Bãi biển Cửa Lò: Thấp thỏm trước mùa du lịch mới hậu sự cố môi trường biển miền Trung

(PLO) - “Dù không nằm trong “tâm điểm” chịu tác động của Formosa thải ra biển nhưng năm 2016 doanh thu của nhà hàng tôi giảm tới 80% so với năm trước. Nhiều khách du lịch tâm sự họ rất thèm hải sản nhưng đành… nhịn cho lành. Có khách còn cẩn thận mang theo máy đo nồng độ chì, kiểm tra thấy an toàn mới quyết định ăn hải sản. Còn lượng khách đi du lịch biển nhưng lại gọi món rừng, trứng rán thì nhiều vô kể...”, một chủ nhà hàng ở biển Cửa Lò (TX Cửa Lò, Nghệ An) tâm sự.
Ông Mạn hy vọng Cửa Lò “khởi sắc” trong hè 2017.
Ông Mạn hy vọng Cửa Lò “khởi sắc” trong hè 2017.

Nỗi buồn khách “né” hải sản

Vừa nhập về một lượng hải sản khá lớn như ghẹ, tôm tít, cá…chị Nguyễn Thị Ly Tâm (SN 1979), chủ một nhà hàng khá lớn nằm trong khu ẩm thực của biển Cửa Lò cho biết:

“Năm nay, dù chưa đến cao điểm mùa du lịch nhưng nhà hàng của tôi vẫn có một lượng khách nhất định. Hầu như các đoàn khách tìm về Cửa Lò thời điểm này đều “sẵn sàng” ăn hải sản chứ không e dè như mùa cao điểm du lịch năm 2016”.

Nhắc đến mùa du lịch “giảm thảm hại” của năm 2016, chị Tâm thở dài: “15 năm làm kinh doanh nhà hàng ở biển Cửa Lò, đó là năm thảm hại nhất của chúng tôi. Lượng khách giảm sút, cộng với việc khách du lịch đến biển chủ yếu tham quan, vãn cảnh chứ không ăn hải sản nên doanh thu của nhà hàng chỉ đạt 20% so với năm 2015”.

Bà chủ nhà hàng chia sẻ thêm, thời điểm đó dù biển Cửa Lò không nằm trong “tâm điểm” ảnh hưởng của sự cố môi trường biển do Formosa, đã được cơ quan chức năng công bố nhưng khách đến vẫn e ngại.

“Nhiều người tâm sự họ rất thèm hải sản, nhưng không dám ăn. Sau khi tắm biển họ chỉ gọi vài món nhẹ không liên quan đến hải sản để ăn cơm. Một số món mà các khách du lịch “khó tính” thường gọi vào năm ngoái là trứng rán và thịt chim, thịt lợn… Kinh doanh hải sản như chúng tôi mà khách đến chủ yếu để tắm, uống bia, không gọi món thì doanh thu không được bao nhiêu”, chị Tâm chia sẻ.

Kỷ niệm khiến chị và các nhân viên nhớ mãi là việc một đoàn khách du lịch cầm theo máy đo nồng độ chì. Nhà hàng đã đồng ý cho khách kiểm tra nồng độ chì trong các món hải sản, nếu an toàn mới ăn, còn không sẽ rời quán.

“Tận mắt chứng kiến những loại hải sản tươi, sống và thấy nồng độ an toàn cả đoàn vui vẻ gọi món. Vui hơn là sau đó, họ đã giới thiệu cho vài đoàn khác là bạn bè, đồng nghiệp đến nhà hàng nghỉ mát, thưởng thức hải sản”, chị Tâm chia sẻ.

Theo các chủ nhà hàng, mùa hè năm 2016, dù họ đã giải thích biển Nghệ An không nằm trong vùng ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nhưng nhiều khách vẫn nói “nhịn cho lành”. 

Vì tâm lý e ngại nên nhiều gia đình, đoàn thể xuống Cửa Lò chủ yếu để vãn cảnh, tắm mát hoặc chiều lòng con nhỏ. Có đoàn còn cẩn thận chuẩn bị những món ăn sẵn từ nhà đưa xuống biển, không dám gọi hải sản ăn.

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, vào năm 2016, Nghệ An không có hiện tượng cá chết nhưng cá chết dọc biển các tỉnh miền trung đã ảnh hưởng rất lớn đến du lịch tỉnh nhà. Nghệ An không phải là điểm đến mà là điểm dừng chân của khách du lịch.

