Bà Vũ Thị Ánh, chủ đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pí Lèng cho biết: Mảnh đất xây nhà hàng được bà mua lại với giá 70 triệu đồng, đã được Sở TN&MT Hà Giang cấp sổ đỏ từ năm 2016, thuộc diện đất trồng cây lâu năm.
Theo lời bà Ánh, từ năm 2018, có chuyên gia tư vấn cho rằng nên mở điểm dừng chân ở khu vực đèo Mã Pí Lèng, có điểm đỗ xe, chỗ ăn uống, ngủ nghỉ để đón khách. Chuyên gia này cũng là người tư vấn cho tỉnh làm Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Bà Ánh đã đề nghị được đầu tư, xây dựng công trình này và được chính quyền địa phương hỗ trợ kéo đường điện từ Đồng Văn về. “Tôi không làm vụng trộm, bởi nếu vụng trộm không bao giờ làm được công trình thế này”, bà Ánh nói.
Bà Ánh không có giấy phép đầu tư, không có giấy phép xây dựng, dự án chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, tuy nhiên bà Ánh nói tỉnh và huyện kêu gọi đầu tư xây dựng nên bà “chỉ biết cắm đầu làm cho kịp tiến độ” chứ không quan tâm đến việc làm hồ sơ, thủ tục giấy tờ. Bà nghĩ rằng địa phương sẽ lo các loại giấy phép.
Bà Ánh thừa nhận phía UBND huyện Mèo Vạc cũng yêu cầu bà hoàn tất hồ sơ và giấy phép, nhưng bà Ánh nói đi gặp nhiều đơn vị từ huyện lên tỉnh chưa hoàn thiện được. Vì vậy bà Ánh nói bà không có ý sai trong trường hợp này, vì không tự ý xây dựng, mà đã được các cấp chính quyền ở Hà Giang đồng ý. “Trong quá trình xây dựng, nhiều cơ quan chức năng đã đến kiểm tra độ an toàn”, bà Ánh nói.
Trước đó, bà Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc nói "có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền" khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pí Lèng. Bà Sinh cung cấp thông tin: Từ tư vấn của nhiều chuyên gia, huyện Mèo Vạc đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân ngắm vực Tu Sản, tạo điều kiện cho du khách tham quan. Tháng 3/2018, Chủ tịch tỉnh Hà Giang giao việc này cho huyện Mèo Vạc với nguyên tắc "sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực". Từ khi nhà hàng, nhà nghỉ Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết. Thời gian tới, nếu chủ đầu tư không hoàn thiện các giấy phép thì huyện sẽ có biện pháp xử lý.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng. Mãi tới ngày 4/10 vừa qua, tỉnh Hà Giang mới chỉ đạo Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường.
Theo nhiều đánh giá, qua các ý kiến trên, có thể nhận thấy “lỗ hổng” trong việc cấp phép xây dựng tại khu vực miền núi, nông thôn như huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Bản thân người xây công trình cũng biết cần phải xin phép, nhưng khi đi xin phép thì một số cơ quan chức năng cũng lúng túng. Kết quả là công trình trái phép đã tồn tại ở địa danh du lịch nổi tiếng, đến khi dư luận phát hiện thì hóa ra “chuyện đã rồi”. Câu chuyện xử lý công trình như thế nào thuộc về cơ quan chức năng, nhưng bài học tới đây đã rõ ràng: Cán bộ chức năng vùng nông thôn, miền núi cần trang bị kiến thức thuộc lĩnh vực mình quản lý, để có thể hướng dẫn cho dân, để mình hoàn thành chức trách nhiệm vụ, tránh những câu chuyện tai tiếng tương tự.
Ngay từ ngày 12/7, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã có công văn đề nghị Sở VHTT&DL Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt với công trình trên. Nhưng cho đến nay, Bộ chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang.
Khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia thuộc tỉnh Hà Giang, được Bộ VHTT&DL xếp hạng vào tháng 11/2009. Danh lam thắng cảnh Mã Pí Lèng bao gồm đèo Mã Pí Lèng là khu vực đặc sắc về địa chất và cảnh quan, thuộc vùng đệm công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.