Áp dụng dạy con sai cách - lợi bất cập hại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều bậc cha mẹ đã đọc nhiều sách, học hỏi kinh nghiệm dạy con nhưng áp dụng sai thực tế. Việc này biến những điều đáng lẽ tốt đẹp thành “độc hại”, ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ.
Lợi bất cập hại khi áp dụng phương pháp giáo dục con sai cách. (Ảnh minh họa)
Lợi bất cập hại khi áp dụng phương pháp giáo dục con sai cách. (Ảnh minh họa)

Áp dụng lệch lạc gây “phản tác dụng”

Là một người mẹ hướng đến việc nuôi dạy con “bài bản”, chị Hồ Hoa Phương, ngụ quận 9, TP HCM đã luôn chú trọng đến các phương pháp chuẩn nuôi dạy con của nước ngoài từ khi con còn bé, từ việc áp dụng các phương pháp ăn dặm cho đến ngủ riêng...

Khi con vào cấp 1, chị đã nghiên cứu kĩ lưỡng các phương pháp dạy con của các chuyên gia giáo dục nước ngoài. Trong đó, chị rất tâm đắc với một quyển sách dịch viết về phương pháp để giúp “lộ diện” thiên tài trong con. Nội dung quyển sách cho rằng đứa trẻ nào cũng có những tiềm năng lớn vô bờ bến mà nếu biết kích thích để nó hiển lộ, cha mẹ sẽ có một “thiên tài” thành công rực rỡ trong tương lai. Theo cách hiểu và áp dụng của riêng mình, chị đặt cho con những tiêu chuẩn khắt khe trong việc học, tiếp cận thông tin.

Thấy con có năng khiếu và hứng thú với ngoại ngữ, vợ chồng chị thuê riêng giáo viên về dạy cho con ngoài giờ học tại trung tâm lớn. Để tạo điều kiện cho con tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn, chị đổi hầu hết chữ trong nhà thành tiếng Anh, kể cả các bộ phim, chương trình giải trí, chương trình âm nhạc, sách... con đọc cũng phải chủ yếu là tiếng Anh. Thậm chí bản thân chị cũng học tiếng Anh để giao tiếp tại nhà và yêu cầu con dùng tối đa thời gian trong gia đình để giao tiếp bằng tiếng Anh. Mục tiêu của chị là hết cấp 1, con sẽ nói tiếng Anh như người bản xứ, để đến cấp 2 cháu sẽ du học tại chỗ hoặc ra nước ngoài du học.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị Phương phát hiện con mình trở nên chống đối, không thích học ngoại ngữ nữa, thường xuyên cáu bẳn và có những cơn đau đầu, buồn nôn triền miên. Chị đưa con đi khám sức khỏe, bác sĩ chẩn đoán là suy nhược. Chỉ khi em gái chị, một giảng viên tâm lý học đến chơi, dùng nhiều thời gian để quan sát, tiếp cận và khơi gợi nỗi niềm từ cháu bé mới phát hiện cháu bị... dị ứng ngoại ngữ.

Từ việc yêu thích môn học, do bị dồn ép quá, phải tiếp cận với tiếng Anh suốt ngày, cộng với việc tiếp xúc với bạn bè bị bạn chế giễu vì nói tiếng Việt vấp váp, nửa Anh, nửa Việt nên cháu đâm ra sợ hãi môn học. Cứ nghĩ đến chuẩn bị phải nói tiếng Anh là cháu bé nhức đầu, buồn nôn. Đến khi ấy, chị Phương mới nhận ra sai lầm khi dồn ép để “kích thích thiên tài trong con” theo hướng dẫn của sách vở.

Đừng trở thành phụ huynh “độc hại”

Thực tế không hiếm những bậc cha mẹ như chị Phương. Với sự phát triển của thông tin, hội nhập quốc tế, nhiều bậc phụ huynh đã tiếp cận với những phương pháp nuôi dạy con đa dạng, phong phú, từ nuôi dạy con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Trung Quốc, kiểu Do Thái... Ngoài ra còn có rất nhiều trường phái dạy con như “mẹ hổ”, “mẹ sói”, theo các chuyên gia giáo dục nổi tiếng trên thế giới. Có một số ít phụ huynh thì phủ nhận các phương pháp giáo dục thông thường, hướng con về đời sống tự nhiên, chạy theo xu thế “homeschool”, tách trẻ khỏi môi trường giáo dục chính thống để trẻ học các chương trình trên mạng, từ xa, liên kết quốc tế hoặc chỉ học chữ, phép tính và các kĩ năng chứ không hướng về dạy các môn học...

Có không ít ông bố, bà mẹ bị “lậm” vào một hoặc một vài phương pháp, giáo dục con theo một phương pháp nhất định một cách cực đoan. Có người dùng sự trừng phạt, đòn roi làm phương pháp giáo dục trẻ. Có người dùng cách đặt gánh nặng và kì vọng lên vai trẻ từ nhỏ, tạo cho trẻ những áp lực lớn lao phải vượt trội và trưởng thành. Nhưng cũng có phụ huynh chọn cách thức để con “phát triển tự nhiên”, nuông chiều, dễ dãi chứ không uốn nắn con. Kết quả, mặc dù học theo các phương pháp nổi tiếng, nhưng lại không đạt được hiệu quả giáo dục mà thậm chí còn bị “phản tác dụng”.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, trên thế giới đang tồn tại rất nhiều phương pháp giáo dục con, mỗi một phương pháp có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Nhiều phụ huynh khi chọn phương pháp giáo dục cho con thường bị mắc lỗi là theo cảm tính, vì cha mẹ thấy phương pháp ấy hay, thích thú nên áp dụng mà không xem xét nhiều yếu tố xem phương pháp ấy có phù hợp với tố chất của con không. Mỗi đứa trẻ sẽ có thể chất, tâm lý, năng khiếu, môi trường sống... khác nhau, có thể một số phương pháp rất hay, nhưng lại không phù hợp với trẻ. Ngoài ra dù có áp dụng phương pháp nào cũng không phải “sao y bản chính” mà phải dựa trên thực tế để áp dụng sao cho thích hợp nhất.

Mọi phương pháp giáo dục, dù là nổi tiếng đến đâu thì cũng chỉ là trên lý thuyết. Nếu sao chép nguyên bản và thực hiện một cách cực đoan, cha mẹ rất có thể sẽ trở thành những bậc “phụ huynh độc hại”. Chỉ có thực sự thấu hiểu con mới giúp cha mẹ có được phương pháp giáo dục tốt nhất cho con mình.

Đọc thêm