Phải nói ngay rằng câu hỏi này rất khó giải đáp và không có câu trả lời nào là chính xác tuyệt đối cả, vì nếu có thì cuộc đời của nhiều người đã khác. Nhưng hy vọng rằng, cách lý giải dưới đây cũng phần nào thể hiện được quan điểm của tác giả và nhận được sự đồng cảm của bạn đọc.
Do gia đình?
“Thưa Mẹ! Con của mẹ ngày mai là phải ra pháp trường rồi. Con cũng không biết tại sao mình lại đi đến bước đường cùng như thế này, hiện tại con chỉ thấy mọi ký ức như đang trở về và hiển hiện trước mắt con… Khi con được 3 tuổi, con chạy rất nhanh, vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã chạy đến và đỡ con đứng dậy. Mẹ vừa dỗ dành con không khóc vừa mắng hòn đá: “Sao mày lại làm con tao khóc, để mẹ đánh cho hòn đá một trận“.
Con đang cố chịu đau để cầm nước mắt, nhưng nghe xong câu nói của mẹ, con đã khóc trong lòng mẹ rất lâu mới chịu nín. Mẹ đã cho con biết rằng, lý do con ngã là do hòn đá, nhưng con lại không hiểu rằng, mẹ chỉ muốn dỗ dành cho con không khóc nữa….
Khi con được 13 tuổi, con đá bóng, do sơ ý đã làm vỡ của kính của nhà hàng xóm, mẹ đã dùng tiền để bồi thường và dắt con đi xin lỗi họ. Mẹ đã cho con biết rằng, khi gây ra chuyện chỉ cần nói “xin lỗi” là xong, nhưng con đã không biết, mẹ đang oán trách nhà hàng xóm đã đòi mình bồi thường quá nhiều tiền…
Năm con 24 tuổi, sau khi con tốt nghiệp đại học, mẹ đã dùng tiền để con được vào làm tại đơn vị hành chính sự nghiệp. Mẹ đã cho con thấy, 4 năm đại học chơi bời, khi ra trường vẫn có thể có được một công việc ổn định. Nhưng con đã không biết rằng, vì con mà mẹ đã phải đi cầu cạnh biết bao người…
Năm con 32 tuổi, do con đánh bạc thua, và nợ rất nhiều tiền, mẹ đã rất tức giận đến mức sinh bệnh, nhưng cuối cùng thì mẹ cũng trả hết nợ cho con. Mẹ đã cho con thấy, cho dù con có gây ra tội tình gì đi nữa, thì mẹ cũng đều giúp con gánh vác trách nhiệm. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã vì con mà tiêu hết đi khoản tiền mẹ dành dụm cho tuổi già của mình.
Năm con 35 tuổi, khi con biết mẹ đã không còn đồng nào trong người, con đã đi cướp của giết người. Khi con nghe thấy họ tuyên án tử hình, mẹ đã khóc và trách ông trời không công bằng, vất vả cả đời vì con, vậy mà cuối cùng lại ra nông nỗi này.
Cuối cùng con đã biết, mẹ đã vì yêu con mà hết lần này đến lần khác cướp đoạt đi cơ hội trưởng thành của con, hết lần này đến lần khác bóp chết đi năng lực sinh tồn của con, lấy đi trách nhiệm đối với cuộc đời của chính con. Hóa ra cho đến lúc cận kề cái chết, con vẫn chưa trưởng thành…”.
“Thưa Mẹ! Con của mẹ ngày mai sẽ khởi công xây dựng một công xưởng mới. Để con có được thành công như ngày hôm nay, đều là do công dạy dỗ của mẹ. Bỗng nhiên mọi ký ức như đang trở về hiển hiện trước mắt con… Khi con được 3 tuổi, con chạy rất nhanh, vấp phải hòn đá và té ngã.
Mẹ đã để con tự đứng dậy và nói: “Lần sau cần phải cẩn thận hơn“. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình… Khi con được 13 tuổi, con đá bóng, do sơ ý đã làm vỡ của kính của nhà hàng xóm. Mẹ đã đưa con đến cửa hàng để mua kính, sơn và đinh, sau đó mẹ đã bảo con giúp mẹ cùng lắp lại cửa kính cho họ. Sau đó còn trừ tiền tiêu vặt của con vào tháng sau. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước những sai lầm của bản thân.
