Sẽ triển khai trong năm 2019- 2020
Sau hơn 5 năm phát triển, IFRS 9 đã được công bố vào tháng 7/201, thay thế IAS 39 trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo tài chính của Ban Tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế (IASB). Theo ông Lưu Đức Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), Việt Nam đang xây dựng Đề án triển khai IFRS, sau khi xây dựng xong sẽ được trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
“Nội dung cơ bản của đề án sẽ chia các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thành 3 nhóm: nhóm các DN sẽ áp dụng toàn bộ IFRS, nhóm các DN áp dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam (Chuẩn mực kế toán Việt Nam sẽ được bổ sung và sửa đổi trên cơ sở cập nhật những thay đổi của IFRS phù hợp với đặc thù của Việt Nam) và nhóm các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Quá trình chuyển đổi sẽ được thực hiện từ khi Đề án được phê duyệt (dự kiến 2019-2020) và tiến hành trong thời gian phù hợp với nguyên tắc đảm bảo khả năng thực hiện của các DN” - ông Tuyên cho hay.
Bà Đinh Hồng Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn tại Công ty Tư vấn PwC Đông Nam Á lưu ý, những thay đổi quan trọng nhất của IFRS 9 với các NH Việt Nam là khả năng tăng trích lập dự phòng tổn thất tín dụng được ước tính bằng giá trị tổn thất trong tương lai. Do IFRS 9 đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (ECL), áp dụng cho tất cả các công cụ tài chính liên quan đến rủi ro tín dụng, các NH sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai, ngược với thực tiễn hiện hành là chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh theo quy định trong chuẩn mực IAS 39. Các mô hình rủi ro tín dụng mới sẽ cần phải được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu lịch sử về tổn thất tín dụng và các biến số kinh tế vĩ mô để ước tính tổn thất dự kiến trong tương lai.
Một cuộc khảo sát gần đây của các NH Malaysia dựa trên kết quả báo cáo quý I tiết lộ rằng, trích lập dự phòng đã tăng từ 25% đến 50% vào ngày đầu tiên áp dụng IFRS 9 và điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận giữ lại.
“Chìa khóa” hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu
Dù chưa bắt buộc tại Việt Nam, song nhiều NH hiện đang thực hiện hoặc có kế hoạch chuyển đổi hệ thống báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS 9 để phù hợp với các thông lệ tốt nhất toàn cầu, củng cố hoạt động kinh doanh thông qua việc cải thiện phương thức báo cáo quản trị, quản lý rủi ro tốt hơn, đồng thời tăng sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Triển khai IFRS 9 sẽ là chìa khóa cho các NH Việt Nam muốn cung cấp thông tin tài chính minh bạch và thống nhất với các tiêu chuẩn toàn cầu. Một số thách thức khi triển khai sẽ liên quan đến việc đánh giá mô hình kinh doanh và thực hiện Công cụ đánh giá Thanh toán thuần gốc và lãi (SPPI) để phân loại tài sản và thực hiện tính toán dự phòng tổn thất dựa trên khái niệm tổn thất tín dụng dự kiến. Điều này có thể dẫn đến một cuộc đại tu về các chiến lược đầu tư và quản lý tín dụng”- ông Ching Chuan Ong, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính của PwC Malaysia chia sẻ.
Ông Antonie Jagga, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Quản lý Rủi ro Tài chính tại PwC Đông Nam Á cho rằng, các mô hình tổn thất tín dụng dự kiến sẽ cho phép các NH Việt Nam quản lý rủi ro tốt hơn, phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng chất lượng và tính sẵn có của dữ liệu sẽ là yếu tố quan trọng để triển khai thành công các mô hình rủi ro của IFRS 9. Các NH sẽ cần lượng dữ liệu lịch sử lớn với một danh sách đầy đủ các thông tin đầu vào của mô hình. Các NH có thể tận dụng các mô hình Basel hiện có nhưng vẫn cần điều chỉnh cùng các yếu tố vĩ mô để áp dụng tính toán tổn thất tín dụng dự kiến theo IFRS 9.
Trình độ chuyên môn của đội ngũ kế toán và quản trị rủi ro sẽ ảnh hưởng đến khả năng áp dụng IFRS 9. Với mức độ phức tạp ngày càng gia tăng của mô hình tổn thất tín dụng dự kiến, NH cần nâng cao mức độ truyền thông nội bộ và hợp tác giữa bộ phận quản lý rủi ro và tài chính để nâng cao khả năng triển khai IFRS 9.
Ông James Clarke - Giám đốc Tư vấn kinh doanh Rủi ro tại SAS châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, IFRS 9 mang đến cơ hội cho các NH ở Việt Nam thiết lập một nền tảng tích hợp giữa Rủi ro-Tài chính, thúc đẩy sự tuân thủ và tăng cường hệ thống quản lý rủi ro tín dụng. “Điều này sẽ đem lại một hệ thống NH vững mạnh và giúp các NH Việt Nam định vị chỗ đứng để cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu…” - ông James Clarke khẳng định.