Bài học trách nhiệm xã hội

(PLVN) - Chưa bao giờ vấn đề trách nhiệm xã hội của cá nhân hiện rõ như trong phòng và chống dịch Covid-19. 
Tự giác khai báo y tế trung thực là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Tự giác khai báo y tế trung thực là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Sau một thời gian xã hội khá yên ổn trước virus Sars-Covi-2, những tưởng sẽ công cố hết dịch thì bất ngờ cả đất nước lại phải ra sức gồng mình do những người mang bệnh như bệnh nhân thứ 17 trên chuyến bay VN0054 không tự giác khai báo y tế.

Với bệnh nhân thứ 17 và bệnh nhân thứ 21 (cùng chuyến bay với bệnh nhân thứ 17) mà cả hệ thống chính trị đã phải vào cuộc để truy tìm dấu tích, phát hiện đã tiếp xúc hơn 600 người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc. Từ khi chuyến bay VN0054 về nước, toàn bộ xã hội một lần nữa lại rơi vào tình trạng căng thẳng để chống dịch. Công sức, thời gian, tiền bạc đổ ra là không thể tính nổi.

Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam từ đó chuyển sang giai đoạn mới và thực sự đứng trước thử thách mới. Tuy nhiên, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự nỗ lực hết sức của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tin rằng Việt Nam với năng lực có thực và kinh nghiệm chống dịch sẽ vượt qua thử thách này như những gì chúng ta đã làm được trong hai tháng qua.

Không khai báo, khai báo y tế không trung thực rõ ràng là những hành vi không thể chấp nhận được. Ở Hà Nội, có trường hợp là hành khách trên chuyến bay VN0054 đang cách ly tại nhà, nhưng thực hiện không nghiêm túc, vẫn ra khỏi nhà… Hành động bất chấp này đã vi phạm nghiêm trọng những quy định của Nhà nước về cách ly và phòng ngừa dịch bệnh lây lan cho xã hội.

Thế giới có nhiều nước áp dụng hình phạt rất cao cả về kinh tế và hình sự với những người khai báo y tế gian dối. Ở Việt Nam, theo một số luật sư, cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm, hoặc bị phạt tiền từ 50 triệu đồng - 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù kèm phạt tiền từ 20 triệu đồng - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Từ nghi vấn giấu bệnh của một vài trường hợp trong thời gian qua, mỗi người phải tự rút ra bài học sâu sắc cho bản thân và cộng đồng. Chống dịch Covid-19 chỉ thành công khi mọi người chung sức đồng lòng bằng niềm tin và thái độ bình tĩnh trước mọi diễn biến bất thường của dịch bệnh. Đồng thời xác định được trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội.

Trách nhiệm cá nhân với xã hội là nhân cách con người. Mỗi cá nhân biết thực hiện trách nhiệm xã hội mới đảm bảo sự ổn định chính trị của một đất nước, thúc đẩy xã hội phát triển. 

Đọc thêm