“Bài học sớm mai trên bục giảng”…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2020, chúng ta chứng kiến những thay đổi dữ dội khi dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới, dẫu đến nay vẫn chưa biết đến khi nào sẽ kết thúc, nhưng chúng ta đã bình tĩnh “chung sống”. 
Cô Nguyễn Thị Phượng, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh – Đăk Nông bên học trò của mình.
Cô Nguyễn Thị Phượng, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh – Đăk Nông bên học trò của mình.

Và trong những thời khắc hoang mang tột cùng ấy, là những tâm thư của những người thầy truyền đi những thông điệp tích cực, rằng thầy vẫn ở đây, chờ các em sớm trở lại! Chỉ có những người thầy tận tụy, hết lòng với sự nghiệp “trồng người”, với những “trang giấy trắng” tinh khôi mới có những lời nhắn nhủ yêu thương, cảm động đến thế…

“Thầy sẽ đợi các con sớm đến trường”

Thầy Domenico Squillace, Hiệu trưởng Trường Trung học Alessandro Volta ở Milan viết thư gửi các học trò trong thời gian đóng cửa trường học do dịch bệnh bùng phát tại Italy. Đó là thời điểm, Bộ trưởng Giáo dục Lucia Azzolina cho biết các trường học trên khắp Italy sẽ phải đóng cửa từ 5/3 đến sớm nhất là ngày 15/3 trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, làm gián đoạn việc học tập của 8,5 triệu học sinh.

Đây cũng là lần đầu tiên Italy đóng cửa các trường học trên cả nước kể từ Thế chiến II, theo AFP. Cho học sinh nghỉ học là một trong những biện pháp quyết liệt nhất được Chính phủ Italy áp dụng khi nước này trở thành ổ dịch lớn nhất châu Âu, ảnh hưởng tới 58.000 trường học ở mọi cấp trên cả nước.

Trong bầu không khí hỗn loạn của bệnh Covid-19, một thầy hiệu trưởng ở một trường trung học tại TP Milano (Ý) đã dành thời gian để viết thư cho học sinh của mình và kêu gọi học sinh bình tĩnh lại, trong thời gian đóng cửa trường hãy đọc “những cuốn sách hay”, ví dụ như sách của hai nhà văn Manzoni hoặc Boccaccio.

Thầy Hiệu trưởng đó là ông Domenico Squillace của Trường cấp 3 Alessandro Volta ở Milano đã viết: “Các con đừng quên là tên các con đường nằm xung quanh trường học của chúng ta như Ludovico Settala, Alessandro Tadino, Felice Casati… nằm ngay trung tâm của thành phố Milano xưa kia là các nhà phòng dịch và vì thế khi đọc lại tiểu thuyết “Những người hứa hôn” (I Promessi Sposi) của Manzoni thì các con sẽ thấy là những câu của Manzoni dường như không phải nằm ở trong tiểu thuyết mà “vừa được trích ra từ một tờ báo ngày nay”.

Tuy tránh bình luận về các biện pháp của chính quyền đang thực hiện chống dịch Covid-19, nhưng bức thư của ông là lời kêu gọi để học trò của ông suy ngẫm: “Hãy sáng suốt và lý trí”, ông nói tóm lại, đừng đánh mất nhân tính, đừng xem người khác là kẻ thù, đừng vơ vét thực phẩm và trước hết đừng lãng phí thời gian của mình, hãy đọc, đi bộ. Hãy quan tâm đến đến Manzoni và Boccaccio, những tác giả đã kể về dịch bệnh dịch hạch ở Milano và Firenze (Florence), họ đã chỉ cho chúng ta con đường chính.

“Các con thân mến, không có gì mới dưới ánh mặt trời, thầy muốn nói như thế, nhưng những ngày trường học đóng cửa thầy thấy mình cần phải nói. Những điều thầy muốn nói với các con là hãy giữ bình tĩnh, không để bản thân bị lôi kéo bởi cơn mê sảng tập thể và hãy tiếp tục - với sự đề phòng và thận trọng - để sống một cuộc sống bình thường.

Hãy tận dụng những ngày này để đi dạo, để đọc một cuốn sách hay, nếu các con mạnh khỏe thì không có lý do gì để tự nhốt mình trong nhà. Không có lý do gì để vơ vét ở các siêu thị và nhà thuốc, hãy để khẩu trang lại cho những người bệnh, vì chỉ dành cho họ. Tốc độ mà một căn bệnh có thể di chuyển từ đầu này sang đầu khác là con đẻ của thời đại chúng ta, không có bức tường nào có thể ngăn chặn chúng, hàng thế kỷ trước chúng cũng di chuyển như thế, chỉ chậm hơn một chút”.

Rồi thầy Hiệu trưởng viết tiếp: “Một trong những rủi ro lớn nhất trong những sự kiện như vậy Manzoni và Boccaccio đã dạy chúng ta, chính là sự đầu độc cuộc sống xã hội, là sự sụp đổ mối quan hệ của con người và dẫn đến sự man rợ của đời sống dân sự.

Bản năng di truyền của chúng ta là khi cảm thấy bị đe dọa bởi một kẻ thù vô hình là nhìn thấy nó ở khắp mọi nơi, điều nguy hiểm nhất là xem đồng loại của chúng ta như một mối đe dọa, hay một kẻ thù tiềm năng. So với các dịch bệnh của thế kỷ mười bốn và mười bảy, hiện nay chúng ta có một nền y học hiện đại, thầy tin tưởng ở sự tiến bộ, sự chính xác của nó, chúng ta hãy sử dụng suy nghĩ hợp lý để giữ gìn tài sản quý giá nhất mà chúng ta sở hữu, cấu trúc xã hội và tình nhân loại. Nếu chúng ta không thể làm điều đó thì có nghĩa là dịch bệnh đã sẽ thực sự chiến thắng! Thầy sẽ đợi các con sớm đến trường”…

“Yêu và thương các em thật nhiều! Thầy giáo làng của các em”!...

 Giữa trận bão lũ miền Trung khủng khiếp tháng 10-11 năm ngoái, khi chúng ta đang chiến đấu với dịch bệnh, tâm thư của hiệu trưởng gửi học trò vùng lũ Quảng Bình gây bão cộng đồng mạng. Trận lũ lịch sử khiến người dân địa bàn huyện Quảng Ninh bị ngập sâu, trong đó có Trường THPT Quảng Ninh. Nước rút, thầy cô lặng lẽ dọn bùn non, rác thải để sớm đưa học sinh trở lại trường học.

Trước ngày đón học sinh trở lại trường, thầy Hiệu trưởng Hà Văn Quý đã viết bức tâm thư gửi đến các học sinh của mình, được đăng tải trên Facebook. Bức thư đầy tính nhân văn, với ngôn ngữ rất “teen” và chứa đựng sự ấm áp yêu thương bằng những lời căn dặn gửi đến các trò khiến người đọc xúc động.

Thầy Quý dặn các em trong ngày đầu đi học trở lại không nhất thiết phải mặc đồng phục, áo có ố vàng thì đừng tự ti miễn là đủ ấm; cũng không nhất thiết đi dép quai hậu; miễn chân các em không bị gai đâm; nếu vì xe hỏng mà đến trễ một chút cũng được miễn là các em an toàn...

“Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng “dở chứng”, mình có thể làm một cuốc “bộ hành” giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn “hốt-giùm-tui-đi”, và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!

Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để “learn by heart” mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!” - thầy Quý viết.

Trong thư, thầy Quý cũng nhắc đến các nhà hảo tâm sẽ đến trường và dặn học trò hãy trân quý tấm lòng, sự sẻ chia của họ, trong đó có cả các bạn học sinh khắp mọi miền đất nước: “Các bạn học sinh ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10 nghìn, 20 nghìn đồng... Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho - nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ!

“Và cuối cùng, ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta!”...

Yêu và thương các em thật nhiều! Thầy giáo làng của các em”!...

Trước Tết vừa rồi, khi Covid-19 bùng phát trở lại, bằng những lời tâm tình nhẹ nhàng và sâu lắng, lá thư của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chạm tới trái tim bao thế hệ học trò trong dịp Tết sum vầy.

Bức thư nhắn nhủ sinh viên trở về gia đình dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu của GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhận được “bão tim” và sự chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Trong thư, thầy Minh tâm tình về những kỉ niệm ngày nhỏ của mình: “Thầy nhớ lại cái hồi còn bé cứ chờ đêm 30, chờ giao thừa, có khi chờ nhưng buồn ngủ quá ngủ quên”. Thầy còn nhớ “Tết là lúc có manh áo mới, mừng vui và sung sướng biết bao”. Kể lại những việc này, thầy hiệu trưởng muốn truyền tải thông điệp đến toàn thể sinh viên: “Thầy mong các em hãy về với mẹ cha mỗi khi có thể, nhất là những dịp Tết đến, xuân về. Không ai thương yêu, che chở và tha thứ cho mình bằng chính gia đình mình, dù giàu sang hay nghèo khó”.

Thầy nhắn nhủ những thông điệp yêu thương, hãy quan tâm tới người thân của mình bất cứ khi nào có thể: “Khi học xong đại học, thầy đi nhận công tác xa nhà. Có những đêm 30 nhớ quê, nhớ mẹ đến nao lòng. Thời gian cứ trôi đi, những điều tưởng chừng đơn giản như cái Tết ở quê dần dà xa ngái. Rồi một ngày nào đó, có ước muốn về bên mẹ cha mà chẳng có mà về.

Hối tiếc thì đã muộn màng. Vì thế, thầy mong các em hãy về với mẹ cha mỗi khi có thể, nhất là những dịp Tết đến, xuân về. Không ai thương yêu, che chở và tha thứ cho mình bằng chính gia đình mình, dù giàu sang hay nghèo khó. Tết là dịp để tình cảm ấm nồng hơn, để mình sống tình nghĩa hơn, yêu thương hơn và trách nhiệm hơn.

Hãy đem niềm vui về với gia đình. Chúc các em thật vui nhé.

Thầy Minh”.

Và còn đó là rất nhiều thầy, cô khác, thuộc tính nết từng học trò mình để luôn khuyến khích các em tự tin bước về phía trước. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh - Đăcknông đã lấy đi rất nhiều nước mắt của học trò, phụ huynh vì xúc động. Ngày chia tay 36 học sinh lớp 12 do cô chủ nhiệm, cô đã viết từng lá thư cho phụ huynh và các con của mình. Mỗi bức thư chất chứa tình cảm, kỳ vọng, niềm tự hào, niềm tin học trò và cả lời tri ân đối với phụ huynh.

Có thể nói, với những ai được học những người thầy ấm áp như thế, họ sẽ luôn mang theo món quà đầy ắp kỷ niệm về thầy, cô, về lòng yêu thương, trắc ẩn, những điều lớn lao, vĩ đại luôn khởi nguồn từ những điều bé nhỏ. Mà ở đó, những người thầy đã đặt cho các trò của mình những viên gạch đầu tiên của tri thức và tình yêu thương. Với không ít người, những bước ngoặt, sự thành công trong cuộc đời, những nỗ lực vươn tới luôn có bóng dáng những người thầy từ thời thơ bé…

Đọc thêm