Hen-rích Đờ-rắc-kê xúc động nói: “Thật không ngờ là tôi đã được nặn tượng Bác. Điều ấy tôi đâu có dám mơ ước…”.
Vậy thì nhờ đâu ông có cái may mắn ấy?
- Trước hết tôi biết Người rất mực khiêm tốn. Người không muốn ai vẽ tranh, đúc tượng mình cả… Các đồng nghiệp Việt Nam nói với tôi rằng, đã có nhiều nghệ sỹ tha thiết muốn làm tượng về Bác, Người cho gặp, nhưng không cho nặn tượng. Người nói: "Không có nhân dân thì không có Bác. Các chú hãy nặn tượng đồng bào, chiến sỹ, nặn tượng thanh niên, thiếu niên anh hùng”. Sự khiêm tốn ấy càng làm tôi xúc động và kính phục Người vô hạn…
Biết là khó, nhưng tôi vẫn hy vọng. May sao, khi gặp tôi, Đại sứ Cộng hòa Đức R.Phuýt-nơ nói: “Hen-rich ạ, anh sang bên này, chúng tôi rất phấn khởi. Từ lâu, chúng tôi mong muốn một pho tượng hoặc một bức họa cỡ lớn về Hồ Chủ tịch mà tác giả phải là người Đức. Hồ Chủ tịch là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là người bạn lớn của nhân dân nước ta, là người anh em thân thiết của Chủ tịch Vin-hem Pich. Anh nghĩ thế nào?”.
Thế là ý nguyện của tôi và Đại sứ đã gặp nhau. Chừng một tuần sau, tôi được thông báo là Bác Hồ cho đến gặp. Dự buổi gặp có Đại sứ Phuýt-nơ và cả nhà thơ Tố Hữu - một người lãnh đạo văn nghệ nổi tiếng của Việt Nam. Bác niềm nở bắt tay tôi và ân cần hỏi thăm sức khỏe, gia đình và công tác. Người cũng hỏi cảm tưởng của tôi sau chuyến đi các địa phương ở Việt Nam, đó là Tây Bắc, Hòn Gai, Hòa Bình, Bắc Ninh, Nam Định…
Tôi đã thưa với Người nhiều điều, cả những cảm nghĩ về nền mỹ thuật độc đáo của Việt Nam mà tôi được tiếp xúc với tất cả niềm say mê, cảm phục. Tôi cũng đã bày tỏ nguyện vọng được làm phiền Bác một thời gian để đem về cho nhân dân trong nước một kỷ niệm lâu bền. Bác nhìn tôi với nụ cười trìu mến: “Tôi được biết nguyện vọng của đồng chí. Thế này nhé: “Tôi đồng ý đáp lại yêu cầu của đồng chí. Mỗi buổi sáng, đồng chí đến chỗ tôi làm việc độ một giờ rưỡi. Có thể để một số anh chị em Việt Nam cùng đến làm…”.
Theo lời Bác dặn, có hai họa sỹ và hai nhà điêu khắc Việt Nam, trong đó có nghệ sỹ Diệp Minh Châu đã được vào Phủ Chủ tịch sáng tác. Một họa sỹ nói với Đờ-rắc-kê: “Cảm ơn anh lắm! Nhờ anh mà chúng tôi được “ăn theo”.
Khi thấy mọi người vào, Bác Hồ nói: “Các chú phải cố gắng nhé. Thi đua với đồng chí Đờ-rắc-kê mà làm, không thì xấu hổ đấy!
Theo lời kể của Hen-rích Đờ-rắc-kê, thoạt đầu, công việc được tiến hành không được dễ dàng lắm. Ông thấy bố trí Bác ngồi cạnh một cái bàn ở góc phòng là không thể được. Bởi vì các nghệ sỹ sẽ khó lòng để đi quanh Bác mà nghiên cứu từng đường nét trong quá trình phác thảo, tạo hình.
Theo ông, phải có hai cách: hoặc mời Bác đứng, hoặc mời Bác ngồi trên một chiếc ghế quay thì mọi người mới có điều kiện nhìn Bác dưới ánh sáng cố định. Thế nhưng làm như vậy, một phần sẽ gây phiền phức nhiều quá, phần khác cũng phải chiếu cố lẫn nhau, không lẽ ai cũng muốn quay cả!
