Bác sĩ phá bỏ hủ tục “vượt cạn” giữa rừng

(PLVN) - Hơn hai thập niên gắn bó nơi rừng sâu núi thẳm, bác sỹ Trịnh Đức Thiện - Trưởng Trạm Y tế xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) không chỉ khám, chữa bệnh cho bà con, mà còn tuyên truyền vận động người dân đẩy lùi những hủ tục và là điểm tựa “tiếp sức” cho  học sinh nghèo ở rẻo cao viết lên giấc mơ dung dị giữa đời thường.
Để phục vụ việc chữa bệnh cho bà con dân bản, bác sỹ Thiện còn trồng rất nhiều cây thuốc nam trong khuôn viên trạm xá
Để phục vụ việc chữa bệnh cho bà con dân bản, bác sỹ Thiện còn trồng rất nhiều cây thuốc nam trong khuôn viên trạm xá

Vượt suối băng rừng vận động bà con đến trạm y tế

Nhớ lại những ngày đầu mới đặt chân đến A Vao, đó là vào cuối năm 1998, sau khi vừa tốt nghiệp Trung cấp Y tế Huế, y sỹ trẻ Trịnh Đức Thiện một mình khăn gói từ quê nhà ở xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) lên nhận công tác tại Trạm Y tế xã A Vao. 

Mặc dù không xa lạ lắm với cuộc sống chốn núi rừng, nhưng khi đến địa phận xã A Vao, chàng y sỹ trẻ mới ngộ rằng nơi này không có đường đi cho xe máy, đành cuốc bộ gần cả chục cây số, băng qua những đèo dốc uốn lượn dưới những trảng rừng thâm u, hoang vắng đến rợn người mới vào được trung tâm bản. Cái đói, cái nghèo cứ vây ráp nơi này. Đã vậy, bà con ở đây còn bị trói buộc bởi bao hủ tục lạc hậu đè nặng, ăn sâu vào tiềm thức nên khiến cuộc sống luôn chìm mãi trong tối tăm, không lối thoát.

Ngày đó, với người đồng bào Pa Kô, việc đến trạm xá và dùng các phương tiện khám, chữa bệnh, thuốc men để điều trị là trái tập tục của bà con. Lâu nay bà con chỉ tìm thầy mo, thầy cúng làm phép, thổi, đuổi bệnh khi ốm đau, bởi theo quan niệm của họ bệnh tật là do giàng bắt, ma bắt. Vì thế mà trạm xá luôn vắng bệnh nhân.

“Để tiếp xúc được với bà con trong bản, tìm cơ hội giải thích, thuyết phục, động viên bà con mỗi khi ốm đau phải đến trạm y tế để được thăm khám, tôi phải lặn lội vượt suối băng rừng, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động. Điểm đến đầu tiên là các già làng, trưởng bản, bởi hơn ai hết những người này tiếng nói luôn có trọng lượng với dân bản. Nói một lần chưa được thì trở lại nhiều lần, mỗi lần là một câu chuyện thực tế về các ca bệnh để minh chứng”, bác sỹ Thiện nhớ lại.

Sau một thời gian, bằng sự nhiệt thành của người thầy thuốc, bà con trong bản mới rủ nhau đến trạm y tế xã để chữa bệnh. Tuy nhiên, hủ tục mời thầy cúng về nhà đuổi con ma rừng trong người bệnh nhân trước khi đến trạm y tế vẫn được bà con duy trì. Cũng vì vậy mà người bệnh khi đến khám và điều trị tại trạm xá thì bệnh tình đã nặng thêm.

Để ngăn chặn tình trạng này, bác sỹ Thiện nảy ra ý tưởng dựng một căn chòi trong khuôn viên trạm. Làm vậy cốt để đưa bà con về được trạm mà khám rồi chữa bệnh bằng những phương thuốc hiện đại, căn chòi là nơi cho bà con cúng bái để yên tâm hơn. Cũng bởi sáng kiến này mà nhiều người gọi ông là bác sỹ “mê tín”.

Mưa dầm thấm lâu, bác sỹ Thiện đã giúp bà con Pa Kô xóa bỏ dần các tập tục chữa bệnh lạc hậu tồn tại trong đời sống, làm cho mọi người hiểu rõ hơn hiệu quả của phương pháp chữa bệnh tiên tiến. Từ đây, con đường dẫn đến trạm xá xã đã quen dần với bà con trong các thôn bản.

