Anh nông dân trả giá cho lòng tham khi "hạ độc" cả làng bằng… thịt bò chết trương

Đến bây giờ, khi đã nếm đủ những cay đắng sau vụ án đào con bò chết trương về xẻ thịt bán cho dân làng, Mai Xuân Trường mới ngẫm ra đúng câu “ác giả, ác báo”. Nỡ trục lợi trên cái đói nghèo của dân bản, cái hành vi dám đi ngược với luân thường đạo lý của người Việt, dám chà đạp trên nỗi khổ của người nghèo của hắn không chỉ bị trả giá bằng bản án tù giam... 

Đến bây giờ, khi đã nếm đủ những cay đắng sau vụ án đào con bò chết trương về xẻ thịt bán cho dân làng, Mai Xuân Trường mới ngẫm ra đúng câu “ác giả, ác báo”. Nỡ trục lợi trên cái đói nghèo của dân bản, cái hành vi dám đi ngược với luân thường đạo lý của người Việt, dám chà đạp trên nỗi khổ của người nghèo của hắn không chỉ bị trả giá bằng bản án tù giam. 

Tham con bò chết trương

Trưa một ngày giữa năm 2004, một trại bò sữa tại huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) có một con bò đột nhiên lăn quay ra chết. Sau khi xem xét, Chi cục Thú y tỉnh xác định nguyên nhân bò chết do viêm phổi và buộc phải mang đi chôn tiêu hủy.

Theo điều tra của công an, bãi đất trống giáp nghĩa địa nơi chôn xác bò là địa phận giáp ranh tỉnh Yên Bái. Khi đó anh nông dân Mai Xuân Trường (SN 1965, ngụ thôn Làng Ngòi, xã Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đang lúi húi cắt cỏ gần khu vực. Thấy đám đông người khênh con bò đi chôn, anh chàng cũng chạy tới ngó nghiêng, hỏi thăm được biết bò chết vì bệnh. Lòng tham nổi lên, trong khi các bác sĩ thú y đang mải đổ vôi bột và hóa chất xuống hố, Trường lẳng lặng lẻn ra phía sau, tiện tay xẻo 1,5kg thịt đùi bò chết mang về nhà làm thức ăn cho vợ là Bùi Thị Ngà (SN 1970) và các con.

Trong làng, Trường hay chơi với Đặng Văn Toản (SN 1964, người cùng làng, có chứng chỉ hành nghề thú y). Mang được miếng thịt bò về, ngồi nghĩ lại và tự lý sự: “Bò có chết bệnh thì cứ đun sôi nấu chín lên là xong, cho nhiều gia vị vào ai biết đâu? Mấy ông bác sĩ cứ cẩn thận quá đáng” nên hắn “tiếc của giời”, nảy ra ý định đào con bò lên. Nghĩ một mình mình khó có thể thực hiện được việc đem cả con bò về nên nhớ tới bạn, Trường rủ Toản đi cùng và kế hoạch này được “ông bạn vàng” hưởng ứng nhiệt tình. 

Mai Xuân Trường, người dám “hạ độc” cả làng.
Mai Xuân Trường, người dám “hạ độc” cả làng.
Ăn cơm tối xong, hai người mang theo cuốc xẻng đi đào xác bò chết. Vài tiếng lúi húi đào bới đất, hai anh nông dân đã “khai quật” được xác bò lên khỏi miệng hố. Gã “cán bộ thú y” nhìn xác con bò thì tỏ vẻ lành nghề: “Uầy, vẫn ăn được, không sao đâu”. Xẻ thịt bò xong, họ lấp kín nơi chôn cất con bò rồi đi mượn một chiếc xe cải tiến, kéo “thành quả” về nhà. Khoảng 12h đêm, hai gã đem thịt bò về nhà, rửa thịt, lọc ra những miếng ngon đem xào rồi ngồi ăn, uống rượu đến sáng, vừa nhâm nhi vừa tự đắc: “Đấy, vẫn thơm phức như thường chứ có chết ai đâu?”. 

Sáng hôm sau, hai anh nông dân giữ lại cho gia đình mỗi người một ít “chiến lợi phẩm”, còn lại vợ chồng Trường đem phần thịt ngon ra chợ trung tâm xã bán. Tại đây, vợ chồng Trường “quảng cáo” rằng đây là thịt của một con bò tắc sữa chết của trại bò, nay bán “đại hạ giá”. Vì giá rẻ nên những nông dân trong thôn đã tranh nhau mua bằng hết, thậm chí nhiều gia đình còn năn nỉ xin thêm phần xương. Vừa bán, vừa cho, vừa bán chịu, chỉ trong buổi sáng hôm đó vợ chồng Trường đã bán hết veo, thu được 110 ngàn đồng.

3 đối tượng tham lam “hạ gục” 87 người làng

Tai họa ập xuống cái làng Ngòi khi buổi tối hôm đó, sau bữa ăn “thịnh soạn” với “thịt bò tắc sữa”, từ đầu bản đến cuối bản nhà nhà vang lên những tiếng kêu đau thảm thiết. Nhiều cháu nhỏ buồn nôn, chóng mặt, đau đầu; người lớn tuổi thấy hoa mắt, mỏi gối và cảm giác khó chịu không thể cử động chân tay, thể trạng suy giảm nhanh..

Nghi ngờ mọi người bị nhiễm độc, Trạm trưởng Trạm y tế xã cùng các nhân viên nháo nhác chạy vắt chân lên cổ từ đầu đến cuối xóm khám bệnh, phát thuốc cầm bệnh và cấp báo lên cơ quan y tế cấp trên. Tổng cộng có 87 người người bị “hạ gục” nhưng các bac sĩ được tăng cường đã chữa trị kịp thời nên không có ai nguy hiểm đến tính mạng, tất cả các nạn nhân được xác định là bị ngộ độc thực phẩm do đã ăn phải thịt bò mua ban sáng.

Xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng, xâm phạm sức khỏe người dân, công an cùng các ban ngành chức năng vào cuộc. Theo kết quả điều tra, có 38 hộ gia đình đã mua và sử dụng số thịt bò bệnh nói trên, nhiều gia đình còn đem biếu người thân và mời họ hàng đến ăn cùng. Theo kết quả xét nghiệm phân tích mẫu bệnh của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái và Viện Dịch tễ Trung ương, “thủ phạm” là vi khuẩn “tụ cầu trùng vàng” (tên khoa học là StaPhylococcusauraus) có trong thịt của con bò chết trương.

Cơ quan giám định kết luận: Trong số 35 người đi giám định thì có 5 người mất 21% sức khỏe, 18 người bị mất 15% sức khỏe, 12 người mất 10% sức khỏe, tổng tỷ lệ sức khỏe bị tổn hại của 35 người là 495%. “Nói vui thì nếu căn cứ vào tỷ lệ sức khỏe bị tổn hại như trên, các đối tượng khai quật con bò chết trương đã “giết” gần 5 mạng người”, một cán bộ điều tra vụ án nhớ lại.

Tại phiên tòa được mở ngày 6/4/2005, Tòa án cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm hại tới sức khỏe của 87 người đã ăn thịt bò dịch bệnh mà còn xâm hại nghiêm trọng tới quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, thể hiện sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật. Từ những nhận định trên, HĐXX đã tuyên phạt Trường 8 năm tù giam; Ngà 4 năm tù giam; Toản 7 năm tù giam, cấm hành nghề thú y trong thời hạn 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

“Ác giả, ác báo”

Đã 7 năm trôi qua từ ngày xảy ra vụ án, nhân vật chính của vụ án này cũng đã có nhiều thay đổi, đã chấp hành xong án tù và trở về địa phương làm lại cuộc đời nhưng định mệnh “ác giả, ác báo” vẫn chưa buông tha.

Phải băng qua hai đồi chè để bước lên một ngọn đồi cọ thoai thoải mới tới căn nhà của “nhân vật chính” Mai Xuân Trường. “Lúc tỉnh táo, bác ấy vẫn đi làm việc bình thường nhưng thường xuyên uống rượu say và nói lảm nhảm”, người dẫn đường cho chúng tôi hay. 

Anh nông dân lực lưỡng ngày nào từng vác được cả nửa con bò, nay người đã gầy sọp, khuôn mặt có dấu hiệu của phù nề. Từ ngày đi tù về người đàn ông này không thể tự nấu cho mình bữa cơm ăn và không thể tự tắm rửa, những cơn say triền miên và tâm trạng bất cần đời đã biến một anh Trường khỏe mạnh năm nào thành một người thừa của làng xóm. Cơm mẹ già hơn 80 tuổi phải nấu cho ăn, tắm cũng vậy. 

Trường tự nhận cuộc đời mình đã đổi thay kể từ ngày lòng tham nổi lên khiến “khai quật” con bò lên cho cả làng “xơi”. Kể về vụ án cũ, Trường biện bạch: “Lúc đó tôi chỉ đơn giản cho rằng người ta ăn được thì mình cũng ăn được nên rủ Toản cùng đi. Hai anh em lấy được phần xương là chính chứ thịt chả đáng là bao. Chia nhỏ ra bán cho bà con, tôi cũng nghĩ đơn giản là cùng mọi người cải thiện bữa ăn khốn khó hàng ngày. Tiền bán thịt lúc ấy có biết ra sao vì vợ tôi cầm cả. Thấy bảo được có 110 ngàn đồng vì người ta mua chịu nhiều”. 

Sau khi đi tù được gần một năm, cô vợ Trường trong khi đang hưởng án treo đã lẳng lặng giấu mẹ chồng bán toàn bộ tài sản của hai vợ chồng tích cóp bấy lâu gồm đồi keo đang được gần năm tuổi, hai đồi chè, trâu bò và gia súc trong nhà. Ngay cả cửa ra vào, cửa sổ, giường chiếu cũng được chị này dỡ ra làm của riêng để đi lấy chồng mới. Một tuần sau, chị này nhờ Tòa án làm thủ tục ly hôn với anh chồng tại trại giam.

Chua xót, anh nhớ lại: “Tôi thấy vợ con lên thì mừng lắm, nghĩ là lên thăm nom mình thì nghe Ngà bảo ly hôn. Lúc này, lý do được đưa ra là cảm thấy không hợp và cô ấy có thai ba tháng với chồng sắp cưới. Tôi nghe mà rụng rời chân tay. Sau đó tôi viết một lá thư gửi cô ấy, nói rằng tôi vẫn còn yêu thương và khuyên cô ấy nên nghĩ đến các con, quay lại với bố con tôi. Thế nhưng, cô ấy đã dứt bỏ tất cả để theo duyên mới, để lại các con cho mẹ tôi nuôi”.

Trở về sau khi chấp hành án, Trường bàng hoàng rụng rời chân tay, mấy bố con chỉ biết ôm nhau khóc. Căn nhà trống vắng, hoang lạnh như chính lòng mình ngày mới ra tù. Anh chìm trong những cơn say từ ngày ấy.

Trường kết thúc câu chuyện bằng lời hối lỗi muộn màng: “Ngày xưa nghe chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm, rồi chuyện các cụ răn dạy “Họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào” nhưng tôi cứ ngỡ đó là chuyện ở thành phố, ở đâu đâu. Hóa ra chỉ vì cơn tham lam bất ngờ nổi lên, mình lại phạm tội ấy và phải trả giá đắt đến thế”.

Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm