Kiểm kê tài sản thi hành án. Ảnh minh họa |
Khắc phục cơ bản thiệt hại
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp khẳng định đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất cả nước, với tổng số tiền mà Liên Khui Thìn, Tăng Minh Phụng và các DN nhóm Epco-Minh Phụng có nghĩa vụ phải bồi thường cho 6 ngân hàng hơn 5,5 nghìn tỷ đồng và hơn 33 triệu USD.
Do tính chất đặc biệt và mức độ ảnh hưởng về chính trị - xã hội của vụ án, sau khi vụ án được xét xử và án có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo THADS phần tài sản do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng) làm Trưởng Ban nhằm đảm bảo thi hành khẩn trương, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho Nhà nước và công dân. Đây cũng là Ban chỉ đạo đầu tiên được thành lập ở Trung ương nhằm chỉ đạo đối với công tác THADS.
Theo ông Thủy, sau gần 11 năm tổ chức THA, tính đến tháng 6/2011, kết quả THA đã khắc phục cơ bản những thiệt hại do các bị cáo gây ra, thu hồi cho Nhà nước, cá nhân và DN với số tiền 3.649 tỷ đồng, 25 triệu USD và 445,5 lượng vàng SJC. Hiện chỉ còn 3 ngân hàng chưa thu hồi đủ số nợ là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam có số nợ còn phải thu nhiều nhất (hơn 1.977 tỷ đồng và 376.590 USD). Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã thu hồi đủ số nợ của nhóm Minh Phụng, chỉ còn phải thu hồi số nợ của nhóm Liên Khui Thìn.
Song vẫn còn đó khó khăn, do số tài sản thế chấp mà cơ quan THA phải thu hồi để giao cho các Ngân hàng có số lượng và giá trị cực lớn, nhiều chủng loại và ở nhiều địa phương khác nhau (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng…). Chỉ tính riêng số danh mục tài sản thế chấp phải thu hồi tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lên tới 169 danh mục với tổng diện tích 2,2 triệu m2 đất. Và do thời gian giải quyết vụ án kéo dài gần 3 năm, nên hầu hết số tài sản thế chấp là QSDĐ đều bị mất mốc giới, không xác định được vị trí, có nhiều khu đất chưa thực hiện xong việc đền bù; Có hàng trăm hộ dân sinh sống và hàng chục hộ dân khác lấn chiếm từ nhiều năm; Hàng trăm danh mục bất động sản không có đủ hồ sơ pháp lý…
Chưa bồi thường đủ vẫn được đặc xá?
Đại diện Ngân hàng Công Thương Việt Nam nêu bức xúc: “Hiện ông Liên Khui Thìn đang nợ chúng tôi 82 tỷ đồng, do vậy cơ quan chức năng cũng “giúp” chúng tôi kê biên, phát mãi tài sản và cần có chế tài đặc biệt đối với Thìn - đối tượng đặc biệt trong vụ án. Một người có “tiểu sử” xấu xa như thế mà vẫn được tiếp tục được kinh doanh, thậm chí đang đòi lại chức danh TGĐ của Epco, rồi khiếu nại chúng tôi...”.
Ông Hoàng Doãn Đức, Phó Chánh tòa Hình sự TANDTC chúc mừng Tổng cục THADS và các Cục đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Ông Đức cho rằng do đây là vụ án lớn, cần rút kinh nghiệm để sau này nếu gặp vụ tương tự thì sẽ có đường hướng xử lý tốt hơn. Ông Đức giải thích thắc mắc của ngân hàng rằng, đây là vụ án có 4 bị cáo tử hình, mà đã là tử hình thì không có hình phạt phụ (cấm đảm nhiệm chức vụ...), chỉ có phần bồi thường mà thôi. “Tôi thấy làm lạ ở chỗ, nếu muốn được đặc xá thì người đó (người bị kết án tử hình – PV) phải bồi thường thiệt hại 100%; Tôi cũng không hiểu sao chưa bồi thường hết cho các ngân hàng mà lại được đặc xá. Trong khi đây là điều kiện tiên quyết nhất trong xét đặc xá...” – ông Đức thắc mắc.
Còn ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM trưởng Ban chỉ đạo THADS TP.HCM nói về công tác THA trong vụ Epco-Minh Phụng: Đáng mừng là một khối lượng tài sản của Nhà nước đã thu hồi được (khoảng 60%). Trong đó vài trò tích cực của Cục THADS TP.HCM không nhỏ. Tuy nhiên cũng cần “soi”, rà soát lại để làm việc với các bên liên quan về vấn đề tài sản, nếu còn khả THA thì có kế hoạch thi hành. Ông Trí cho rằng các ngân hàng cũng không nên cầu toàn, “nước đã đổ” thì sao có thể “hốt” lại đầy đủ. Không ngoại trừ có khả năng có thể sẽ có những vụ lớn hơn thì đây là bài học kinh nghiệm...
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhận định: “Đây là vụ án lớn phức tạp, lần đầu tiên Bộ tổ chức tổng kết một vụ thi hành án và cũng là lần đầu tiên yêu cầu Tổng cục THADS thành lập đoàn kiểm tra việc THA vụ án này, và đã mất gần một năm mới “ra” được báo cáo cho Thủ tướng. “Tôi cho rằng đây là vụ án lớn nhất từ trước đến nay, tiền và tài sản phải thi hành trên 5.000 nghìn tỷ, xoay quanh 6 ngân hàng và hai nhóm “Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn – Công ty Minh phụng và Epco”, nhưng để lại hậu quả lớn, thi hành gian nan 11 năm, nhưng tài sản thu được mới 60%. Rõ ràng đây là câu chuyện thiệt hại cho bài học quản lý tài chính và hoạt động ngân hàng.. Đây cũng là cơ sở để các bộ, ngành hữu quan kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về dân sự, kinh doanh – thương mại, tài chính – tín dụng, đất đai và tố tụng...
Án tuyên không rõ, THADS “khổ”!
Quá trình tổ chức thi hành án vụ án Epco – Minh Phụng đã cho thấy: Bản án hình sự sơ thẩm số 1590/HSST ngày 04/8/1999 của Tòa án nhân dân TP.HCM và Bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12/01/2000 của Tòa Phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM có một số khoản Tòa tuyên không rõ hoặc quyết định của Tòa có sai sót, đặc biệt là phần quyết định về tài sản và phần quyết định về trách nhiệm dân sự của các doanh nghiệp, cá nhân; Một số văn bản giải thích bản án của Tòa có nội dung không thống nhất đã gây rất nhiều khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án. Tính đến nay, số tài sản còn phải xử lý trong Bản án số 05/HSPT không nhiều, trong đó tài sản giao cho các Ngân hàng hiện chỉ còn 8 tài sản (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – chi nhánh TP.HCM: 5 tài sản; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương: 3 tài sản). Các tài sản này đang bị vướng về mặt pháp lý hoặc đã hạ giá nhiều lần nhưng chưa có người mua. Hiện Cục THADS TP.HCM đang xác minh, xử lý các tài sản còn lại nhằm kết thúc việc xử lý tài sản thi hành án đối với vụ án này. |
Tố Nhi