Cuối cùng, Đờ-rắc-kê nêu lên yêu cầu là mời Bác ngồi ở giữa phòng, cho kê cao bàn làm việc và ghế ngồi của Bác. Những người Việt Nam có mặt đều tỏ vẻ e ngại. Đờ-rắc-kê nói: “Các bạn cứ thưa với Bác rằng đó là đề nghị của tôi”.
Quả nhiên, đề nghị đó được Bác chấp nhận. Bàn ghế của Người được kê cao bằng một chiếc phản loại tốt. Các nghệ sỹ Việt Nam đều phấn khởi vì sự thay đổi này.
Thời gian Hen-rích Đờ-rắc-kê và các đồng nghiệp Việt Nam làm việc bên Bác tổng cộng là khoảng 12 tiếng đồng hồ. Đờ-rắc-kê nhận xét: “Ở cái tuổi ngót 70, Bác ngồi yên được lâu như vậy là rất kiên trì. Bác không hề tỏ ra mệt mỏi, trái lại còn đọc báo, xem tài liệu hoặc thỉnh thoảng viết gì đó vào cuốn sổ tay…”.
Hôm cuối cùng, trước khi chia tay, Bác ngồi nán lại chừng 20 phút. Hen-rích Đờ-rắc-kê xúc động bày tỏ một lần nữa lòng cảm ơn đối với Người, đã vì nguyện vọng của ông mà dành cho một số thời gian quý báu như vậy. Bác Hồ thân ái nói:
- Chúng tôi phải cảm ơn đồng chí mới đúng chứ! Quan trọng là tôi có giúp ích được gì cho công việc của các đồng chí không thôi!
Khi các nghệ sỹ xin phép Bác nhận xét về các tác phẩm của họ, Bác tươi cười nói rất vui:
- Trông như mấy anh em Cụ Hồ vậy!
Công việc mà Hen-rích Đờ-rắc-kê tiến hành trong phủ chủ tịch dĩ nhiên là chưa kết thúc. Ông chỉ có thể tạo dáng bằng đất nung, sau đó nhờ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội cho đúc khuôn bằng thạch cao, rồi đóng hòm thật cẩn thận mang về nước.
Ở Béc-lin, ông cho đổ đồng được 5 bức tượng cỡ vừa. Một bức được đặt tại trường đào tạo sỹ quan biên phòng Hồ Chí Minh ở ngoại ô Béc-lin, một bức tại viện hàn lâm nghệ thuật, một bức tại Viện Bảo tàng Trung ương, một bức đặt tại công viên Tơ-rếp tô và một bức nữa đã gửi sang Việt Nam.
|
Bức chân dung lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc do họa sĩ Erich Johannson vẽ năm 1924 tại Liên Xô. |
Trước Hen-rích Đờ-rắc-kê đúng 34 năm cũng đã có một nghệ sỹ người Đức vẽ Bác Hồ, nói đúng hơn là vẽ Nguyễn Ái Quốc ở tuổi 34. Đó là một sự việc được nhiều người nhắc đến trong các công trình nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật. Họa sỹ Đức đó tên là Ê-rích Giô-han-xơn (Erich Johannson) sinh năm 1897, gốc Thụy Điển.
Ông là một trong những nghệ sỹ đã tổ chức các nhóm cách mạng ở Viện Hàn lâm nghệ thuật Đre-xđen. Bức chân dung Nguyễn Ái Quốc do ông vẽ gần một thế kỷ trước, sau khi công bố trên Nghệ thuật tạo hình đã được giới thiệu rộng rãi trong sách báo nhiều nước, kể cả trên bìa tập Thơ Hồ Chí Minh do NXB Cuộc Sống mới ấn hành tại báo Béc-lin năm 1970.
