Cài cắm nhiều điều kiện hạn chế
Báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh liên quan đến việc triển khai công tác đầu thầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh thời gian vừa qua có nhiều khuất tất. Cụ thể, tại gói thầu “ Mua sắm vật tư tiêu hao thông dụng năm 2018” Bệnh viện đa khia tỉnh Bắc Ninh mới tổ chức mới đây có dấu hiệu cài cắm điều kiện hạn chế nhà thầu, vi phạm luật đấu thầu nghiêm trọng.
Theo tài liệu phản ánh, tại gói thầu trên trong HSMT, chủ đầu tư là Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã cố tình cài cắm điều kiện hạn chế nhặm hạn chế nhà thầu như tại Chương III của HSMT trong mục 3 – Mức độ phù hợp của hàng hoá chủ đầu tư đã đưa ra điều kiện “ Có cam kết hàng hoá cung cấp hoàn toàn phù hợp với các thiết bị hiện có tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh”.
Đây là điều kiện hạn chế bởi nếu theo yêu cầu này nhà thầu phải đi khảo sát từng trang thiết bị của bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh trước khi lập HSDT. Không biết do đặc thù thiết bị của bệnh viện khác với tiêu chuẩn các thiết bị y tế của Bộ Y tế ban hành nên Bệnh viện phải có điều kiện này hay đây là điều kiện tạo thuận lợi cho các nhà thầu đã từng tham gia nhiều gói thầu tương tự tại đây?
Bên cạnh đó, trong danh sách các mặt hàng mà chủ đầu tư yêu cầu ky thuật cung có dấu hiệu cài cắm điều kiện hạn chế nhà thầu. Cụ thể, tại mặt hàng số 85 “ Hoá chất diệt côn trùng (thuốc muỗi)” tại phần yêu cầu thông số kỹ thuật, chủ đầu tư đã đưa ra tiêu chí quy định dung tích của sản phẩm là “Đóng gói chai 1 lít”. Đây là yêu cầu thiếu khách quan, không thuyết phục về mặt chuyên môn và mang tính chỉ định thầu (Mỗi một nhà sản xuất duy nhất có một cách đóng gói riêng, không nhà sản xuất nào đóng gói giống nhau. Vì vậy, quy định chi tiết đến từng ml trong hồ sơ mời thầu này chắc chắn đã chỉ định đích danh cho một hãng cụ thể nào đó).
Hơn nữa, tiêu chí kỹ thuật của sản phẩm chỉ quy định về mặt dung tích không nói lên bản chất kỹ thuật của hàng hóa, vô hình chung chủ đầu tư đã đưa danh mục này mang tính hình thức và chi tiết hóa với mục đích chỉ định thầu.
Cũng tại mặt hàng số 126 – Mỡ điện tim, tại phần yêu cầu kỹ thuật hoặc tương đương, có ghi thể tích 250ml. Cũng như phân tích tại phần trên, dung tích của sản phẩm không nói lên bản chất về mặt kỹ thuật của sản phẩm, và mục đích của chủ đầu tư là cũng nhằm chỉ định thầu cho một hãng cụ thể nào đó.
Không cho báo chí tiếp cận hồ sơ
Để làm rõ những nội dung trên, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Ông Thuỷ đã sắp xếp một buổi làm việc giữa phóng viên và cán bộ chuyên môn của Bệnh viện. Tại buổi làm việc, vị cán bộ này cho biết, gói thầu trên của 4 nhà thầu tham gia, bao gồm: Công ty CP Dược phẩm Bắc Ninh, Công ty TNHH Kỹ thương trang thiết bị y tế Ngọc Khang, Công ty TNHH Lê Lợi, Công ty TNHH thiết bị y tế Medicent. Qua kết quả đánh giá nhà thầu của đơn vị tư vấn, Công ty TNHH thiết bị y tế Medicent xếp thứ nhất và đã trúng thầu. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu được tiếp cận HSDT của các nhà thầu để đảm bảo tính khách quan, minh bạch thì vị cán bộ này thẳng thừng từ chối với lý do đây là tài liệu mật.
Trao đổi với phóng viên về những lý do mà Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đưa ra để ngăn cản việc phóng viên thực hiện tác nghiệp, tiếp cận thông tin theo Luật báo chí và Luật đấu thầu. Luật sư Trần Hậu Thìn, Văn phòng Luật sư THT cho biết:
Theo Khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016, nhà báo có quyền được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 13, Điều 74 Luật Đấu thầu năm 2013 thì chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Điều 74 Luật Đấu thầu theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu.
Và theo quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 73 Luật Đấu thầu về trách nhiệm của bên mời thầu phải cung cấp các thông tin cho Báo đấu thầu và hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Khoản 2, Điều 73 Luật Đấu thầu theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động đấu thầu;
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư, bên mời thầu là bảo mật các tài liệu quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu và sau khi kết thúc đấu thầu được phép cung cấp thông tin, tài liệu liên quan theo yêu cầu của người có thẩm quyền, cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan Nhà nước về hoạt động đấu thầu.
Nếu vi phạm những quy định trên thì sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm. Và theo quy định tại Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013, thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu là người có thẩm quyền đối với dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý.
Như đã nói ở trên, các tài liệu phóng viên yêu cầu đều không phải là thông tin mật. Bởi, kết quả thầu đã có và sẽ phải công khai kết quả. Các hồ sơ liên quan đến công tác đấu thầu khi các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát thì đều có quyền tiếp cận. Trong khi đó cán bộ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh lại luôn khăng khăng đó là thông tin mật của doanh nghiệp để PV không thể tiếp cận được hồ sơ.
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Bắc Ninh, sớm vào cuộc, làm rõ vấn đề trong công tác đấu thầu mua sắm công vừa diễn ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.