Bác sĩ đảo Phan Vinh - 'khắc tinh' của những ca bệnh khó' ở Trường Sa

(PLO) - Chăm sóc, bảo đảm tốt sức khỏe cho quân, dân trên đảo, tích cực khám, chữa bệnh cho ngư dân, không khuất phục trước bất cứ ca bệnh nào - đó là Đại úy, bác sỹ, Thạc sỹ Trần Quang Dũng - Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa. 
Đại úy, bác sĩ Trần Quang Dũng khám bệnh cho người dân

Tốt nghiệp Học viện Quân y năm 2007, Trần Quang Dũng được điều động về Bệnh viện 7 thuộc Quân khu 3 công tác. Năm 2016, anh tình nguyện thay phiên ra Trường Sa và được cấp trên bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Quân y, Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh.

Hàng ngày bên cạnh việc trực chuyên môn 24/24 giờ, Đại úy Dũng chủ động cắt cử người đi kiểm tra công tác vệ sinh phòng dịch bệnh của các đơn vị và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà bếp.

Hàng tháng, hàng quý hay sau khi thay quân hoặc có tàu từ đất liền ra đảo, bác sỹ Dũng chủ động thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh. Do vậy, những năm qua, đảo Phan Vinh không xảy ra dịch bệnh, quân số khỏe luôn vượt chỉ tiêu.

Mỗi khi nhận thông báo có bệnh nhân, bác sỹ Dũng luôn khẩn trương khám, chẩn đoán chính xác và đưa ra quyết định điều trị hiệu quả, an toàn, khoa học nhất. Năm 2016 và đầu năm 2017, bác sỹ Dũng đã khám, điều trị cho 35 ca bệnh là ngư dân, trong đó có những ca khó, phức tạp.

Ngư dân Phạm Vinh Trọn (SN 1998, quê ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đi tàu cá BĐ 96458TS bị viêm phúc mạc ruột thừa giờ thứ 40 ngày 7/7/2016 được đưa đến đảo Phan Vinh. Sau khi khám, bác sỹ Dũng đã quyết định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp, khi mổ ra thì ruột thừa đã bị vỡ, dịch mủ tràn trong ổ bụng... Sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất bệnh xá.

Ngư dân Trần Xuân Mừng (SN 1955, quê ở xã Cẩm Nhường, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đi trên tàu cá BĐ 97810 TS bị vết thương phạm khớp khuỷu, đứt cơ mỏm khuỷu tay trái do máy xay đá chém vào, gây nhiễm trùng. Đến đảo, bác sĩ Dũng đã được phẫu thuật khâu nối cơ, vết thương, điều trị tích cực. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân được xuất bệnh xá và tiếp tục đi khai thác thủy, hải sản.

Bệnh nhân Mừng xúc động nói: “Cảm ơn bác sỹ, cảm ơn Bệnh xá đảo Phan Vinh. Nếu không có các bác sỹ thì chúng em không biết làm thế nào nơi hải đảo xa xôi...”.

Bác sỹ Dũng tâm sự: “Ở nơi đảo xa, cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu. Đó cũng là mệnh lệnh của trái tim người thầy thuốc”. Chỉ với sự tận tụy với nghề, trái tim nhân hậu, sự cảm thông sâu sắc mới giúp người thầy thuốc hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả đó. 

Đọc thêm