Hứa với chồng dành nhiều thời gian cho gia đình, chấp nhận lương thấp hơn, chị Thanh Mai từ công ty nước ngoài chuyển sang một doanh nghiệp bất động sản. Nào ngờ thị trường đi xuống, áp lực việc làm lẫn chi tiêu đè nặng lên chị.
Chị Mai cho biết nhóm của mình đóng vai trò sản xuất. Thị trường bất động sản èo uột, vì thế những cuộc họp ngoài giờ triền miên, lương chậm trả và nguy cơ bị sa thải rình rập là điều không thể tránh khỏi. Chị vẫn hết sức cố gắng vì không muốn bị giảm lương. Cảm thấy khá nản với công việc hiện tại nhưng chị hiểu rằng mức lương 20 triệu đồng một tháng mà chị được nhận đòi hỏi người lao động phải cống hiến như vậy.
Chị kể, mức lương này cùng với thu nhập của chồng chỉ đủ để gia đình 4 thành viên chi tiêu hàng tháng mà không có tích lũy gì khác. Chị cũng không thể dành dụm cho những vấn đề phát sinh… Nếu lương bị chậm là chi tiêu trong gia đình thiếu hụt.
Vậy là chị đã không thể thực hiện lời hứa với chồng về việc dành nhiều tâm sức và thời gian cho gia đình. Anh cho rằng đó là lỗi của chị. "Tôi đang băn khoăn đứng trước 3 lựa chọn liên quan đến sự nghiệp và gia đình, vì không thể thu xếp ổn thỏa một lúc cả hai", chị Mai cho biết.
3 bài toán chị đặt ra, "với tôi rất khó khăn". Theo đó, thứ nhất, tiếp tục công việc hiện tại với thu nhập 20 triệu một tháng và cố gắng thuyết phục chồng thông cảm do thời gian làm việc trung bình là 8,5 tiếng mỗi ngày. Một tuần khoảng 2 lần chị phải về muộn, thỉnh thoảng lại mang việc công ty về nhà; có vài mối quan hệ do công việc mà chồng không thích. Nếu không giải quyết tốt công việc thì chị sẽ bị đào thải.
Thứ hai, tìm công việc mới, đơn giản và nhẹ nhàng hơn với lương khoảng 7-8 triệu một tháng. Để bù đắp khoản thu nhập bị hao hụt, chị sẽ cố gắng kiếm thêm khoảng 10 đến 15 triệu một tháng bằng công việc kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, chị lo sợ làm việc giờ hành chính 7 tiếng mỗi ngày (chị có thể đón con), cộng thêm kinh doanh chiếm khoảng 4-5 tiếng nữa, thì không biết có làm được việc gì khác cho gia đình hay không. Chị nhận định: "Làm việc kiểu này có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn nếu thực sự quyết tâm nhưng mức độ rủi ro về tiền bạc cũng cao hơn".
Kinh tế suy thoái đang áp lực lên người phụ nữ hiện đại |
Thứ ba, phó mặc các khoản chi tiêu chính trong gia đình cho chồng lo liệu. Chị chỉ làm một công việc với lương khoảng 7 triệu đồng, rồi về nhà chăm sóc chồng con đúng như mong đợi của anh. Như thế, con chị có thể phải chuyển trường để giảm học phí, chi tiêu trong gia đình sẽ phải tiết kiệm hơn.
"Tôi thật sự mệt mỏi vì không được chồng thông cảm với công việc hiện tại, nhưng cũng không cho phép mình phó mặc chi tiêu gia đình cho chồng, vì thời điểm này thu nhập của anh giữ được ở mức cũ đã là điều mừng lắm rồi", người phụ nữ này chia sẻ. Chị nói thêm rằng, nếu quyết tâm vẫn có thể thành công trong công việc hiện tại và có thể nâng thu nhập lên; nhưng cũng không muốn đánh đổi sự nghiệp của mình với sự êm ấm gia đình.
Không quá cân nhắc đau đầu như chị Mai, chị Thu Hằng (quận 4, TP HCM) đã chính thức từ bỏ công việc mang lại thu nhập cao chỉ vì lo lắng cho sự phát triển của con cái. Hai năm trước, vợ chồng chị thuê lại khách sạn của một người họ hàng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và tự mình đứng ra quản lý. Anh chị ở luôn tại khách sạn để đảm bảo công việc. Khách thuê theo giờ, theo ngày, theo tháng đều có đủ.
Anh chị mang theo cậu con trai 3 tuổi về Vũng Tàu và để cô con gái đang học cấp 2 ở lại TP HCM nhờ bà nội trông nom. Chị Hằng tính toán, sau khi trừ các chi phí ăn uống, tiêu dùng hàng ngày, mỗi tháng anh chị có thể dư được 30 triệu. Công việc lúc nào cũng bày sẵn nên anh chị không có thời gian và cũng chẳng có nhu cầu đi chơi giải trí, chỉ thỉnh thoảng phóng xe về thành phố thăm con gái và ông bà nội, ngoại.