Năm con 24 tuổi, sau khi con tốt nghiệp đại học con đã muốn tự gây dựng sự nghiệp. Mẹ đã khuyên con không nên nóng vội, mà hãy bắt đầu làm những việc mà con yêu thích, khi có kinh nghiệm rồi hãy tính. Hai năm sau, con quyết định mở công ty, mẹ nói, nếu như con có thể chấp nhận một kết quả tồi tệ nhất, thì hãy mạnh dạn và đặt tâm vào mà làm. Mẹ đã cho con vay 300 triệu đồng và yêu cầu con 4 năm sau phải trả. Con đã vỗ ngực và nói, con không những trả tiền cho mẹ, mà còn tặng mẹ một căn hộ nữa. Mẹ đã dạy con biết có trách nhiệm với sự nghiệp của chính mình.
Năm con 32 tuổi, con đã đưa chìa khóa của một căn hộ mà con mua để tặng mẹ, khi tay mẹ cầm chìa khóa và lập tức quay lưng ra sau. Nhìn thấy đôi vai mẹ khẽ rung rung, con biết rằng mắt mẹ đang nhòa đi vì hạnh phúc. Mẹ đã dạy cho còn biết phải có trách nhiệm với lời hứa của mình.
Năm con 35 tuổi, công ty của con không ngừng mở rộng, và phải xây dựng nhà máy mới, những người thường trách cứ mẹ nhẫn tâm, nay đã không còn gì để nói. Con vẫn thường dạy cho con của con biết phải có trách nhiệm với bản thân mình, giống như mẹ đã từng dạy con khi xưa. Con hy vọng rằng chúng sẽ làm được những điều còn to lớn hơn nữa”.
Trên đây là hai bức thư của hai đứa con gửi hai bà mẹ. Cùng gửi mẹ nhưng số phận của mỗi đứa con một khác, một người là tử tù sáng mai sẽ lên đoạn đầu đài vì những tội lỗi mình gây ra, một người là nhà quản lý thành công với lễ khởi công công xưởng mới vào ngày mai đang chờ đợi.
Sự khác biệt giữa hai bức thư, hay nói rõ hơn là hai cuộc đời khiến nhiều người đọc hẳn phải suy ngẫm lại về cách giáo dục con cái, bởi “sai một ly, đi một dặm”, nếu cha mẹ giáo dục con cái không đúng cách, có thể khiến cuộc đời của con trôi xa và không cách nào quay đầu lại được nữa.
Hay nói cách khác, số phận của mỗi người là do chính cách giáo dục của gia đình tạo ra từ những điều nhỏ nhất, bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày, vì “gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”.
Do tự thân?
Thiên tài vật lý của nhân loại Albert Einstein (1879 – 1955) không hề có biểu hiện nổi trội thuở bé, thậm chí là chậm phát triển trí tuệ. Thầy hiệu trưởng trường Einstein theo học cũng quả quyết với cha ông rằng “thằng bé này mai sau lớn lên sẽ chẳng làm được gì đâu”. Nhưng cuối cùng ông đã trở thành một vĩ nhân. Edison, nhà phát minh nổi tiếng người Mỹ cũng không phải là người có thành tích nổi bật trong học tập.
Thời còn đi học, ông luôn đội sổ còn thầy giáo của ông thì nói rằng: “Học trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Chắc có lẽ thầy không ngờ được rằng “cậu học trò điên khùng” này lại sở hữu 1907 bằng phát minh – một kỷ lục trong giới khoa học và vang danh khắp thế giới trong tương lai. Tỉ phú Bill Gates từng nói: “Tôi rớt một vài môn cuối kì còn bạn tôi đậu hết. Hiện tại anh ấy là một kĩ sư của Microsoft còn tôi là chủ của Microsoft”.
Quyết định bỏ dở ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới – Đại học Harvard của ông cũng từng được nhiều người cho là điên rồ và không bình thường. Đơn giản là những người thân của ông cho rằng, Đại học Harvard là bệ phóng chắc chắn cho thành công của ông. Tuy nhiên, Bill Gates đã chứng minh điều ngược lại.
Cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush được cho là một nhà lãnh đạo tài ba, nhưng có lẽ ít người biết rằng bản thân cựu Tổng thống cũng từng có thành tích lẹt đẹt khi còn đi học tại Đại học Yale, mặc dù ông là người khá thông minh. Đơn giản là lúc đó, ông quan tâm tới đời thực nhiều hơn sách vở…
Ở Việt Nam, suy nghĩ bằng cấp vẫn còn đè nặng nên quan niệm nhất thiết phải có bằng cấp mới nên người ám ảnh nhiều người. Trong khi đó, trên thế giới còn có rất nhiều những người đạt được thành công không nhờ vào thành tích học tập dang dở của mình. Điều này cho thấy, khả năng sáng tạo của con người cũng là điều vô hạn và không bao giờ bị đóng khung bởi bất kỳ hệ thống giáo dục hay điểm số nào, cũng không phải do ai đó đặt ra một cách khuôn mẫu và cứng nhắc.
