Áo dài đương nhiên là quốc phục Việt
Theo nhiều nhà nghiên cứu và sử học, dù chưa có văn bản chính thức nhưng lâu nay trang phục áo dài rất quen thuộc với phụ nữ Việt Nam và được xem như quốc phục của Việt Nam. Hình ảnh áo dài của Việt Nam xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Và dường như chính bởi thói quen nằm lòng áo dài là quốc phục, là niềm tự hào của không chỉ phụ nữ Việt, mà chúng ta chưa có một cơ sở pháp lý để gìn giữ áo dài như một di sản…
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (tác giả tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn) cho biết: Khoảng đầu thế kỷ 17, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã tìm hiểu những sách cổ của nền văn hóa Đông Á về các mẫu mã y phục, cộng với những trang phục của các dân tộc ở Đàng Trong để tạo nên mẫu trang phục chung cho cả đàn ông và đàn bà gọi là áo dài với năm thân cổ đứng, cài vào bên tay phải.
Từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, trang phục này phổ biến khắp Đàng Trong và đây là mẫu y phục chung. Từ sông Gianh trở ra có trang phục truyền thống áo tứ thân với nữ, áo giao lĩnh của đàn ông. Qua thế kỷ 19 khi Vua Gia Long thống nhất đất nước, lúc đầu khuyến khích thay đổi y phục giống nhau trên toàn quốc với mẫu áo dài năm thân, chưa bắt buộc bằng luật lệ.
Đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), đã có sự bắt buộc toàn quốc mặc quốc phục áo dài nước Việt với mẫu áo năm thân cổ đứng. Từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20, các nước phương Tây đến châu Á nhận ra các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… đều có những bộ trang phục mang đặc trưng của dân tộc và mỗi quốc gia đều có những bộ quốc phục riêng.
Từ đó, thế giới đã công nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam. Từ khi có mẫu y phục áo dài của Đàng Trong này đến cuối thế kỷ 20 và đến bây giờ, hầu như ai cũng công nhận mẫu áo dài này là trang phục của nước Việt, là quốc phục của dân tộc Việt.
Với triều Nguyễn, quốc phục chính thống là áo dài, từ quan lại quyền quý, trong các lễ nghi, phong tục và đời sống, người Việt đều mặc áo dài. Đến ngày nay, áo dài vẫn được người dân sử dụng khi có những sự kiện, lễ nghi quan trọng.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, việc các nước thừa nhận áo dài là quốc phục nước Việt là điều đương nhiên, song Nhà nước cần có quy định để chọn áo dài là mẫu quốc phục Việt. Đồng thời, cần hệ thống lại những bằng chứng từ xa xưa để thế giới thấy được đây là một trang phục có truyền thống lâu đời với sức sống mãnh liệt đối với người dân Việt.
Áo dài Việt Nam xưa. |
Và nhắc tới tà áo dài ngày nay, chúng ta mãi nhớ họa sĩ Cát Tường (1912 -1946) quê ở Sơn Tây, Hà Nội. Ông có tên thật là Nguyễn Cát Tường, bút danh là Lemur Cát Tường (nghĩa tiếng Hán: Cát Tường là điềm lành và tiếng Pháp: Le mur là bức tường). Ông là người đã làm nên tà áo dài duyên dáng, thanh lịch, ảnh hưởng từ những chiếc váy đầm của các quý bà, quý cô Paris, nhưng lại vô cùng e ấp, kín đáo của phụ nữ Việt.
Năm 1928, Nguyễn Cát Tường trúng tuyển vào khóa 4 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp vào năm 1933. Năm 1934 báo Phong Hóa Mùa Xuân, số 85, Nhất Linh bất ngờ tạo ra một tiết mục mới: “VẺ ĐẸP riêng tặng các bà, các cô” và giao cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường, mới 22 tuổi, phụ trách để làm nên cuộc Cải Tiến Y Phục Phụ Nữ Việt Nam, sâu xa, lạ lùng và vang dội nhất từ xưa tới nay.
Người họa sĩ trẻ ấy vừa viết bài, vừa vẽ kiểu…, Lemur Cát Tường giới thiệu đến độc giả những bộ y phục phụ nữ tân thời mà ông đã tạo kiểu và tạo dáng: có cổ, không cổ, có tay, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xoè, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn (mini) và sau này năm 1937 tại hiệu may LEMUR còn có áo kiểu vai chéo (đời sau gọi là vai Raglan), áo đi xe đạp và áo cô dâu…
Y phục Lemur đã được những người đẹp yêu mỹ thuật của cả nước, nhất là Hà Nội, các phụ nữ trí thức như Luật sư Nguyễn Thị Hậu, Giáo sư Trịnh Thục Oanh, Bác sĩ Lê Đình Quỵ… dẫn đầu phong trào mặc y phục phụ nữ tân thời. Các cô nữ sinh lớp lớn đua nhau may mặc… không khí xã hội và cảnh sắc Việt Nam thay đổi… bờ hồ Hoàn Kiếm như đẹp hẳn lên… Các cụ nhớ lại, hồi ấy, bé gái từ 10 tuổi ra đường đều thay áo dài.
Năm 1937, để việc đổi mới y phục tân thời có kết quả tốt đẹp, ông bà Cát Tường khai trương Hiệu may LEMUR, và ông được biết tới nhà thiết kế lừng danh ở nửa đầu thế kỷ XX.
