Bà Xương đang trò chuyện cùng trẻ khiếm thính |
Đều đặn mỗi tuần 1 lần, nhóm “Funny Deaf” (tạm dịch là nhóm mang niềm vui đến trẻ em bị điếc) lại tổ chức các hoạt động thường niên và thiết thực của nhóm tình nguyện khiếm thính với sự phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung gắn liền với những sự kiện, ngày lễ lớn dành cho thiếu nhi.
Tại đây, lớp học gần 60 đứa trẻ bị thiểu năng về tai (điếc) đã được trải nghiệm những giờ vui chơi lý thú, ấm áp và thắm đượm tình người.
Chứng kiến sự đông đúc những tưởng sẽ vui nhộn trong tiếng nói cười, đùa giỡn hồn nhiên nhưng lại im ắng khác thường. Đâu đấy thi thoảng vẫn nghe tiếng từng bước chân nhẹ nhàng, những cái quơ tay qua lại kèm theo tiếng dỗ dành ngon ngọt của những người lớn. Trong đám đông ấy, trên gương mặt trong veo của em nào cũng luôn hiển hiện niềm vui, niềm phấn khởi khó diễn tả nên lời.
Những cái nhìn ngơ ngác, vài nụ cười hồn nhiên và cả bộ dạng khép nép luôn thấp thoáng… “Em ước một ngày được… nói”. “Em ước một ngày được… nghe”. Chúng tôi xúc động trào nước mắt khi được một phiên dịch viên tình nguyện truyền tải khát vọng mà các em thầm mong ước.
Bà Lê Thị Thu Xương, người đã có 15 năm theo từng bước chân các em câm điếc, tâm sự: “Khoảng 60 em là 60 số phận, 60 câu chuyện nghị lực đầy cảm động trong cuộc sống này. Các em cũng có những khát khao, những ước mơ như bao người bình thường là được nói, được cười, được nghe, được vui chơi… như bao người”.
“Bà tiên” của trẻ câm điếc
Hỏi về mình, về 15 năm dõi theo từng trẻ em câm điếc, bà Xương chỉ nở nụ cười hiền hậu nói: “Có gì đâu, tất cả là sự đồng cảm với bản thân… Và có gì đâu, mình chỉ có chút công sức và thời gian đi vận động. Nhưng cũng không nhiều, mỗi lần sinh hoạt không tốn nhiều tiền. Hầu hết là dành cho những ngày tết của trẻ em như Tết Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi, Tết Nguyên đán…”.
Bà Xương vốn là cô giáo mầm non, quê gốc ở Long An. Trong khoảng thời gian đi dạy mẫu giáo, bà đã tận mắt chứng kiến biết bao phận đời trẻ em bất hạnh. Nhưng có lẽ với bà, không bất hạnh nào hơn những đứa trẻ bị câm điếc, suốt cả cuộc đời không nghe, không nói. Mỗi khi các em muốn nhờ việc gì thì người nuôi dạy trẻ khá lúng túng, phải phán đoán và ngẫm suy rất lâu mới hiểu.
Từ chỗ thương các em, bà Xương đã nung nấu ý định tìm cho các em và những người khác một “mẫu số chung” khi giao tiếp.
Rồi cũng thật oái ăm hay như một cơ duyên, bỗng một ngày thanh quản của bà Xương tự nhiên không phát ra tiếng, không nói được hoặc dẫu có tiếng nhưng không phát thành âm nên khi trò chuyện với người khác, bà chẳng khác gì người câm.
Không chịu chấp nhận số phận, bà Xương cố tìm tòi và hiểu hơn về khẩu ngữ của người câm điếc như thể vừa giúp bản thân vừa hỗ trợ cho các em có cùng chung cảnh ngộ. Và cho đến một ngày, bà đã làm được điều nhiều người hằng mong: giao tiếp được với trẻ khiếm thính bằng khẩu ngữ riêng biệt.
Đến năm 2001, bà Xương lập nên hội giúp đỡ những trẻ em câm điếc đến trường mang tên “Funny Deaf”. Nhóm hoạt động thiện nguyện của bà Xương đã huy động được hàng ngàn người hưởng ứng, hàng trăm trẻ em khiếm thính tham gia. 15 năm là cả một quá trình “Funny Deaf” đã giúp biết bao đứa trẻ câm điếc không còn bị lạc lõng giữa đời. Những “ngôn ngữ” đặc biệt của các em đã có người thấu hiểu, lắng nghe và ngược lại.
Những ai mới tham gia thì bà Xương sẽ vừa giải thích bằng khẩu ngữ hình thể vừa dùng máy trợ giúp phát ra tiếng nói cho người khác hiểu. Hoặc khi có những khẩu ngữ khó, phức tạp, muốn truyền đạt đến các em thì bà Xương sẽ đảm nhiệm vai trò.
Và chỉ cần những ai từng gặp, từng tham gia chương trình sẽ vô cùng thán phục trước khả năng nhận biết và truyền đạt thông tin chính xác, chu đáo và thân thiện của bà Xương.
Không chỉ là cô giáo, bà Xương còn đảm nhận vai phiên dịch kiêm “nhà tài trợ” cho nhóm. Để có kinh phí hoạt động thường xuyên và liên tục, ngoài bỏ chút tiền túi ít ỏi của mình ra bà Xương còn phải đi vận động khắp mọi người, “gõ cửa” từng nhà, từng người bạn xin hỗ trợ để giúp những đứa trẻ thiệt thòi có sân chơi thân thiện để hòa nhập cộng đồng.
Bà hy vọng rằng: “Đến một ngày nào đó, các em sẽ có một môi trường học tập, vui chơi và sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ.
Và cũng như thế để các em có được một tuổi thơ đẹp, ý nghĩa, để mai này khôn lớn còn luyến lưu một thời mình đã qua, và cũng sẽ sớm tìm được ai “tiếp nối” con đường mình đã chọn”.