Hạn chế hoạt động dưới trời lạnh
Dự báo khu vực Hà Nội hôm nay ngày nắng; trời rét đậm, với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ, nhiệt độ cao nhất từ 19-21 độ. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị trời rét đậm với nhiệt độ thấp nhất từ 11-13 độ; các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-18 độ; Tây Nguyên đêm và sáng trời rét; các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ trời lạnh về đêm và sáng sớm.
Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3, vùng ven biển cấp 4, giật cấp 6. Ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động; sóng biển cao từ 2,0-3,0m. Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Trước diễn biến trên, ngày 18/1, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (BCĐ) đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện chỉ đạo của BCĐ thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng tránh.
Các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, hạn chế hoạt động dưới trời lạnh; không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín.
Các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, vệ sinh chuồng nuôi, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét cho gia súc, đưa gia súc chăn thả tự do về chuồng; hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
Du khách xem băng giá, mưa tuyết cần đảm bảo an toàn
Các tỉnh, thành phố thành lập đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật, nuôi, cây trồng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người địa phương…; thông báo, hướng dẫn cho khách du lịch xem băng giá, mưa tuyết để đảm bảo an toàn; cắm biển cảnh báo các khu vực nguy hiểm, trơn trượt; chủ động bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phòng, chống.
Các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp nhân dân nhất là gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại như gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại; di chuyển, tập trung các đàn đại gia súc chăn thả tự do đến nơi tránh rét; chuẩn bị dự trữ thức ăn, vắcxin phòng bệnh...
Ban Chỉ huy các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết diễn biến của gió mạnh trên biển để phòng tránh, di chuyển vào bờ hoặc tránh trú tại các khu vực an toàn và chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả; duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, công trình ven biển, nhất là các công trình đang thi công hoặc đã bị sự cố trong các trận bão, mưa lũ tháng 10-11/2020 nhưng chưa được khắc phục.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống, đảm bảo đời sống người dân, an toàn sản xuất.
Chất lượng không khí Hà Nội đã bớt xấu
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trong tuần trước (từ 11 - 17/1), chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm đáng kể do điều kiện thời tiết bất lợi. Vào những ngày trời sương mù và tốc độ gió thấp, các chất gây ô nhiễm không khuếch tán được, khiến chỉ số AQI chạm ngưỡng mức cảnh báo đỏ.
Tuy nhiên, chất lượng không khí (AQI) ngày 18/1 tại Hà Nội cải thiện nhiều so với mức rất xấu và nguy hại so với 6 ngày trước đó. Cụ thể, chỉ số AQI trung bình đo được vào lúc 14h là 80.
18h hôm qua, trong số gần 30 điểm đo AQI thì có 3điểm cho kết quả biên độ xanh (tốt, chỉ số AQI dưới 50 điểm), 8 điểm có biên độ màu da cam (chỉ số AQI trên 100; Những người nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng; cao nhất tại Hàng Đậu, Hoàn Kiếm với chỉ số 114), còn lại là biên độ màu vàng (AQI từ 50 đến 100 điểm; Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch… có thể chịu những tác động nhất định tới sức khỏe).
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Đặc biệt, đang vào vụ thu hoạch lúa tại các khu vực ngoại thành, người dân cần tuyệt đối không đốt rơm rạ.
Ngoài ra, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin chính thức về chất lượng không khí để biết được mức độ ảnh hưởng và có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên thời tiết giảm nhiệt sâu dẫn đến chất lượng không khí có chiều hướng tốt lên. Tuy nhiên, người dân khi ra đường vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang chống bụi PM 2.5, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài. Hạn chế ra ngoài hoặc nên lưu thông trên đường bằng các phương tiện công cộng hay các phương tiện có che chắn.