Bà hàng xóm nuôi đứa trẻ mồ côi vì COVID

0:00 / 0:00
0:00
Có ông ngoại, cậu ruột đón về, nhưng bé Quế Anh, 10 tuổi, mất mẹ vì COVID-19 chỉ muốn ở với bà hàng xóm, nhà đối diện phòng trọ hai mẹ con sống.

Đã ba tháng nay, trong ngôi nhà của bà Hồ Thị Chào, 56 tuổi, ở khu phố 1, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 ấm áp hơn bởi tiếng cười nói của bé Quế Anh. Nhìn hai bà cháu quấn quýt, ít ai biết, họ chẳng chút máu mủ.

Bà Chào chỉ là hàng xóm đối diện phòng trọ của mẹ con Quế Anh. Gần chục năm trước, chị Dạ Thảo, mẹ bé đến đây ở, một mình nuôi con.

Bà Chào chụp ảnh kỷ niệm sinh nhật lần thứ 56 hồi cuối tháng 11, bên bé Quế Anh. Ảnh nhân vật cung cấp

Giữa tháng 8, khi TP HCM ở đỉnh dịch COVID-19, chị Thảo nhiễm virus nên dặn con sang ở hẳn nhà bà Chào. Mỗi ngày 5-6 lần, Quế Anh chạy lên lầu nhìn sang phòng trọ. Ở bên kia mẹ ho, bên này con khóc.

Chị Dạ Thảo được đưa đến viện nhưng không qua khỏi. Mẹ mất mà không thể dặn dò một lời, bé Quế Anh trở thành một trong hơn 2.500 trẻ em mồ côi vì đại dịch ở Việt Nam.

Không có tên ba trong giấy khai sinh, nay mẹ qua đời, chính quyền địa phương đến gặp bé và gia đình bên ngoại. Cậu ruột Quế Anh, Nguyễn Long Hải (38 tuổi, ở quận Bình Thạnh) cho biết, dẫu hoàn cảnh khó khăn, anh cũng không bỏ cháu. Anh Hải đang ở trọ, nuôi ba đứa con, nhỏ nhất mới hơn một tuổi. Bà ngoại mất trước mẹ Quế Anh năm ngày, ông ngoại cũng già yếu.

Tuy nhiên, Quế Anh khăng khăng "con ở với bà Chào", nên anh Hải không ép. "Bà chăm sóc con bé từ nhỏ, cũng yêu thương cháu nên gửi gắm nó tui cũng yên tâm. Cứ cuối tuần tui lại đón cháu sang chơi với ngoại", anh Hải nói.

Quế Anh về sống hẳn với mình, bà Chào thấy là lẽ tự nhiên như hơi thở. Từ khi bé còn ẵm ngửa, chị Thảo đã nhờ hai bà hàng xóm, là bà Chào và bà Mỹ Dung chăm con vì phải làm ca đêm.

Cô bé đến tuổi đi học, mẹ đưa rước hàng ngày, còn bà hàng xóm lo bữa sáng, bữa trưa, tắm rửa. Năm ngoái, mẹ đi bước nữa, buổi tối bé sang ngủ luôn với bà Chào. Khi nào được gọi, Quế Anh mới về nhà chơi.

Bà Mỹ Dung kể, lúc có tiền mẹ Quế Anh cũng thi thoảng trả công cho hai bà. "Má nó nghèo nên thiếu tiền học là tính cho nó nghỉ. Bà Chào cứ sợ con bé thất học, lén cho tiền đóng học phí", bà cho biết.

Ngủ với bà hàng xóm, Quế Anh tâm sự đủ chuyện buồn vui. "Má con chẳng cho con đi chơi, chẳng mua đồ đẹp cho con", nó khóc. "Má mày đi làm nuôi mày không đủ, tiền đâu mua cái nọ cái kia con", bà mắng yêu rồi nhẹ nhàng gạt nước mắt trên má con bé.

Đêm đầu mất mẹ, Quế Anh quay mặt vào tường nằm khóc. Bà Chào giả bộ hỏi: "Muỗi cắn hay sao quay bên đó vậy con?", rồi vỗ về cho ngủ. Cả đêm con bé giật mình gọi mẹ, bà cũng bồn chồn không yên. Hôm đó, bà nấu nghêu hấp sả, ốc xào, những món yêu thích cho đứa trẻ vừa mất mẹ.

"Bà dặn nên vui vẻ, ráng học cho giỏi để mẹ sớm lên trời nên con không cũng cố không nghĩ nữa", cô bé kể.

Bà Mỹ Dung cho biết, nhiều đứa trẻ có lẽ không được bà nội, bà ngoại thương bằng bà Chào thương Quế Anh. Con bé muốn ăn gì bà đều mua. Cháu học online là bà cũng ngồi học cùng. "Mấy tui hay chọc là mai mốt Quế Anh đậu đại học thì bả cũng đủ trình độ tiến sĩ", bà nói.

"Có con nhỏ, tuổi già của vợ chồng tui cũng đỡ buồn", bà Chào nói. Mẹ Quế Anh mất, điều bà lo nhất là không chạy được xe máy để đưa rước cháu. Cuối tháng 11, được chính quyền và những người xung quanh hỗ trợ, bà đã chuyển trường cho bé về gần nhà.

Bé Quế Anh trong dịp Trung Thu năm nay. Sau những ngày chênh vênh vì mất mẹ, sự yêu thương, bao bọc của hàng xóm và những người xa lạ đã giúp bé tìm lại được nụ cười. Ảnh nhân vật cung cấp.

Bà Dương Thị Thu Hồng, trưởng ban điều hành khu phố 1 cho biết, sau khi lắng nghe nguyện vọng của các bên, chính quyền ủng hộ mong muốn của bé Quế Anh. "Chúng tôi cũng đã hỏi hàng xóm xung quanh và quan sát thái độ của bé Quế Anh. Tôi thấy con rất thân thiết, yêu thương bà Chào. Người lớn có yêu trẻ, thì nó cũng mới yêu lại được như vậy", bà Hồng nói.

Địa phương đang tiến hành thủ tục pháp lý để bà Chào chính thức trở thành người đỡ đầu của đứa trẻ mồ côi.

Không chỉ bà Chào, từ khi mất mẹ, Quế Anh nhận được tình yêu của mọi người trong khu phố lẫn những người xa lạ. Mỗi khi bà Chào bận công việc, bà Mỹ Dung, lại thay lo cơm nước, chăm sóc. Các phụ huynh cùng lớp gom tiền tặng con chiếc điện thoại để học online, một bác sĩ nhận bảo trợ học hành. Vị bác sĩ cho Quế Anh học bán trú, mời giáo viên tiếng Anh đến tận nhà dạy kèm.

"Bà Chào nói má mất như là một sự hy sinh cho tương lai của con. Thế nên con sẽ ráng học giỏi để không phụ công mọi người thương yêu", Quế Anh nói.

Đọc thêm