Anh nông dân giúp nhiều người "sống khoẻ" nhờ chim câu

Mô hình nuôi chim bồ câu ở Thừa Thiên - Huế kết hợp với cây trồng và vật nuôi khác mang lại nguồn thu đáng kể. Từ mô hình của anh Thọ, các cấp Hội đoàn thể đến học hỏi để nhân rộng vì nó phù hợp với khoản tiền vay từ NHCSXH và trên hết là người dân tận dụng được mảnh vườn rộng ở thôn quê để đầu tư.

Thấy mô hình nuôi chim bồ câu Pháp vốn ít nhưng mang lại giá trị kinh tế cao ở Quảng Nam, anh Nguyễn Quang Thọ (thôn Đập, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) tức tốc vào Quảng Nam tìm hiểu đưa con giống về nuôi. Chỉ sau hơn 1 năm, từ chỗ chỉ có 18 cặp giống đến nay đàn bồ câu của anh đã lên đến hàng trăm con mang lại thu nhập ổn định cho cuộc sống gia đình.

b
Anh Thọ đang cho bồ câu ăn.

Nuôi chim câu, đầu ra không khó

Xuất thân là con nhà nông, bố mẹ lại nghèo khó nên anh Thọ một mình tự xoay xở để lo cho cuộc sống gia đình. Ngoài vợ và hai con nhỏ, anh Thọ còn nuôi cha, hai chị gái đơn thân và một em gái bị bệnh. Đứng trước những khó khăn chồng chất, anh Thọ nhiều năm xin đi làm phụ xe nhưng thu nhập cũng bấp bênh. Xin nghỉ việc, anh về quê với ý định biến mảnh đất sẵn có nhà mình thành trang trại, nhưng cái khó là nguồn vốn.

Cuối năm 2011, thông qua Hội Nông dân xã, anh xin vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Thủy. Từ đồng vốn này, anh suy nghĩ, nếu mình chọn không đúng vật nuôi, rất dễ thất bại. Hằng đêm, anh mày mò với hàng đống tài liệu về các mô hình kinh tế trang trại. Chọn và nuôi con gì không thể không tính toán kỷ đầu ra, thức ăn có dễ kiếm và đặc biệt vật chọn nuôi phải thích nghi với khí hậu cũng như thổ nhưỡng để chim chóng lớn mà không để dịch bệnh xảy ra.

Trên địa bàn Thừa Thiên - Huế có nhiều mô hình trang trại nhưng chưa ai đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp nên anh quyết định chọn loài chim này để phát triển. Cơ duyên hôm đó trên truyền hình phát sóng mô hình nuôi chim câu ở xã Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam. Anh tức tốc vào tham quan, học hỏi cách chăm nuôi rồi mua giống trở về quê.      

Dẫn chúng tôi tham quan chuồng nuôi chim bồ câu, anh Thọ cho biết: “Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là loài động vật hoang dã, chỉ cần làm chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ (mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng - chiều), nguồn nước uống hợp vệ sinh, là chim phát triển tốt”.

Nhìn hàng trăm con bồ câu to, mập khỏe mạnh, anh Thọ nói thêm: “Đây là giống bồ câu Pháp, du nhập vào nước ta cách đây chừng 3 năm. Hiện mô hình này phát triển nhanh ở một số tỉnh miền Trung chứ không nhiều, do tâm lý người dân nghĩ rằng giống bồ câu này tiêu tốn thức ăn và hay phá phách như bồ câu thường nên chưa mạnh dạn đầu tư.

Thực ra, giống chim này rất dễ nuôi, thức ăn cũng rất dễ kiếm và ăn ít chứ không như bồ câu ta. Người dân ở nông thôn chỉ cần một góc vườn nhỏ là nuôi được. Thịt bồ câu Pháp rất ngon và bổ, hiện rất được thị trường ưa chuộng”.

