thức lớn cho Busadco khi đương đầu với công tác phòng chống thiên tai khắc nghiệt ở biển Cà Mau”, Tiến sỹ Lê Xuân Roanh, chuyên gia về công trình biển, nguyên giảng viên Trường Đại học Thủy Lợi, nhận xét.

 

Chấp nhận thất bại, quyết trị thủy

Lãnh công việc với một quyết tâm “sắt đá” là phải làm bằng được, Busadco sẵn sàng bỏ tiền ra làm trước, khi nào có hiệu quả mới nhận thanh toán. Trong kinh doanh như thế là rủi ro, ít ai lựa chọn. Nhưng 

Busadco vẫn quyết định triển khai 2 nhà máy ở thị trấn Năm Can (huyện Ngọc Hiển) và xã Khánh An (huyện U Minh) để thực hiện xây kè 2 dự án ở vùng biển Tây và biển Đông, với hàng hàng chục kỹ sư và công nhân thiện chiến trên công trường. 

Sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết thì rất lớn, nhưng dự án vẫn không thể hoàn thành đúng hạn như cam kết do thời tiết Cà Mau khắc nghiệt, vượt ngoài những gì dân gian đã đúc kết từ xưa. Theo ông Thảo, trước khi bắt tay vào thực hiện 2 dự án khó “nhằn” này, mọi quy chuẩn, tiêu chuẩn của kè rồi các cơ sở khoa học của nền đất biển và lịch sử bão, cường độ những cơn bão đã đi qua….,  ông đều nghiên cứu chi tiết để chủ động có được những cấu kiện kè thích hợp với địa hình, địa chất của vùng biển Nam bộ này. 

Thế nhưng, điều mà Tổng Giám đốc Thảo cũng như nhiều người và cả một số đơn vị chức năng của chính quyền Cà Mau không thể ngờ tới chính là sự dị thường của bão, khiến tất cả những tính toán trước đó đều trở nên vô nghĩa.  Tuy nhiên, với quyết tâm trị thủy đến cùng, Busadco đã nhận toàn bộ trách nhiệm với những thiệt hại đã xảy ra và tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu, chỉnh sửa các cấu kiện để có thể chống chọi được trước những cơn bão cường độ mạnh, những cột nước cao ven biển...

Trao đổi với PLVN, ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho hay, ông chưa bao giờ thấy ông Thảo nao núng dù đã gặp những thất bại ban đầu. “Ông ấy là một nhà khoa học và sẽ theo đuổi đến cùng! Chúng tôi đã thấy trong ông ấy một sự quyết tâm có khi còn cao hơn cả… cột sóng” - ông Nam nhận xét và ví von tính cách của ông Thảo. 

 “Tôi luôn sẵn sàng chấp nhận thiệt hại và tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sau những lần thất bại. Qua những lần gặp những cơn bão như thế, chúng tôi sẽ nhìn ra những hạn chế và bất cập trong giải pháp kè biển của mình. Từ đó đưa ra phương án tối ưu nhất để có thể “chỉnh” sóng, “nắn dòng” trên biển” - người được đặt biệt danh “Vua kè” tâm sự. 

 

Nhiều cơn bão lớn đã đi qua đất mũi Cà Mau, nhưng không một ai có thể khẳng định, đó đã là đỉnh của thiên tai khắc nghiệt. Vì thế, những dự báo, những quy luật vẫn chỉ là lý thuyết, còn thực tế, sự dữ dội của bão thì dường như chưa có điểm dừng.

Tới nay, dù đã có những đánh giá ban đầu về hiệu quả và khả năng phá sóng, bảo vệ bờ và gây bồi, tạo bãi của những mét kè Busadco ở biển Cà Mau, nhưng thời tiết thì rõ ràng đang ngày một khắc nghiệt, nhất là ở vùng này. Điều đó khiến “Vua kè” Hoàng Đức Thảo vẫn nhiều đêm thức trắng, lắng nghe tiếng sống vỗ bờ để nghĩ cách “trị sống”, giúp giữ từng tấc đất không chỉ ở nơi địa đầu này mà còn cho nhiều vùng biển của quê hương.

Đọc thêm