Bài ca cao nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa cao nguyên mênh mông, ngôi nhà người Mông như pháo đài được bao bọc bởi lũy đá. Với người Mông thì đá là bạn bè, đá là phương tiện che chở cho nơi ăn chốn ở của họ.
Mùa gieo hạt trên cao nguyên đá.
Mùa gieo hạt trên cao nguyên đá.

1 - Nếu bạn nào nhiều lần nghe tiếng khèn Mông, để ý giai điệu thì sẽ dần nhận ra đó là cái khấp khổm của nương đá và cái gập ghềnh của con đường đá. Hai thứ đó chẳng theo quy luật nào cả. Tiếng khèn đang hiền hòa dịu dàng, bỗng đột ngột cất lên cao vút rồi bất chợt ngừng bặt như gió vấp bức tường, như vó ngựa chợt dừng trước vực thẳm. Lặng đi đôi chút, tiếng khèn lại xanh ngát ngoi lên như sóng lượn, xộ lên như gió ngàn xào xạc rồi từ từ mất hút vào núi, tan biến trong sương mù...

Đường lên Vần Chải Đồng Văn là tiếng khèn đó. Đường vào xã và xuyên về các bản là giai điệu của tiếng khèn Mông từ ngàn đời nay khấp khổm lên bổng xuống trầm như thế...

Tiếng khèn Mông, tiếng khèn tỏa ra từ đá, mang theo thanh âm của đá, cái gập ghềnh ngàn năm từ đá.

Giữa cao nguyên mênh mông, ngôi nhà người Mông như pháo đài được bao bọc bởi lũy đá. Với người Mông thì đá là bạn bè, đá là phương tiện che chở cho nơi ăn chốn ở của họ.Giữa cao nguyên mênh mông, ngôi nhà người Mông như pháo đài được bao bọc bởi lũy đá. Với người Mông thì đá là bạn bè, đá là phương tiện che chở cho nơi ăn chốn ở của họ.

2 - Lên Đồng Văn, vượt Mã Pì Lèng sang Mèo Vạc nhìn về phía trái, quan sát kĩ bạn sẽ thấy một ngôi nhà Mông đơn côi bên góc núi. Ngôi nhà nhỏ, cổ nhất, bốn bên được bao bọc bằng bức tường xếp bằng đá xếp. Nhìn xa sẽ thấy bức tường thật mảnh mai, mỏng như miếng bánh đa được bẻ ra gài nghiêng khoanh kín căn nhà.

Đá dựng tường rào ấy con rắn không luồn qua được. Có ai nghĩ đá đã thành người bạn giữ yên cho tổ ấm, giang sơn nhỏ của một gia đình người Mông thế này không, nếu chưa nhìn tận mắt. Phải nhìn tận mắt để thấy kĩ thuật xếp đá làm tường rào của người Mông khéo đến như thế nào.

Rất nhiều tường rào tôi đã từng thấy từ trước đây: Cao chỉ chừng mét rưỡi, độ rộng dưới 20 phân, trông mỏng manh và có đoạn còn uốn lượn lồi lõm mà không dễ bị đổ. Những tường mỏng như thế thì đá phải được đập nhỏ, khi xếp chồng khít đến con chuột cũng không có chỗ chui.

Giữa cao nguyên mênh mông, ngôi nhà người Mông như pháo đài được bao bọc bởi lũy đá. Với người Mông thì đá là bạn bè, đá là phương tiện che chở cho nơi ăn chốn ở của họ. Ra ngoài nương thì đá được xếp thành bờ giữ cho đất khỏi trôi. Đến Cao nguyên đá mới thấy trên đời chẳng có gì vô dụng cả. Đến đá còn hữu ích cho con người. Vấn đề là khi nào dùng đến đá và dùng đá như thế nào mà thôi. Người Mông đã cho ta thấy điều đó.

Nương đá tai mèo.

Nương đá tai mèo.