Cuối năm ngoái, chị Hằng đã quyết định từ bỏ công việc này vì cảm thấy bất ổn với sự phát triển của con cái. Cậu con trai mới 4 tuổi đã rất thành thạo với những công việc tại khách sạn, thậm chí manh nha biết một số chuyện tế nhị của người lớn. Thỉnh thoảng cu cậu còn biết trêu chọc các cô gái đến đây thuê phòng. Cô con gái bước vào tuổi teen không còn thân thiết và nghe lời bà nội như xưa. Thời cấp một, cô bé luôn đứng đầu lớp nhưng khi xa mẹ, học hành chểnh mảng và điểm số thì đi xuống. Ban đầu, anh chị tính chuyển trường cho con gái về Vũng Tàu học, nhưng suy đi tính lại, thấy môi trường khách sạn không tốt cho con nên quyết định dừng lại.
Chị kể, một số anh em họ hàng bàn bạc với vợ chồng chị nên để anh ở lại, tiếp tục làm quản lý khách sạn, còn chị về nhà, chăm sóc các con. “Nhưng mình không để chồng ở xa được, giàu có cả nhà cùng hưởng, nghèo đói cả nhà cùng chịu, vợ chồng con cái nên ở bên nhau. Để chồng ở môi trường đó, mất chồng lúc nào không hay, lúc đó ai thương mẹ con mình”, chị Hằng tâm sự.
Vợ chồng chị thỏa thuận cả nhà sẽ trở về thành phố, rồi từ từ kiếm việc mới. Hiện tại, gia đình có thu nhập từ 6 phòng trọ ở huyện Nhà Bè, mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Mỗi tháng, tiền học phí các loại cho hai đứa con đã hết 4 triệu, còn 3 triệu cho 4 miệng ăn quả là rất "bí". Số tiền tiết kiệm từ hồi làm khách sạn, sau khi sửa nhà, mua sắm một số đồ đạc, giờ đây gần như đã hết. Vợ chồng đều đã 40, tuổi này đi xin việc rất khó, vì thế họ đang đi tìm thuê mặt bằng để kinh doanh.
Theo một chuyên gia tư vấn tâm lý của tổng đài 1088 TP HCM, nếu đã đi làm, lúc nào người phụ nữ cũng phải chịu đựng áp lực sao cho chu toàn công việc và gia đình. Chỉ có những người nội trợ ở nhà toàn tâm toàn ý cho gia đình thì mới không phải nếm trải mâu thuẫn đó. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, áp lực về tài chính và công việc đè nặng hơn, người lao động mệt mỏi hơn, bản thân người phụ nữ cũng khó khăn hơn. Làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình thì thuộc về quan điểm của mỗi người. Người kiếm nhiều tiền thì thường tiêu nhiều, người kiếm ít thì tiêu ít, quan trọng là biết liệu cơm gắp mắm. Nếu kiếm được nhiều tiền và không còn thời gian chăm sóc gia đình, chị em có thể thuê người giúp việc làm bớt việc nhà.
Chuyên gia tâm lý này khuyên, trước khi đưa ra các quyết định thay đổi công việc, vợ nên bàn bạc với chồng, đưa ra đầy đủ những ưu nhược điểm để sau này anh ấy không bắt bẻ nếu có điều gì không được như ý. Chị em nên dựa trên quan điểm của chồng để đưa ra ý kiến của mình. Ngoài ra, khi công việc khó khăn, người vợ cũng nên nói cho chồng biết để anh ấy thông cảm và chia sẻ.
Về lý thuyết, khi vợ có thu nhập cao thì chồng thường ỷ lại. Thậm chí, khi thu nhập của người vợ cao hơn hẳn, nhiều ông chồng nảy sinh tâm lý mặc cảm, dẫn đến xa lánh bà xã. Còn thực tế, mức độ ỷ lại của đàn ông thế nào phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử của người vợ. Theo chuyên gia, bất kể thu nhập của vợ chồng thế nào, cả hai nên thống nhất mỗi tháng sẽ đóng góp bao nhiêu cho gia đình.
Lựa chọn giữa công việc và gia đình luôn là điều khó khăn với người phụ nữ. Chọn cái này sẽ mất cái kia. Dồn công sức và thời gian cho công việc nhiều quá có thể lơ là gia đình, khiến nhà bất hòa. Dành thời gian cho gia đình nhiều đương nhiên phải chấp nhận thu nhập giảm. Khi thu nhập giảm, người phụ nữ nên cân đối chi tiêu sao cho hợp lý. Để thực hiện chính sách tiết kiệm, người vợ không nên im lặng làm một mình mà phải nói với chồng con để cả gia đình cùng có trách nhiệm và chia sẻ khó khăn.
Theo VNE
* Tên nhân vật đã được thay đổi.