Tháng 12 năm 1946, Hà Nội được lệnh tản cư. Gia đình Cát Tường dời về làng Tràng Cát, tỉnh Hà Ðông. Ngày 17 tháng 12 năm 1946, ông Cát Tường trở về nhà để lấy thuốc men, quần áo cho các con và người vợ sắp tới ngày sinh. Ông đã biệt tích tại Hà Nội khi vừa tròn 35 tuổi, gia đình lấy ngày 17/12/1946 là ngày giỗ ông.
Cần tính pháp lý, gìn giữ tà áo dài
Mặc dù họa sĩ đã ra đi nhưng bóng dáng của chiếc áo dài mà hoạ sĩ tài ba Cát Tường thiết kế đã và đang còn mãi. Tà áo dài tha thướt, nhã nhặn, kín đáo và duyên dáng làm tăng thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và là niềm hãnh diện cho người Việt.
Tại một buổi giao lưu trong Lễ hội áo dài, bà Tôn Nữ Thị Ninh với vai trò một nhà ngoại giao đã mang đến rất nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh tà áo truyền thống của Việt Nam. Một câu chuyện mà bà rất nhớ đó là khi bà tổ chức sự kiện Tuần lễ Văn hoá Việt Nam tại Bỉ, trong giai đoạn bà làm đại sứ tại Bỉ (2000 - 2003). Tại sự kiện này, bà đã mời ba nhà thiết kế áo dài của Việt Nam mang bộ sưu tập sang trình diễn là Minh Hạnh, Sỹ Hoàng và Diệu Anh.
Buổi trình diễn đã diễn ra trong sự đón nhận của đông đảo quan khách đồng thời nhận được một cơn mưa lời khen. Tất nhiên, những người mẫu đều đẹp, các bộ áo dài cũng rất đẹp, nhưng điều mà bà xúc động nhất chính là trình độ thẩm mỹ của các nhà thiết kế Việt ở thời điểm đó đã lên rất cao.
Đến mức mà một ông Bộ trưởng thương mại của EU, người vốn thích ngồi thư viện nghiên cứu hơn là đi xem thời trang, cũng phải tấm tắc khen đẹp. Qua câu chuyện này, bà muốn nhấn mạnh rằng văn hoá chính là một trong những chiếc cầu nối đã đưa Việt Nam đến với thế giới. Trong đó, tà áo dài đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Mới đây, tại TP.Hồ Chí Minh, sự kiện ra mắt “Áo dài sắc Lemur” của Viện Nghiên cứu trang phục Việt, giới thiệu với công chúng những mẫu thiết kế vừa có giá trị kế thừa bậc tiền bối Cát Tường vừa phản ánh rất rõ quá trình không ngừng tìm kiếm sự cách tân của nhiều thế hệ đối với trang phục áo dài truyền thống.
Mong muốn bảo tồn, quảng bá vẻ đẹp trang phục có bề dày hơn 300 năm lịch sử của người Việt, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã dày công xây dựng nên Bảo tàng Áo dài, trưng bày những câu chuyện về lịch sử chiếc áo dài Việt Nam, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật với cảm hứng sáng tạo từ áo dài.
Trước những ồn ào liên quan đến chuyện một nhà thiết kế Trung Quốc đưa lên sàn diễn thời trang một số thiết kế giống hệt áo dài của Việt Nam trong bộ sưu tập xuân hè 2019, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải sớm xây dựng một thương hiệu cho văn hóa và áo dài Việt Nam.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ, việc các nhà tạo mẫu Trung Quốc sử dụng mẫu áo dài Việt Nam để thiết kế các trang phục, về mặt lý thuyết, không phải là một việc làm sai, thậm chí thể hiện sức mạnh, sự phổ biến và quyến rũ của áo dài Việt Nam đã chinh phục các nhà tạo mẫu trên thế giới.
Bởi thế, theo PGS Bùi Hoài Sơn, một trong những giải pháp để “xây dựng thương hiệu cho áo dài Việt Nam” là cần phải tập trung xây dựng thương hiệu cho một số nhà thiết kế áo dài, tổ chức các tuần lễ thời trang áo dài quốc tế tại Việt Nam và đưa áo dài đến với các tuần lễ thời trang quốc tế.
Đối với người Việt, áo dài như là “quốc phục”, mang ý nghĩa thiêng liêng. Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ chiếc áo dài của người Việt, mỗi người dân, mỗi cơ quan ai cũng phải làm tốt việc của mình. Thực tế vài năm nay, mọi người mặc áo dài nhiều hơn, đặc biệt vào các dịp lễ tết.
Từ phía các cơ quan văn hóa, ngoại giao, có thể tổ chức nhiều hơn các lễ hội quảng bá hình ảnh áo dài, mời đại sứ các nước đến để trực tiếp trải nghiệm, mặc áo dài. Như vậy vừa giúp quảng bá áo dài Việt Nam tới các đại sứ, vừa là cách quảng bá áo dài ra thế giới thông qua các đại sứ, đại biểu quốc tế. Và điều quan trọng, chúng ta cần sớm có văn bản mang tính pháp lý để gìn giữ áo dài như một di sản, một niềm tự hào của văn hóa Việt…