Bài học “chữ số 4”

(PLVN) - Gần đây, mạng xã hội (MXH) nóng về câu chuyện sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1, cho thấy mặt tiêu cực của MXH. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên cho biết, ông bị “vu vạ” bài học về "chữ số 4". Bài này không hề có trong SGK của ông. GS.Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt, cũng cho hay không hề có bài học này trong tất cả các sách giáo khoa lớp 1. Như vậy phải có một ai đó “chế tác” và một “động cơ” nào đó. Trả lời câu hỏi này, chỉ có cơ quan chức năng mới làm được.

Câu chuyện này, một lần nữa nói lên rằng MXH có cả tích cực và tiêu cực, dễ tạo “dư luận” với tất cả hệ lụy. Cách đây không lâu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành phố được nhiều lãnh đạo sở, ngành thành phố bày tỏ lo ngại về các thông tin lan truyền trên MXH làm ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo, cán bộ cũng như hình ảnh của thành phố. Bí thư Đà Nẵng ghi nhận cán bộ đang sợ MXH nói chung, sợ Facebook nói riêng. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề, phải coi MXH như một công cụ để tuyên truyền chủ trương, chính sách. Theo ông, người dân dùng Facebook thì chính quyền cũng dùng.

Đà Nẵng là thành phố có trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi – Xanh –sạch – đẹp”. Người dân trao đổi, comment ở đây rất thoải mái và thẳng thắn, kịp thời. Bí thư Đà Nẵng đặt vấn đề, phải làm sao khi một người dân phản ánh, kêu lên phải có một cơ quan có trách nhiệm trả lời để giảm bớt áp lực xã hội, giải thích và trả lời cho xã hội. Cần nghiên cứu, sử dụng và khai thác các trang như thế này, đó là kinh nghiệm tốt. Ông cho rằng, nhiều người xúm vào có hướng “soi mói” nhưng nếu làm tốt công tác tuyên truyền thì chính họ là người lan tỏa những thông tin chính sách, chủ trương, hình ảnh tốt đẹp của thành phố rất tốt.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về mặt báo chí trên địa bàn, Bí thư Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo thành phố, sở ngành trước các sự việc lớn, thu hút sự quan tâm dư luận cần có ngay thông cáo báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin cho công luận nắm. Thông cáo phải ngày càng minh bạch nhiều nội dung, chứ không phải “đọc xong thấy kín mít”.Theo ông, minh bạch công khai sẽ có sự chia sẻ và đồng tình. Đừng có tư tưởng đóng lại và tránh né.

Cách nhìn của Bí thư Đà Nẵng đối với MXH nói chung, Facebook nói riêng là tích cực, biện chứng. Không thể “đóng cửa” MXH, vấn đề khác biệt là tư duy “làm chủ”, khai thác mức độ lan tỏa của MXH để phát huy tác dụng của nó. Không có gì khác ngoài nhanh nhạy, kịp thời với tinh thần công khai, minh bạch.

Việt Nam được xem là quốc gia có tốc độ phát triển rất nhanh về internet, một trong 10 nước có người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới. Do vậy, phải bằng nhiều giải pháp hướng tới xây dựng “văn hóa internet” tích cực, lành mạnh vô cùng quan trọng và cấp thiết.