Từ năm 2002, Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khoẻ phụ nữ đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Gia Lâm, HN được Sở Y tế Hà Nội triển khai với sự tài trợ của Quỹ Ford - Mỹ nhằm sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ nạn nhân bạo hành giới.
Tại đây, cán cán bộ của Trung tâm đã chứng kiến rất nhiều những hoàn cảnh, câu chuyện thương tâm của những người phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực. Để rồi khi bệnh nhân đã bình phục, xuất viện, vẫn để lại cho họ những trăn trở, nghĩ suy về một “phận nữ giới” trong bối cảnh xã hội vẫn còn không ít tư tưởng định kiến và bất bình đẳng giới. Để hiểu rõ phần nào câu chuyện, Báo PLVN đã có cuộc chuyện trò với Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm.
|
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết |
Có hai người phụ nữ tôi luôn ám ảnh
Từ khi hình thành Trung tâm đến nay, ông và các cán bộ của Trung tâm đã chứng kiến rất nhiều những câu chuyện, những hoàn cảnh thương tâm mà trong đó người phụ nữ luôn luôn là nạn nhân của hành vi bạo lực giới. Hẳn rằng đã có những câu chuyện, hoàn cảnh để lại cho ông nhiều ấn tượng, trăn trở nhất?
Từ năm 2002 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận và chữa trị, tư vấn cho hơn 20.000 người là nạn nhân của bạo lực giới, bạo lực gia đình, trong đó tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái chiếm số đông. Tất cả các ca bạo lực giới, bạo lực gia đình, ca nào cũng đặc biệt và đáng nhớ cả, vì chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi nỗi đau của những người phụ nữ bị hành hạ. Nhưng với riêng tôi, có 2 nạn nhân mà tôi không bao giờ quên vì hoàn cảnh, cũng như câu chuyện thương tâm của họ.
Nạn nhân thứ nhất là một chị vốn là cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Chị người Hưng Yên và khi đến với Trung tâm trông chị thật tiều tụy, hoảng loạn với bao dấu vết của đòn roi trên cơ thể. Khi đã chữa trị tạm ổn, chị khóc nức tâm sự với tôi rằng suốt những năm tháng bom đạn chiến tranh chị không hề sợ hãi. Nhưng không hiểu sao chị lại sợ tiếng gầm gừ, chửi rủa và nắm đấm của người chồng đến thế. Anh ta rất vũ phu và gia trưởng. Bất cứ việc gì không vừa lòng, anh ta cũng lôi chị ra làm bị bông để dợt đòn. Chịu đựng mãi chị đâm khủng hoảng như điên dại, lúc đó anh ta mới cho phép đưa chị đi viện.
Nạn nhân thứ hai là một cô giáo ở Thái Nguyên. Năm 2010, khi nạn nhân đến Trung tâm thì mới 49 tuổi nhưng đã có trên dưới 20 năm chịu đòn thù của chồng. Thấy nạn nhân bị đánh nhiều quá, chính quyền và trường học nơi nạn nhân dạy học đã từng đến tận nhà để khuyên bảo người chồng. Nhưng có lẽ do cách can thiệp không đúng cách và không triệt để, nên như đổ đầu vào lửa làm nạn nhân lại càng bị đánh nhiều hơn. Và đỉnh điểm của những trận đòn thù đó là anh chồng đã lấy dao lam rạch chằng chịt trên mặt vợ “để cho mày xấu hổ không đi dạy được nữa” theo lời anh ta.
Khi nạn nhân đến với Trung tâm là... nam giới
Được biết, ngoài công việc chuyên môn là chữa trị vết thương thể xác, các cán bộ, bác sĩ ở Trung tâm cũng kiêm luôn cả việc tư vấn cho các nạn nhân nhằm giúp họ ổn định về tâm lý cũng như biết cách phòng tránh bạo lực, tự bảo vệ mình khi trở về gia đình, địa phương. Ông có thế nói rõ hơn về khía cạnh công việc này?
