Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mở rộng thị trường đầu tư và kinh doanh vào Việt Nam. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp chưa kịp thời xúc tiến thủ tục đăng ký bảo hộ các tài sản sở hữu trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu nói riêng. Đây chính là kẽ hở cho một số cá nhân, đơn vị lợi dụng để tự nộp đơn đăng ký chính những nhãn hiệu đó. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp đánh mất thương hiệu, hoặc phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức để “đòi” lại nhãn hiệu và khẳng định lại thương hiệu.
Câu chuyện Công ty Beluga Vodka International Limited đang trong hành trình giành lại quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam là một ví dụ.
Mất nhãn hiệu vì chưa đăng ký bảo hộ
BELUGA GROUP là tập đoàn lớn tại Nga, kinh doanh và sản xuất đồ uống có cồn, trong đó chủ đạo là các sản phẩm rượu vodka.
Sản phẩm rượu vodka gắn nhãn hiệu “Беленькая” (với phiên âm La-tinh là “Belenkaya”) ra mắt thị trường Nga và giới thiệu tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới từ năm 2001. Năm 2012, sản phẩm vodka “Belenkaya” được giới thiệu và kinh doanh tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, các sản phẩm “Belenkaya” do Công ty TNHH BELUGA Việt Nam (Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối.
Tuy nhiên, do nhãn hiệu “Belenkaya” đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới nên Công ty BELUGA chưa đăng ký bảo hộ tại Việt Nam ngay từ thời điểm các sản phẩm gắn nhãn hiệu “Belenkaya” phân phối vào thị trường Việt Nam.
Nhãn hiệu "Belenkaya" sẽ trở thành đối tượng tranh chấp sở hữu |
Ngày 12/03/2018, Công ty TNHH nhà bếp Intel (Cty nhà bếp Intel, địa chỉ: Nhà 35D, ngõ số 71, đường Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Belenkaya” tại Cục Sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm “Rượu gạo; đồ uống có cồn (trừ bia); rượu vỏ cam; rượu gin; rượu vodka; rượu uýt ki”. Nhãn hiệu này đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCN ĐKNH) số 355424, ngày 02/07/2020.
Trong trường hợp này, nhãn hiệu “Belenkaya” của Cty nhà bếp Intel trùng lặp hoàn toàn với nhãn hiệu có trước “Belenkaya” thuộc quyền sở hữu của Công ty BELUGA; đồng thời, “Belenkaya” lại chính là phiên âm La-tinh của chữ tiếng Nga “Беленькая”. Các sản phẩm được đăng ký cho nhãn hiệu “Belenkaya” của Cty nhà bếp Intel có liên quan hoặc cũng chính là các sản phẩm mà tập đoàn BELUGA đang sản xuất và kinh doanh.
Vì vậy, việc Cty nhà bếp Intel sử dụng nhãn hiệu “Belenkaya” tại thị trường Việt Nam sẽ khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng các sản phẩm gắn nhãn hiệu “Belenkaya” được sản xuất, phân phối bởi chính tập đoàn BELUGA đến từ nước Nga, do đó sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa.
Căn cứ theo quy định tại Điều 74.2.g) Luật Sở hữu trí tuệ (Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu “trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên”), nhãn hiệu “Belenkaya” của Công ty nhà bếp Intel không có khả năng phân biệt và vì vậy không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ. – Luật sư Lã Thị Thu Hà (Công ty Luật TNHH WINCO).
Bài học cảnh tỉnh về xác lập quyền sở hữu trí tuệ
Để nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và giành lại quyền sở hữu chính đáng đối với nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam, Công ty BELUGA đã ủy quyền cho Công ty Luật TNHH WINCO - một công ty luật có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài bảo vệ quyền lợi hợp pháp về sở hữu trí tuệ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết.
Trên thực tế, nhãn hiệu “Belenkaya” đã được Công ty BELUGA sáng tạo ra và đã được sử dụng tại Nga từ trước thời điểm Cty nhà bếp Intel nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam (ngày 12/03/2018) tới hơn 17 năm, đồng thời các sản phẩm gắn nhãn hiệu “Belenkaya” của Công ty BELUGA đã thực sự được phân phối với số lượng lớn tại thị trường Việt Nam cũng như đã được quảng cáo rộng khắp thông qua rất nhiều kênh thông tin đa dạng từ rất lâu.
Theo đó, căn cứ vào các quy định pháp lý hiện hành về việc thừa nhận thực tế liên quan đến nhãn hiệu đã được sử dụng, công nhận rộng rãi từ trước thời điểm nộp đơn đăng ký, Công ty WINCO đã nộp đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực của GCN ĐKNH số 355424 bảo hộ nhãn hiệu “Belenkaya” đã được cấp cho Cty nhà bếp Intel.
Nhãn hiệu "Belenkaya" được Công ty nhà bếp Intel đăng ký bảo hộ tại Việt Nam |
Trong vụ tranh chấp nhãn hiệu này, sự việc còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Cty nhà bếp Intel đã dùng chính quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Belenkaya” nêu trên để gửi thư khuyến cáo cho tập đoàn BELUGA, yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm gắn nhãn hiệu “Belenkaya” tại Việt Nam.
Về vấn đề trên, Điều 198.5 Luật Sở hữu trí tuệ, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 42/2019/QH14 về quyền tự bảo vệ quy định như sau: “Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này”.
Trên cơ sở đó, Công ty BELUGA đã sẵn sàng theo đuổi các thủ tục pháp lý cần thiết để yêu cầu Công ty nhà bếp Intel phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu “Belenkaya” thuộc GCN ĐKNH số 355424 trên đây.
Hồ sơ đề nghị hủy bỏ hiệu lực của GCN ĐKNH số 355424 hiện đang được Cục Sở hữu trí tuệ thụ lý để xem xét và giải quyết. Ngoài ra, Công ty WINCO đã gửi văn bản đến các cơ quan thực thi quyền tại Việt Nam, đề nghị không áp dụng các biện pháp hành chính đối với việc sử dụng nhãn hiệu “Belenkaya” của tập đoàn BELUGA hoặc các nhà phân phối theo ủy quyền của BELUGA tại thị trường Việt Nam vì việc sử dụng nhãn hiệu như trên là hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với các quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ của pháp luật Việt Nam.
Có thể thấy câu chuyện chủ sở hữu phải đi tìm lại thương hiệu của chính mình không còn mới nhưng bài học về việc bảo vệ tài sản trí tuệ vẫn chưa hề cũ. Thực tế trên đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp nên tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ đích thực của mình tại những vùng lãnh thổ đã và đang mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi quá muộn.