Hay nói cách khác, thực tế diễn ra hàng ngày khi một lớp học ra trường có học sinh làm nên chuyện lớn, nhưng cũng có người ra tù vào tội rồi chết rục ở một nơi nào đó, trong một nhóm bạn cùng quê có người vươn tới vị trí lãnh đạo công ty, tập đoàn, có kẻ lại cả đời theo sau đít trâu đã là lời minh chứng hùng hồn nhất.
Còn nhớ, nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Neil deGrasse đã có bài phát biểu nổi tiếng rằng: “Điểm số của bạn, hay còn gọi là GPA (điểm số học tập trung bình), sẽ dần trở nên lỗi thời và không bắt kịp với nhịp sống ngày một thay đổi của bạn. Hãy nhớ rằng cuộc đời không hỏi hay cần bạn phải trưng GPA ra để có được một công việc tốt hoặc nhận lương cao. GPA thực sự rất quan trọng khi bạn còn ngồi trên ghế giảng đường, và – chấm hết!”.
Tựu chung, GPA sẽ không bao giờ là nhân tố có thể định hình cuộc sống sau này của bạn sướng hay khổ. Tính cách của một con người, những kinh nghiệm, những mối quan hệ – và chắc chắn không bao giờ là điểm số, mới là những thứ sẽ có thể định hình cuộc sống của họ. Thành công đòi hỏi sự đam mê, sự kiên trì, trí tuệ cảm xúc và kĩ năng có thể hiểu cũng như biết quý trọng thất bại.
Đây cũng chính là lý do vì sao chúng ta thấy rất nhiều học sinh hoặc sinh viên trung bình, những người chỉ đạt loại C, những người ít ai đặt niềm tim vào nhất, lại đang điều khiển thế giới. Họ là những cá nhân hiểu rõ nhất sự đấu tranh là gì, và đôi khi phải trải qua nhiều cơn thăng trầm cũng như thử thách hơn người ngoài thấy…”.
Do số phận?
Cùng sinh một giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm nhưng người làm vua, kẻ bần hàn. Cùng là nạn nhân của tai nạn sóng thần nhưng có người bị cuốn phăng ra biển khơi lại có người lại được bức tường sóng nhẹ nhàng đẩy lại vào bờ và sống sót hy hữu. Vậy phải chăng mỗi người sinh ra trên trái đất này đều đã có một số phận an bài?
Kinh sách nhà Phật cho biết, cách nay hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đã giác ngộ một cách chân xác về sự tồn tại của mọi vật trong vũ trụ là do nguyên lý duyên khởi: “Nếu cái này hiện hữu, thì cái kia hiện hữu; nếu cái này không hiện hữu, thì cái kia không hiện hữu. Nếu cái này sinh khởi, thì cái kia sinh khởi”. Điều đó có nghĩa là cái gì tồn tại trên đời cũng có nguyên do của nó.
Đề cập đến vấn đề định mệnh con người do Đấng Tạo Hóa an bài sắp đặt như quan niệm của một số học thuyết, giáo phái, Đức Phật đặt câu hỏi, nếu bảo rằng con người là tạo vật hoàn hảo của Đấng Tối Cao thì tại sao lại có người câm điếc, kẻ mù lòa, người bị dị tật bẩm sinh, kẻ là quái thai còn trong bụng mẹ? Tại sao có người thông minh, kẻ đần độn; người chết yểu, kẻ sống lâu; người giàu sang, kẻ bần cùng?
Từ đó cho thấy Đấng Tạo Hóa chỉ là nhân vật giả định hay sản phẩm của trí tưởng tượng khi con người chưa tìm ra được lời giải đáp cho những thắc mắc về các hiện tượng trong đời sống, nguồn gốc của con người, nguyên nhân của vũ trụ.
Theo Đức Phật, những gì con người lầm tưởng là số mệnh đều là Nghiệp nhân và Nghiệp quả của mình tạo ra trong hiện tại và quá khứ. Suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm có chủ tâm, có ý muốn, ý định là Nghiệp nhân và kết quả của nó là Nghiệp quả.
Do Nghiệp nhân trong quá khứ mà con người phải sinh ra trong hoàn cảnh như thế nào, ở đâu, vào lúc nào; do Nghiệp quả trong quá khứ với Nghiệp nhân hiện tại tạo nên thân phận, đời sống con người, giàu sang, nghèo khó, hạnh phúc hoặc khổ đau…