"Bà trùm" bao cao su" tiếp lửa" chống HIV/AIDS ở Cần Thơ

Không ngại gian khó, người phụ nữ ấy đã đi cùng công cuộc phòng chống HIV/AIDS của đất nước từ những ngày bắt đầu "cuộc chiến" phòng chống căn bệnh này. Chị là Lại Thị Kim Anh (sinh năm 1960), quê gốc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Không ngại gian khó, người phụ nữ ấy đã đi cùng công cuộc phòng chống HIV/AIDS của đất nước từ những ngày bắt đầu "cuộc chiến" phòng chống căn bệnh này. Chị là Lại Thị Kim Anh (sinh năm 1960), quê gốc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Ở đâu có AIDS, ở đó có GĐ Trung tâm AIDS Cần Thơ
 Vốn có năng khiếu về môn Văn và đã từng đạt giải Nhì môn Văn trong cuộc thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, nhưng vì yêu thích ngành y, Kim Anh đã thi vào Trường Đại học Y Dược TP. HCM.
Cũng lại vì “duyên nghề”, cô sinh viên ngoại –sản quyết định bỏ chuyên ngành đang “hót” để “đầu quân” vào một nơi mà chẳng ai muốn vào (cán bộ Khoa dịch tễ thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ) với một suy nghĩ thật giản đơn: “Nếu chỉ làm việc ở bệnh viện thôi thì ít người biết đến mình, nhưng làm công tác phòng chống dịch thì sẽ có rất nhiều người biết đến và giúp được nhiều người hơn…”.
Sự lựa chọn ấy, cộng với quyết tâm “làm gì phải làm đến cùng” và để chứng minh “con đường mình chọn là đúng”, Kim Anh dồn hết sức lực vào công việc để đạt được kết quả tốt nhất. Từ việc lớn đến việc khó, đều đến tay chị. Hết dịch này đến dịch khác chị đều lo chu toàn.
Con trai được hai tuổi thì chồng chị mất vì bệnh, chị lại càng lao vào công việc để lấy nguồn vui. Có nhiều hôm, ngày lễ, tết, con trai nghỉ học chị phải đưa nó đi làm cùng. Nhiều hôm chống dịch dưới cơ sở về cơ quan muộn, nhìn con lủi thủi bên bác bảo vệ già mà chị rớt nước mắt. Nhưng bao nhiêu dịch bệnh đang bùng phát, chị không thể buông xuôi.
Khi dịch HIV/AIDS bắt đầu tràn Miền Tây và TP Cần Thơ, chị cũng là người đầu tiên tiếp cận với dịch. Ngày đó, người ta nhìn AIDS là một cái gì đó kinh khủng lắm, thậm chí nghĩ một cách thiển cận “chỉ cần sờ vào nắm đấm cửa mà người nhiễm HIV đã từng cầm vào cũng sẽ bị lây”, vì thế bản thân các bác sỹ, nhân viên y tế làm công tác dự phòng, khám chữa bệnh cho người nhiễm cũng bị kỳ thị rất nặng nề. Nhưng bất chấp tất cả, chị vẫn lao vào công việc mà mình đã trót lựa chọn. Và say mê, đam mê đến mức “nghiện ngập, không gỡ ra được…”.
Trong căn phòng làm việc bộn bề sách, tài liệu và sực mùi sơn, vữa… chị bồi hồi nhớ lại… Thời điểm những năm 1995 – 1996 chị có tham gia một nghiên cứu nhanh về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Cần Thơ cùng một tổ chức quốc tế và khẳng định: Lây nhiễm HIV ở Cần Thơ chủ yếu là do mại dâm.
Không muốn nhìn nhận thực tế này, nhiều người “la làng” và phản đối một cách gay gắt, rồi chì chiết chị “nhiều chuyện”. Nhưng Kim Anh không nản bởi đó là một thực tế. Và chị bắt đầu  lao vào cuộc chiến đấu chống mại dâm, ma túy và HIV/AIDS với nghị lực và quyết tâm cao nhất.
Xét thấy mại dâm chính là nguồn gốc của đại dịch HIV/AIDS, Kim Anh quyết định triển khai Chương trình bao cao su (BCS) trên địa bàn TP. Cần Thơ. Nói đến BCS lúc bấy giờ nhiều người còn e ngại nên chẳng ai tán đồng quan điểm của chị; Trung ương cũng chưa từng nghĩ đến giải pháp này. Nhưng với cương vị của một người phụ trách khoa dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ, Kim Anh không thể ngoảnh mặt làm ngơ.
Để mọi người chấp nhận BCS, chị lên mạng tra cứu thông tin, nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế và các nước đã triển khai hiệu quả chương trình này và quyết định đưa BCS lên pano, áp phích, phát thanh, truyền hình, thậm chí xây dựng cả một “Con đường BCS” dài tới 5 km (Đường Vĩnh Trinh – quận Thốt Nốt). Rồi BCS được đặt trong các nhà thuốc, nhà hàng, quán café, những nơi công cộng (gần nhà thờ, UBND TP, chợ, siêu thị…).
