Bác xe ôm 20 năm dành tiền mua ô tô cứu thương miễn phí

Chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm, nhiều nạn nhân tử vong vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời, với mong muốn mang lại “đường sống” cho những nạn nhân không may mắn, anh xe ôm Lưu Tiến Dũng (47 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã dùng toàn bộ số tiền chắt góp mua ô tô đưa nạn nhân đi cấp cứu hoàn toàn miễn phí.

Chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm, nhiều nạn nhân tử vong vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời, với mong muốn mang lại “đường sống” cho những nạn nhân không may mắn, anh xe ôm Lưu Tiến Dũng (47 tuổi, ngụ xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã dùng toàn bộ số tiền chắt góp mua ô tô đưa nạn nhân đi cấp cứu hoàn toàn miễn phí.

Suốt 20 năm hành nghề xe ôm, anh Dũng chắt chiu từng đồng mua xe cứu thương để đưa người bị tai nạn đi cấp cứu
Suốt 20 năm hành nghề xe ôm, anh Dũng chắt chiu từng đồng mua xe cứu thương để đưa người bị tai nạn đi cấp cứu

Bỏ tiền túi mua xe cứu thương miễn phí

Về xã Phước Tân hỏi: “Dũng xe ôm thiện nguyện” không ai không biết, chỉ cần tạt vào bất kì quán sửa xe ven Quốc lộ 51 đoạn từ TP Biên Hòa đến huyện Long Thành (Đồng Nai) đã có thể xin được số điện thoại của anh Dũng. Anh Nguyễn Đức Trung, một lái xe ôm trên đoạn đường trên, cho biết: “Dũng thiện nguyện” ra tay làm việc nghĩa được nhiều người mến phục, chuyền tay nhau số điện thoại của anh Dũng để mỗi khi có ai đó gặp nạn sẽ kịp thời gọi anh đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Ngôi nhà của “Dũng thiện nguyện” lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ. Anh Dũng chia sẻ duyên nợ công việc mình đang làm: “Tôi thường xuyên chạy xe ôm trên quốc lộ 51, không ít lần chứng kiến cảnh người bị nạn đau đớn cầu cứu. Nhiều trường hợp do không được đưa đi bệnh viện kịp thời đã tử vong. Đó cũng chính là lý do thôi thúc tôi sắm chiếc xe này”.

Đồng nghiệp cho biết thêm, anh Dũng chạy xe ôm hơn 20 năm nay và là người tham gia cứu hộ hàng chục vụ tai nạn, góp phần giữ lại mạng sống cho hàng chục người.

Người đàn ông mê làm việc thiện trải lòng, bản thân xuất thân từ gia đình nghèo khó nên từ nhỏ đã lăn lộn vào đời, hành nghề xe ôm mưu sinh. Nhiều lần đang chở khách, nghe nói có người gặp nạn Dũng tức tốc đến hiện trường tham gia cứu hộ. Tuy nhiên, việc đưa nạn nhân bị tai nạn đi cấp cứu không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Người biết anh làm việc thiện thì tỏ lòng mến trọng, người không biết thì cho rằng anh đưa nạn nhân đi cấp cứu để “kiếm chác”, "hôi của". Anh Dũng tâm sự, ý tưởng mua xe cứu thương phục vụ miễn phí đã nung nấu trong anh từ rất lâu.

Dám nghĩ dám làm, suốt những năm chạy xe ôm, anh tằn tiện chi tiêu. Kiên trì tiết kiệm, đến năm 2010 anh có trong tay 85 triệu đồng. Thay vì dùng số tiền để trang trải cuộc sống hay đơn giản cất lại chỗ ở đàng hoàng thì anh lại rảo chân khắp tìm mua chiếc xe cứu thương cũ hiện thực hoá giấc mơ.

Cũng trong năm 2010, tài xế xe ôm Lưu Tiến Dũng đã mua được chiếc xe cứu thương cũ, bắt đầu cuộc hành trình cứu nạn giao thông từ thiện. Mỗi lần nhận được tin báo có tai nạn giao thông xảy ra, anh đều nhanh chân đánh xe tới hiện trường đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nếu nạn nhân bị thương nhẹ, anh sẽ đưa vào những trung tâm y tế gần nhất, riêng những nạn nhân bị thương nặng, anh sẽ đích thân chở lên các bệnh viên tuyến trên.

Điều khiến nhiều người băn khoăn đó là “Dũng xe ôm” lấy tiền đâu để trang trải chi xăng xe khi anh không nhận tiền của bất cứ nạn nhân nào: “Vì mình cứu nạn thiện nguyện nên mọi chi phí mình đều tự lo. Có lần trong túi hết tiền nhưng nhận được tin báo có nạn nhân cần được đưa đi Sài Gòn để cấp cứu mình đành chạy sang hàng xóm vay mượn tạm mấy trăm ngàn đủ đổ xăng”.