Theo ông Trương Công Huy, giám đốc NHCSXH thị xã Hương Thủy, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn là 144.239 triệu đồng, trong đó: nợ quá hạn là 2.152 triệu đồng (tỷ lệ nợ quá hạn là 1,49 %). Riêng tổng dư nợ trên địa bàn xã Thủy Thanh là 10.873 triệu đồng với 1.057 hộ còn dư nợ.

Từ buổi đầu chỉ có 18 cặp chim giống đến nay anh đã có 46 cặp, cứ 6 tháng chim đẻ 1 lần, mỗi lần 2 con, một đực và cái. Anh Thọ nhẩm tính, nếu số chim này đẻ trong vòng 1 năm, anh sẽ có thêm 100 cặp chim giống. Theo giá thị trường hiện nay, mỗi cặp chim giống khoảng 330 ngàn đồng. Như vậy, tính ra mỗi năm thu nhập từ bán chim anh thu về gần 40 triệu đồng.

Theo anh Thọ, mô hình nuôi chim bồ câu này ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tiêu thụ rất lớn. Ngoài nuôi chim bán, phân của bồ câu được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả.

iệc chăm sóc chim cũng rất dễ dàng, sau khi chim bồ câu nở được 10 ngày, người nuôi phải tiến hành bắt chim con ra khỏi ổ và chuyển vào ổ bên cạnh cho chim trống nuôi để chim mái tiếp tục đẻ trứng. Như vậy, có thể thấy quá trình sinh sản của chim bồ câu là liên tục và khá nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi là thấy rõ.

Anh cho biết, hiện có rất nhiều bà con nông dân trong tỉnh đến mua chim giống nhưng anh không đủ bán, chưa kể các nhà hàng, khách sạn cũng về đặt mua

Kết hợp đa mô hình

Lợi nhuận từ mô hình nuôi chim bồ câu đã thấy rõ, nhưng anh nông dân làng quê Cầu ngói Thanh Toàn vẫn chưa từ bỏ ý định biến khuôn viên đất nông nghiệp nhà mình thành trang trại đa mô hình. Ngoài nuôi chim bồ câu, anh Thọ còn nuôi thêm gà kiến. Hiện trong chuồng anh có trên 50 con gà đẻ và hàng trăm gà con. Tính trung bình mỗi ngày anh bán trên 50 quả trứng, giá mỗi quả 4.500 đồng anh cũng thu về trên 200 ngàn đồng- một số tiền không nhỏ đối với người nông dân.

Anh dự tính, tết Qúy Tỵ này anh xuất chuồng gần 100 con gà thịt thu về cũng hơn 10 triệu đồng. Để gà chóng lớn, đủ sức chống lại dịch bệnh, ngoài thức ăn mua ở chợ, anh Thọ nuôi thêm giun quế để làm thức ăn cho gà. Sẵn có cánh đồng lúa gần nhà mỗi sáng anh đi bắt ốc rồi về đập cho gà ăn nên gà rất chóng lớn. Cạnh chuồng gà, anh Thọ trồng 70 cây chuối lùn, 50 gốc chuối mật, cả khu vườn chuối của anh cây nào cũng cho từng buồng nặng trĩu. “Chuối thì tui bán quanh năm, thu lãi từ chuối cũng hơn 5 triệu”, anh Thọ cho hay.

Thấy anh Thọ có chí hướng làm ăn, Hội Nông dân xã Thủy Thanh đã đề xuất với chính quyền cấp thêm cho anh 600m2 đất để anh phát triển, mở rộng quy mô chuồng trại. Mô hình nuôi chim bồ câu ở Thừa Thiên - Huế kết hợp với cây trồng và vật nuôi khác mang lại nguồn thu đáng kể. Từ mô hình của anh Thọ, các cấp Hội đoàn thể đến học hỏi để nhân rộng vì nó phù hợp với khoản tiền vay từ NHCSXH và trên hết là người dân tận dụng được mảnh vườn rộng ở thôn quê để đầu tư.

Quang Tám 

Đọc thêm