3 – Nhân ngồi trò chuyện với nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian, ông Chu Thái Sơn, lần đầu nghe thấy cụm từ “Thổ canh hốc đá”. Cụm từ đó chỉ việc canh tác của người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn- Hà Giang, nơi phải đối đầu với một thiên nhiên khắc nghiệt nhất. Miền đất sinh ra để thử thách con người!

Đất trên cao nguyên quá ít. Cuối xuân sang hạ đi trên đường mà để ý nhìn đá bạt ngàn dựa vào nhau sin sít thì người giàu trí tưởng tượng sẽ thấy cao nguyên như cái hội trường lớn đang có hội họp. Rừng người trong hội nghị lặng lẽ ngồi sát bên nhau. Giữa mênh mông đá đen tím ấy có những màu xanh non lưa thưa phất lên đây đó. Nhưng đến gần nhìn thì đó là ngô trong bãi đá. Chỉ tháng sau là cây ngô lên cao che dần, triền núi sẽ được phủ kín màu xanh của sự sống, chỉ còn thấy những tảng đá to nhô lên giữa biển xanh khi cây ngô chưa đủ độ cao che khuất.

Hãy cùng nhau quan sát lối canh tác: Một gốc ngô, dưới gốc nó còn có thêm cây đậu tương, một mầm đỗ đỏ và thêm một dây bí ngô nữa. Đó là “Thổ canh hốc đá”.

Nhà nghiên cứu dân tộc học Chu Thái Sơn bảo: thiên nhiên khắc nghiệt nhưng người dân đã tận dụng hết những gì thiên nhiên có để nó phục vụ lại mình: Đá làm tường rào bảo vệ nơi ở, cây ngô cho bắp, cây đậu đỏ cho hạt. Đỗ tương ngoài cho hạt thì bộ rễ có nốt sần tăng đạm cho gốc ngô. Còn dây bí thì ít nhiều cũng cho vài quả. Bốn loại hạt giống chụm chân trên một vụm đất nhỏ, mất cái nọ còn có thứ kia, nên năm nào không mưa thuận gió hòa, dù mất mùa cũng không thể đói được.

Hàng nghìn năm bám trên đá để sống, người Mông đã tìm ra phương thức canh tác tuyệt vời, khai thác tận cùng tiềm năng của lượng đất quá ít ỏi. Đó là sự tổng kết đến hoàn thiện trên vùng đất khắc nghiệt này.

Nên không lạ, một lần tôi trót đùa nhắc lại câu nói của một đại nhân: Ở đây “ trồng cây gì, nuôi con gì” thì một ông già người Mông quặc lại: Không biết trồng cây gì nuôi con gì mà chúng ta sống đến ngày hôm nay à mà còn phải hỏi!”.

Đi bên nương ngô trong đá vào những ngày tháng Ba, nhìn màu xanh của ngô, đậu, bí lẫn vào nhau tôi chợt nghĩ: Riêng về việc trồng cây lương thực trên Cao nguyên đá, thì không còn cách nào hay hơn “Thổ canh hốc đá”, đó là phương thức hoàn thiện đến mức chẳng còn gì để bàn!

Nhìn những cây ngô chen trong kẽ đá, tôi lại nghĩ đến những khu ruộng màu mỡ dưới xuôi rộng hàng trăm hecta, chỉ cần xoẹt một chữ kí nó biến thành sân gôn hoặc đổ sỏi san nền làm những khu chung cư sin sít mà thấy đau lòng vì đất xuôi sao rẻ rúng thế! Với rẻo cao, miếng đất là cục vàng nuôi sống con người, còn ở nơi nào đó, đất chỉ là thứ để vùi dập trao tay mua bán kiếm lời!

Năm cũ sắp qua, một mùa xuân mới đang đến. Sau Tết Nguyên đán, những nương đá lại được dọn dẹp cho một mùa gieo hạt... Lại một chu kì sản xuất trên cao nguyên. Tháng Ba, màu xanh của sự sống từ ngô đậu bí lại dần lan tỏa phủ kín cao nguyên. Vùng đất khó luôn có sức sống mãnh liệt!

Đọc thêm