Những bằng khen, giấy khen tuyên dương hành động thiện nguyện của anh Dũng và thành viên trong đội
Những bằng khen, giấy khen tuyên dương hành động thiện nguyện của anh Dũng và thành viên trong đội.

Kết nối những tấm lòng thiện nguyện

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, việc làm của “Dũng xe ôm” đã được nhiều người biết đến và hết lòng ngưỡng mộ. Họ chung tay ủng hộ và lập nên nguồn quỹ hỗ trợ chi phí xăng xe. Để công tác cứu hộ được nhân rộng, mang tính chuyên nghiệp, từ tháng 08/2012, anh Lưu Tiến Dũng liên hệ với Hội Chữ thập đỏ xã Phước Tân và xin được thành lập đội cứu hộ giao thông.

Hiểu được những việc làm thiết thực của anh, Hội Chữ thập đỏ xã ký quyết định thành lập đội cứu hộ tai nạn giao thông với tên gọi: “Đội xung kích cấp cứu từ thiện” gồm 19 thành viên, trong đó anh Dũng là đội trưởng. Từ  khi ra đời đến nay, Đội xung kích cấp cứu từ thiện đã tham gia cứu hộ gần 50 vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP Biên Hòa và huyện Long Thành (Đồng Nai), góp phần giữ lại sự sống cho hàng chục nạn nhân.

Đội xung kích cấp cứu từ thiện hoạt động trên tinh thần tương thân tương ái, phi lợi nhuận. Thành viên của đội đều là những người lái xe ôm, tài xế xe tải, thợ cắt tóc. Họ chung sức, tự nguyện gom góp tiền bạc để cứu giúp nạn nhân tai nạn giao thông. Theo đó các thành viên sẽ được cắt cử túc trực tại các “điểm đen” tai nạn giao thông. Khi nhận tin báo xảy ra vụ tai nạn nào, các thành viên phải có trách nhiệm cấp báo về trung tâm để điều người và xe tới hiện trường làm công tác cứu hộ.

Ông Trần Sáu (54 tuổi) làm nghề chở nước đá cho biết: “Bình thường thì mỗi người mỗi việc mưu sinh nhưng khi có tai nạn xảy ra là chúng tôi có mặt tại hiện trường tức thì. Đến hiện trường, mỗi người được phân công mỗi việc, người gọi điện cho cơ quan chức năng, người tiến hành phân luồng giao thông, người bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản cho người bị nạn, người lại tìm cách liên hệ thân nhân nạn nhân”.

Chu đáo hơn, anh Dũng còn tìm cách liên hệ với các trung tâm y tế đưa các thành viên đi đào tạo kỹ năng sơ cứu nạn nhân, anh tự tin nói: “Bây giờ các thành viên trong đội đều có kiến thức cơ bản về sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông. Nhờ vậy, suốt thời gian qua công tác cứu hộ chưa từng xảy ra sai lầm đáng tiếc nào”.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều người từ khắp nơi đổ về tìm gặp anh Dũng xin gia nhập đội. Các trung tâm y tế, hội chữ thập đỏ địa phương cũng hỗ trợ cho đội cứu hộ miến phí nhiều trang thiết bị y tế. Anh Nguyễn Văn Vui (21 tuổi), thành viên ít tuổi nhất của đội cho biết: “Em làm nghề cắt tóc và cũng muốn góp chút ít sức lực, tinh thần với anh Dũng nên đã xin gia nhập đội”. Trực tiếp hoặc gián tiếp mang lại “đường sinh” cho nhiều người nhưng đội cứu thương miễn phí chưa bao giờ nghĩ tới chuyện được trả ơn.

Anh Dũng bộc bạch: “Các thành viên trong nhóm đều có cuộc sống riêng. Tất nhiên có người khá giả, người nghèo khó nhưng tất cả đều chung tay hành việc nghĩa. Chúng tôi thành lập đội với ước mong sẽ giảm được những rủi ro, mang lại cơ hội sống cho người lâm nạn. Kinh phí hoạt động đều là do thành viên tuỳ tâm đóng góp”.

Chia sẻ dự định trong tương lai, anh Lưu Tiến Dũng cho hay sắp tới sẽ hướng đến hoạt động chuyên nghiệp hơn, mở rộng thêm địa bàn để có thể cứu được nhiều người hơn nữa.

Minh Hậu

Đọc thêm