Các đoàn tham quan đi trong Nam ra Bắc thường dừng chân ở Nghệ An để nghỉ ngơi một tối, thậm chí là một ngày để có dịp về thăm Khu di tích Kim Liên. Ví như khách du lịch đi từ Huế ra Hà Nội luôn chọn điểm dừng chân ở Nghệ An nghỉ ngơi rồi mới ra Hà Nội và ngược lại. 

Việc cá chết ở dọc bờ biển đã khiến cho du lịch ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Huế bị cắt tour đã khiến cho Nghệ An thất thu. Quan trọng nhất là hiện tượng cá chết ở các tỉnh khác khiến khách du lịch có tắm ở Cửa Lò nhưng không dám ăn hải sản. Đây chính là thiệt hại lớn nhất cho doanh thu du lịch, dịch vụ của Cửa Lò, cũng là mất cho doanh thu của ngành du lịch Nghệ An.

Cửa Lò chuẩn bị mùa du lịch mới
Cửa Lò chuẩn bị mùa du lịch mới

Hy vọng mới

Chuẩn bị mùa du lịch mới 2017, theo một số nhà hàng, dù chưa đến mùa cao điểm du lịch nhưng từ đầu năm 2017 Cửa Lò đã đón nhiều đoàn khách về nghỉ ngơi. 

“Năm nay, nhà hàng chúng tôi đã mở hàng từ dịp Tết nguyên đán. Do có khách quen, lại nằm ở vị trí đẹp, gần một số khách sạn lớn nên nhà hàng vẫn thu hút được khách du lịch. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh của nhà hàng diễn ra bình thường”, chị Hoàng Thị Thu Hằng (32 tuổi, chủ nhà hàng) cho biết.

Đại diện chủ nhà hàng này cho biết thêm, lượng khách về với Cửa Lò hiện nay chủ yếu là các đoàn đi lễ một số ngôi chùa, đền ở Nghệ An, Hà Tĩnh như đền ông Hoàng Mười, đền Củi... Sau khi đi lễ, họ xuống biển thưởng thức hải sản. Năm nay nhiều đoàn đã “mạnh dạn” gọi các món hải sản chứ không “nín nhịn” như trước. 

Thời điểm này dù thời tiết còn lạnh nhưng vào dịp cuối tuần vẫn có khách trong và ngoại tỉnh về Cửa Lò du lịch. Với tâm thế chuẩn bị cho mùa du lịch biển mới rất nhiều nhà hàng, khách sạn tại Cửa Lò đã đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, chú trọng vào nguồn gốc hải sản. 

Chị Tâm cho biết: “Trong kinh doanh, nhà hàng luôn chú trọng đến chất lượng hải sản. Tất cả hải sản được gia đình tôi nhập ở Cửa Lò, một số được mua từ các  huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Khách hàng đến thăm quan, nghỉ mát sẽ tận tay lựa chọn những con mình ưng ý nhất, sau đó nhà hàng mới đưa ra phục vụ”.

Vừa lái xe đưa hai vị khách từ khách sạn đến nhà hàng ăn hải sản, ông Nguyễn Đức Mạn (54 tuổi), người có nhiều năm làm nghề lái xe điện tâm sự: “Năm ngoái, lượng khách về Cửa Lò có phần giảm nên những người làm dịch vụ liên quan như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng.

Đến chừng tháng 7/2016, lượng khách bắt đầu tìm về nhiều hơn nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình thế. Năm nay, tuy chưa hết mùa đông nhưng đã có một số đoàn tìm về biển. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được từ 50 đến 100 nghìn đồng. Hy vọng đến mùa cao điểm du lịch, sự nhộn nhịp của biển Cửa Lò sẽ trở lại như xưa”. 

Cùng chung hy vọng đó, một số ki ốt bán hàng lưu niệm dọc bãi biển tin tưởng sẽ có mùa du lịch thắng lợi sau một năm nhiều biến động. “Khách về đông, thị xã sẽ quảng bá được hình ảnh, quầy hàng của chúng tôi sẽ có nhiều người ghé mua. Như vậy cuộc sống của gia đình mới đảm bảo, đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để phục vụ khách hàng”, một người bán hàng chia sẻ.

Đọc thêm