Trước đó, Cty Anh Đức (có trụ sở tại Nghệ An) khởi kiện bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, yêu cầu tòa hủy bỏ quyết định loại hồ sơ của Liên danh nhà thầu Anh Đức-Sao Mai (do Cty Anh Đức liên danh với Công ty cổ phần giải pháp thiết bị Sao Mai, có trụ sở tại TP.HCM) của bà Chi và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm dừng việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa Sở GD&ĐT Nghệ An với Công ty CP thiết bị giáo dục Hải Hà (đơn vị trúng thầu).
Theo đơn khởi kiện, Liên danh nhà thầu Anh Đức-Sao Mai đã nộp hồ sơ dự thầu gói thầu số 01 mua sắm trang thiết bị dạy, học ngoại ngữ chuyên dụng cho các trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh Nghệ An (giá trần Sở GD&ĐT Nghệ An đưa ra là gần 7,5 tỉ đồng).
Tuy nhiên, tại văn bản số 2236, ngày 25/10/2016, Sở GD&ĐT Nghệ An đã thông báo Liên danh nhà thầu Anh Đức-Sao Mai không trúng thầu với lý do hồ sơ dự thầu của nhà thầu này “không hợp lệ” vì liên danh số 01/2016/TTLD.AĐ-SM ngày 14/9/2016 giữa Cty Anh Đức với Công ty cổ phần giải pháp thiết bị Sao Mai không hợp lệ.
HĐXX đã chỉ rõ trong văn bản thỏa thuận liên danh giữa hai công ty thì Cty Anh Đức chịu trách nhiệm thay mặt liên danh thương thảo hợp đồng, bàn giao thanh lý hợp đồng, thanh quyết toán với chủ đầu tư trong trường hợp trúng thầu. Điều này không đúng với quy định tại Điều 65 Luật Đấu thầu năm 2014 (tất cả các thành viên tham gia liên danh đấu thầu phải cùng có mặt, trực tiếp ký hợp đồng với Chủ đầu tư trong trường hợp trúng thầu, không được phép ủy quyền cho thành viên kí kết hợp đồng).
Đây là quy định bắt buộc trong Luật đấu thầu buộc nhà thầu liên danh phải thực hiện. Viện dẫn Luật đấu thầu và Nghị định 63 cho thấy không có điều khoản nào quy định chủ đầu tư phải có nghĩa vụ hướng dẫn lập hồ sơ dự thầu cho các đơn vị tham gia đấu thầu và không có nghĩa vụ yêu cầu bên dự thầu làm rõ hồ sơ dự thầu. Khi có nội dung cần thay đổi hồ sơ dự thầu, nhà thầu phải có văn bản đề nghị bên mời thầu. Bên mời thầu chỉ chấp nhận sửa đổi, bổ sung hồ sơ mời thầu nếu nhận được văn bản đề nghị trước khi đóng thầu.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng, một gói thầu khi chủ đầu tư xét duyệt mời thầu thì các nhà thầu phải có đủ các điều kiện gồm: Có hồ sơ dự thầu hợp lệ, có năng lực kinh nghiệm, có kỹ thuật đáp ứng yêu cầu. Liên danh nhà thầu khi xét duyệt thì hồ sơ dự thầu đã không hợp lệ, do đó bị loại. Việc bên mời thầu không xem xét các yếu tố tiếp theo là đúng trình tự xét duyệt quy định tại Luật đấu thầu.
Do đó, việc Sở GD&ĐT Nghệ An ban hành các thông báo và quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu là đúng thủ tục. Do vậy nội dung khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu hủy kết quả đấu thầu là không có căn cứ chấp nhận. HĐXX cũng bác yêu cầu bồi thường thiệt hại tiền chuẩn bị hồ sơ dự thầu 240 triệu của nguyên đơn do không có căn cứ.
Ngoài ra, nội dung yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc dừng kí kết, thực hiện hợp đồng thực hiện gói thầu 01 giữa Sở GD&ĐT Nghệ An và đơn vị trúng thầu cũng không được xem xét. Kết thúc phiên tòa, HĐXX yêu cầu nguyên đơn là liên danh hai công công ty nộp hơn 12 triệu đồng tiền án phí. Đại diện nguyên đơn khởi kiện cho biết không đồng ý với kết quả phiên xét xử và đang tiếp tục thực hiện các bước cần thiết để kháng cáo lên cấp cao hơn.