Bác bỏ đề xuất mở tuyến vận tải hàng hóa trên sông Hàn

(PLVN) - Chiều 24/2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải và quy hoạch phát triển cảng biển, đường thủy khu vực TP. Đà Nẵng.
Bác đề xuất mở tuyến vận tải hàng hóa trên sông Hàn.
Bác đề xuất mở tuyến vận tải hàng hóa trên sông Hàn.

Thông tin từ Sở GTVT Đà Nẵng, Bộ GTVT có Công văn số 646/BGTVT-KHĐT ngày 22/01/2021 đề nghị TP Đà Nẵng tham gia ý kiến đối với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở GTVT chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất.

Trên cơ sở này, UBND TP Đà Nẵng cơ bản thống nhất với dự thảo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT tổ chức lập. Tuy nhiên theo UBND TP Đà Nẵng, phương án quy hoạch sông Hàn và sông Vĩnh Điện qua địa phận TP Đà Nẵng là tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia là không phù hợp.

Cửa Hàn Đà Nẵng.
 Cửa Hàn Đà Nẵng.

Theo đó, tuyến sông Hàn và sông Vĩnh Điện qua địa phận TP Đà Nẵng hiện đang khai thác, kết nối vận tải du lịch trong phạm vi nội đô, với phương tiện cỡ nhỏ và cự ly vận chuyển không lớn. Ngoài ra, hiện trạng các công trình vượt sông trên tuyến có tĩnh không thông thuyền thấp, không đáp ứng khả năng cho các phương tiện thuỷ cỡ lớn lưu thông.

Đặc biệt đoạn sông Vĩnh Điện thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam có xây dựng đập ngăn mặn (tại thượng lưu cầu Tứ Câu) nên giao thông không được kết nối thông suốt. Do vậy, phương án đề xuất quy hoạch sông Hàn và sông Vĩnh Điện qua địa phận TP Đà Nẵng thuộc hệ thống đường thuỷ nội địa quốc gia là không hợp lý, không có tính khả thi.

Do vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị điều chỉnh chuyển sông Hàn và sông Vĩnh Điện đoạn qua địa phận TP, Đà Nẵng thành đường thuỷ nội địa địa phương để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, thuận lợi giữa công tác quản lý nhà nước về đường thuỷ nội địa và công tác quy hoạch, quản lý, phát triển hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa và kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn TP.

Đồng thời đảm bảo công tác quản lý bảo trì các tuyến đường thuỷ nội địa được thực hiện thường xuyên liên tục, đảm bảo công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, địa phương liên quan, chủ động kịp thời xử lý các phát sinh nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn TP.

Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với Đà Nẵng.
 Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với Đà Nẵng.

Về quy hoạch cảng biển Đà Nẵng, thay mặt Bộ GTVT, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) đã đưa vấn đề mở tuyến vận tải hàng hóa đường thủy trên sông Hàn để lấy ý kiến lãnh đạo UBND TP và các cơ quan hữu quan TP. Đà Nẵng.

Trước đó, làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Bộ GTVT vào buổi sáng cùng ngày, ông Trần Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng, cũng cho biết đã khảo sát tuyến đường thủy từ cảng Tiên Sa đi Quảng Nam để thoát hàng trên sông Hàn và mong muốn Bộ GTVT, UBND TP Đà Nẵng cho phép thoát hàng từ cảng Tiên Sa bằng tuyến đường thủy này. Tại buổi làm việc, ông Lê Thành Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng khẳng định quan điểm xuyên suốt của TP. Đà Nẵng là không khuyến khích phát triển vận tải hàng hóa trên hệ thống đường thủy nội địa mà chỉ quy hoạch cảnh quan, phát triển du lịch ven sông.

Bên cạnh đó, phía tư vấn cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng Liên Chiểu- phần cơ sở hạ tầng dùng chung đã được thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch chi tiết cảng Liên Chiểu. Tư vấn kiến nghị Đà Nẵng và Bộ GTVT thống nhất sử dụng các kết quả nghiên cứu của tư vấn để lập quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước theo đúng quy định của Luật quy hoạch.

Cảng Tiên Sa Đà Nẵng (ảnh: Côngtrìnhthủy)
 Cảng Tiên Sa Đà Nẵng (ảnh: Côngtrìnhthủy)

Ông Lê Thành Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, đề nghị đưa cảng Liên Chiểu vào thứ tự ưu tiên về vốn, dần chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch sau 2030. “Đề nghị Bộ GTVT quan tâm phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Liên Chiểu sau khi Thủ tướng phê duyệt. Theo tiến độ, giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu sẽ hoàn thành năm 2024”, ông Hưng nói

Về cảng Liên Chiểu, Thứ trưởng Nhật đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng công suất lên hơn nữa; đồng thời đề nghị Sở GTVT Đà Nẵng tham mưu Chủ tịch, Bí thư thành phố đăng ký làm việc ngay với Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh các thủ tục liên quan cảng này.

Nói về cảng Tiên Sa, ông Thứ trưởng Nhật đề nghị Đà Nẵng ủng hộ việc duy tu, nạo vét luồng. Địa phương chỉ định vị trí đổ thải sau nạo vét, đánh giá tác động môi trường. Hiện Nghị định 11/2021 của Chính phủ quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc giao khu vực biển trong phạm vi sáu hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Lê Quang Nam cho rằng, vấn đề đổ thải sau nạo vét, không riêng TP mà tỉnh thành nào cũng gặp khó. Lãnh đạo TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành tìm bãi đổ thải.

“Đổ trên bờ là tốt nhất, còn không thì phải đổ xuống biển. Hiện tại chưa lấy mẫu nhưng bình thường thành phần khoảng 80% là cát nhiễm mặn, còn lại là bùn. Bùn thì chưa biết xử lý thế nào nhưng cát nhiễm mặn nếu đổ trên bờ thì bị mặn hóa đất, rõ ràng là khó”, ông Nam nói. Theo ông Nam, có thể nghiên cứu tách bùn ra để lấy cát nhiễm mặn đổ các vị trí ven biển đang cần.

Đọc thêm