Tại Trung tâm tư vấn và chăm sóc sức khỏe phụ nữ, chúng tôi luôn xem trọng việc tư vấn, hướng dẫn cho nạn nhân để sau khi họ xuất viện về nhà sẽ có cuộc sống tốt hơn, biết tự bảo vệ mình, tránh việc phải quay lại đây lần nữa. Nhiều người phụ nữ tâm sự rằng khi thấy chồng giơ nắm đấm lên, ngay lập tức tâm lý họ quýnh quáng, chân nhũn như chi chi, chỉ biết đứng yên chịu đòn.
Thế nên, chúng tôi đã hướng dẫn cho nạn nhân cả cách nhận biết khi nào sắp bị đánh và chạy trốn như thế nào để tránh bị đánh vào những chỗ hiểm. Theo điều tra của tôi, khi bị đánh, cũng có nhiều phụ nữ (chiếm 28% số nạn nhân) muốn phản kháng thậm chí là đánh lại theo kiểu “con giun xéo mãi cũng quằn”, nhưng lúc bị đánh rồi thì mọi ý thức phản kháng lại bay biến đi đâu hết, chỉ biết giơ mặt hứng đòn. Chúng tôi không xui phụ nữ đánh lại chồng,nhưng đã là con người thì ai cũng có quyền phản kháng và tự bảo vệ mình khi vô cớ bị hành hung, xúc phạm.
Đừng nghĩ rằng nạn nhân của bạo lực giới đến với Trung tâm chỉ toàn là nữ nhé. Cũng có cả nam giới đấy. Thậm chí có tháng cao điểm tận 10 ca. Nạn nhân nam giới chủ yếu bị bạo lực vì các lý do không đáp ứng được nhu cầu tài chính, tình dục cho “đối tác” và hình thức bạo lực cũng ở phương diện tâm lý (chửi bới, chì chiết, xúc phạm) là chính. Nhưng cũng cá biệt có những nạn nhân do không đáp ứng được nhu cầu tình dục mà bị bạn gái, vợ đánh vào chỗ kín gây thương tích. Đối với những nạn nhân đó, chúng tôi cũng phải tư vấn cách tự phòng tránh, bảo vệ.
Đã là lá chắn bảo vệ nạn nhân thì không sợ nắm đấm
Với công việc đặc thù của mình có bao giờ ông bị đe dọa không và ông có “hiến kế” gì cho cơ quan chức năng để ngăn chặn bạo lực giới?
Tôi và các cán bộ ở Trung tâm đã từng bị đe đọa không ít lần, nhưng tôi nhớ nhất là lần bị lời đe dọa từ một... nam nhà báo, cách đây đã lâu rồi. Gia đình anh này có thuê một cô bé giúp việc 15 tuổi và cô bé này đã bị chính ông chủ nhà lạm dụng tình dục. Hàng xóm biết chuyện đã đưa nạn nhân đến Trung tâm chữa trị và anh ta đã gọi điện cho tôi với lời đe dọa là “ông đừng can thiệp tới chuyện nhà tôi, nếu không tôi sẽ cho ông ra bã”.
Nhưng tôi cũng rất bình tĩnh trả lời rằng “nếu anh còn tiếp tục đe dọa kiểu này tôi sẽ báo công an và kiện anh ra tòa”. Có lẽ anh ta sợ nên không thấy gì nữa. Làm nghề này chúng tôi đã xác định mình là tấm lá chắn bảo vệ nạn nhân, nên bảo nhau phải dũng cảm, không sợ bất cứ một lời đe dọa, nắm đấm nào (cười).
Như tôi đã nói đấy, thủ phạm của bạo lực giới có thể bất kỳ là ai, kể cả giới trí thức nên nguyên nhân lớn nhất chính là tư tưởng định kiến giới, bất bình đẳng giới vẫn còn quá ăn sâu và hiện hữu trong xã hội ta. Nếu nước ngoài, nạn nhân có thể báo công an, thì ở ta sự can thiệp, ảnh hưởng của cộng đồng làng xóm, người thân mới là quan trọng.
Chính vậy nên việc cải thiện nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới là rất cần thiết. Để làm tốt việc này, Nhà nước nên sớm có chính sách đưa giáo dục về PCBLGĐ, bạo lực giới vào giáo trình các cấp học. Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị triển khai dự án đưa chương trình giảng dạy về PCBLGĐ vào các trường trung học và cao đẳng y tế và tôi đang tham gia dự án này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Hồng Minh