Cũng theo bác sỹ Thiện, ám ảnh lớn nhất đối với nghề lương y ở vùng cao còn là hủ tục “vượt cạn” giữa rừng. Theo quan niệm của người Pa Kô, phụ nữ sinh con trong nhà là điều rất cấm kỵ vì sẽ đem đến những điều xui xẻo, dẫn tà ma đến ám người thân trong gia đình. 

Bởi vậy, khi bắt đầu chuyển dạ, người thân sẽ dựng căn chòi bằng tranh lá, chung quanh quây tấm bạt ở cạnh suối hay góc đồi nơi bìa rừng để họ tự “vượt cạn” một mình mà không có sự hỗ trợ nào từ y, bác sỹ hay người thân trong nhà. Quy định khắc nghiệt của “luật tục” ngàn đời này đã khiều rất nhiều trường hợp cả mẹ lẫn con chết oan.

Quyết tâm phá bỏ hủ tục này, hằng ngày, bác sỹ Thiện lại tiếp tục ngược xuôi khắp nơi để vận động đưa chị em phụ nữ về trạm y tế sinh đẻ để được chăm sóc cẩn thận. Có những thôn bản xa trung tâm xã đến 20 cây số, nhưng ông vẫn không quản ngại đến tận nhà các hộ dân để tuyên truyền, vận động. 

Một tháng, hai tháng rồi nhiều năm trôi qua, ông cùng đồng nghiệp đỡ đẻ không biết bao nhiêu ca sinh, rồi tận tình chăm sóc sức khỏe cho tới khi cả mẹ và con đều khỏe mạnh mới cho về. Đến nay, hủ tục “đẻ chòi” được giải quyết dứt điểm, đã “cởi trói” nỗi thống khổ đeo đẳng người phụ nữ ở rẻo cao bao đời. Mỗi khi ốm đau, sinh nở bà con đều đến trạm y tế xã, không những thế người dân còn biết ăn, ở vệ sinh sạch sẽ, biết tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Những khi rảnh, vợ chồng bác sỹ Thiện lại hướng dẫn các cháu học sinh học bài rồi làm bài tập
Những khi rảnh, vợ chồng bác sỹ Thiện lại hướng dẫn các cháu học sinh học bài rồi làm bài tập

Tiếp sức học trò nghèo đến lớp

Thấu hiểu nỗi thống khổ của bà con và thương những đứa trẻ nghèo với hành trình đến trường đầy gian nan khi ở xa trung tâm xã, hơn 5 năm qua, bác sỹ Thiện cùng người bạn đời của mình quyết định đưa hàng chục học sinh về nhà lưu trú, lo từ miếng ăn đến giấc ngủ để các cháu có điều kiện đến lớp học, rồi mỗi khi rảnh lại hướng dẫn bọn trẻ học bài, làm bài tập. Không gian sinh hoạt trong nhà tuy bị bó hẹp đi nhưng hai vợ chồng đều vui và luôn động viên nhau cố gắng. 

Cũng bởi tấm lòng nhân ái, rộng mở của vợ chồng bác sỹ Thiện mà rất nhiều học trò tốt nghiệp THCS, lên THPT nhưng vẫn không muốn rời đi, một mực xin ở lại nhà mặc dù trường cấp 3 cũng có phòng nội trú. Trong nhà ông lúc nào cũng có trên dưới 20 học sinh ăn ở để theo học. 

Bà con ở đây cho hay, ngoài việc nuôi học trò ăn ở miễn phí, mỗi mùa tựu trường đến, vợ chồng bác sỹ Thiện lại đèo nhau trên chiếc xe máy đi khắp nơi xin quần áo cũ, sách cũ để mang về cho các cháu, rồi bỏ tiền ra mua sắm dụng cụ học tập, cặp sách… những đồ dùng còn thiếu cho từng cháu. Chính nhờ bác sỹ Thiện mà nhiều học sinh nghèo trong bản không bị bỏ học giữa chừng, để các cháu được viết tiếp giấc mơ trên con đường học vấn. 

Hơn 20 năm qua, nhiều người đến rồi rời đi, ông Thiện vẫn một lòng gắn bó với vùng đất A Vao bằng cái tâm và tấm lòng nhân hậu. Rồi lặng thầm làm trọn vai trò, nghĩa vụ của một lương y đã luôn được bà con đồng bào nơi đây gửi gắm niềm tin. 

Đọc thêm