Việc làm của chị, lúc đầu bị nhiều người phản đối rất dữ dội (người dân thì viết đơn kiện; chính quyền lắc đầu, cha xứ thì xua tay vì cho rằng “chị tiếp tay cho mại dâm”). Để có được sự đồng thuận của người dân và các cấp chính quyền, chị đã phải mòn gối đi khắp nơi để giải trình, vận động người dân ủng hộ, đến từng nhà thờ đề nghị cha xứ giúp đỡ. “Mưa dầm thấm đất”, cuối cùng chương trình BCS của chị đã được đông đảo cán bộ, nhân dân, các giáo sứ ở Cần Thơ ủng hộ và đón nhận. 
Từ nhà thuốc, Kim Anh tiếp tục đưa BCS vào các nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, quán mát sa, gội đầu… nơi tập trung đông các “em út”. Nghĩ rằng, không thể phát không mãi được, chị lại nghĩ cách để tiếp thị xã hội BCS. Và thế là, những tiệm chuyên bán BCS như “OK Cần Thơ”, “Núi lửa”… bắt đầu mọc lên trên địa bàn TP. Danh hiệu “Miss COMDOM” cũng xuất hiện từ đó và đi cùng với sự thành công của chị.
Sau hiệu quả của chương trình BCS (từ khi triển khai tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm mại dâm đi vào ổn định với với mức tăng trung bình 2-3%; những bệnh lây qua đường tình dục cũng giảm đi; trong khi số lây nhiễm trong nhóm sử dụng ma túy vẫn tăng), Kim Anh tiếp tục triển khai Chương trình bơm kim tiêm (BKT) vào năm 2005 để can thiệp trong nhóm nghiện hút ma túy.
Để có được sự đồng thuận của mọi người, chị lại tiếp tục hành trình vận động. Trước hết là tạo sự đồng thuận của ba cơ quan công an, LĐTB & XH và y tế.
“Để các văn bản pháp luật không va nhau vẫn phải lách luật, đặc biệt phải rất khôn khéo trong quá trình thực hiện” – chị chia sẻ. Ví dụ: Lấy BKT thì không bị bắt nhưng sử dụng BKT sẽ bị bắt. Rồi khi thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống ma túy, mại dâm, y tế không nên tham gia…
Trên đã thông rồi mà dưới vẫn bắt là không ổn, vì thế chị Kim Anh tiếp tục đả thông tư tưởng nhóm cảnh sát khu vực; đồng thời vận động nhân dân cho đặt thùng BKT ngay trước cửa nhà mình để tiện cho việc lấy BKT của người nghiện chích. 
Trái tim không ngừng nghỉ
Hiện tại, với cương vị GĐ Trung tâm AIDS Cần Thơ nhưng Bác sỹ Lại Thị Kim Anh vẫn không cho phép mình ngưng nghỉ, bởi tuy đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn đã tạm thời được khống chế nhưng nguy cơ bùng phát vẫn còn rất lớn. Và chị vẫn tiếp tục lao vào cuộc chiến với tất cả con tim, khối óc và bầu nhiệt huyết căng tràn. Những cái tên mà người ta đặt cho chị (Kim Anh “Sida”; “Má mì”, “trùm Mafia”, “Bóng già”…) không lấy gì làm hay ho lắm nhưng chị vẫn cảm thấy có ý nghĩa vì nó gắn với công việc của chị. 
Là một địa phương được khá nhiều dự án đầu tư vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhưng theo GĐ Trung tâm AIDS Cần Thơ khẳng định: Nguồn lực chỉ là bước đệm, quan trọng nhất vẫn phải phát huy nội lực của mình. Vì vậy, chị luôn chú trọng công tác đào tạo cán bộ và đẩy mạnh tiếp thị xã hội các chương trình BCS cũng như BKT để duy trì bền vững các chương trình này.
Đặc biệt, “là lãnh đạo nhưng vẫn phải nghĩ việc cho anh em làm. Đã làm thì phải làm cho đã và truyền được sự say mê, nhiệt huyết của mình cho người khác” – Kim Anh tâm sự. Và ngọn lửa đam mê này cũng được chị truyền cho con trai, nó đã giúp cậu bé – hiện đang là sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc gia TP. HCM đứng đầu vòng thi tháng và đạt vị trí thứ hai trong vòng thi quý cuộc thi “Đường lên đỉnh OLIMPIA”.
Chia tay chị, chia tay TP Cần Thơ xinh đẹp và yên bình, chúng tôi mang về biết bao niềm vui và hy vọng. Mong rằng, ngọn lửa say mê với hoạt động phòng chống AIDS sẽ còn cháy mãi trong huyết quản người phụ nữ đầy nghị lực, mạnh mẽ và đôn hậu này.
Đoan Trang

Đọc thêm