Trên tờ Buổi chiều của Thụy Điển, số ra ngày 26/12/1967 có đăng bài phỏng vấn của nhà báo Gu-xtáp Xgiéc- xbéc với họa sỹ Ê-ric Giô-han-xơn. Tác giả bài phỏng vấn đó giới thiệu: “Giô-han-xơn được giáo dục tinh thần cách mạng trong giới cấp tiền của Viện Hàn lâm nghệ thuật Đre-xđen đầu thế kỷ 20. Thuở thanh niên sôi động của ông mang đầy những sự tích kỳ diệu, trong đó có cuộc gặp kéo dài hàng tháng của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ê-ric Giô-han-xơn kể với nhà báo:
Năm 1924, khi tôi phụ trách cuộc triển lãm nghệ thuật quần chúng đầu tiên của Đức được tổ chức ở Mát-xcơ-va và đang quan sát việc sắp xếp tác phẩm nghệ thuật tại ngồi nhà mà hiện nay là Bách hóa Tổng hợp GUM thì có một người bước vào.
Thoạt đầu, tôi tưởng ông là một người Nhật Bản, sau mới biết ông là người Việt Nam. Ông tự giới thiệu tên mình là Nguyễn Ái Quốc. Ông tỏ ra là người say mê nghệ thuật. Cuộc bàn luận sôi nổi giữa chúng tôi kéo dài đến tận đêm khuya tại một tiệm ăn ở Mát-xcơ-va.
Trong suốt thời gian tôi ở Mát-xcơ-va ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau để nói chuyện về nghệ thuật và chính trị. “Ái Quốc”- tôi vẫn gọi ông bằng cái tên ấy và cảm nhận đó là một con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một người rất uyên bác.
Ông sử dụng được nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Trong thời gian gặp nhau ngắn ngủi, khoảng 4 tháng, Ái Quốc học được rất nhiều tiếng Thụy Điển và có thể làm cho người Thụy Điển hiểu một cách dễ dàng… Với thái độ thân mật lịch thiệp của mình, Nguyễn Ái Quốc - người bạn mới của tôi rất được yêu mến trong giới họa sỹ chúng tôi”.
- Nguyễn Ái Quốc vừa lý tưởng vừa thực tế. Cũng như tôi, Người ủng hộ Chính sách đó làm cho ở Mát-xcơ-va không bị thiếu những sản phẩm nhu yếu. Vừa nghiên cứu, Nguyễn Ái Quốc vừa là đại diện của các dân tộc thuộc địa trong quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên, Người không hề là người Cộng sản giáo điều. Toàn bộ tư tưởng và hoạt động của Người hướng vào sư giải phóng Việt Nam.
Được hỏi về các mối quan hệ cá nhân giữa họa sỹ và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sau cuộc gặp năm 1924, Ê-rích Giô-han-xơn tỏ ra rất tiếc là vào dịp Nô-en năm đó, Bác Hồ đã rời Nga và từ đó không hề nhận được tin tức gì về Người, nhưng những câu chuyện và những bức ký họa chân dung Nguyễn Ái Quốc năm đó thì ông còn giữ mãi.
Năm 1965, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Người, Giô-han-xơn nhìn thấy bức ảnh Người trên một tờ báo, ông cảm thấy gương mặt trông quen lắm. Thế là ông lấy ra bức chân dung Nguyễn Ái Quốc mà ông vẽ năm 1924 ở Mát-xcơ-va rồi đến ban biên tập tờ báo nọ đề nghị họ cho xem bản gốc tấm ảnh Hồ Chí Minh. Lúc đó, ông nhận ra vành tai với hình dạng đặc biệt trên bức ảnh chính là người ông đã vẽ hồi ấy.
Với niềm vui sướng vô hạn, Ê-rích Giô-han-xơn viết một bức thư chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cho in bức ký họa lịch sử lên tờ tạp chí Nghệ thuật tạo hình của Cộng hòa Dân chủ Đức, số ra tháng 12 năm 1965. Cùng với bức ký họa, ông có bài báo nói lên những ký ức và cảm nghĩ sâu sắc về vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam.
Ông viết: “Khi thảo luận, Người nói rất sinh động, Người am hiểu những trào lưu nghệ thuật Tây Âu và mỉm cười để lộ rằng: ở Pari, Người cũng vẽ chút ít. Người nói một cách rất tinh tế về những tác phẩm Người đã xem, và trước hết về những nghệ sỹ đã mạnh dạn phơi trần sự thật xã hội, kêu gọi đấu tranh. Người bàn luận về những vấn đề nghệ thuật của châu Âu, sau khi đã nghiên cứu đầy đủ, chính xác, thận trọng. Người nhấn mạnh rằng: “Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính của dân tộc mình trong nghệ thuật”.