Bài học "xương máu" khi sinh viên khởi nghiệp làm "ông chủ"

Không ít người thế hệ 8X, 9X thành "ông chủ" từ hai bàn tay trắng. Điều này tiếp thêm sức mạnh để nhiều người trẻ quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu của mình. Tuy nhiên, để “tới được thành Rome”, họ sẽ phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt...

Không ít người thế hệ 8X, 9X thành "ông chủ" từ hai bàn tay trắng. Điều này tiếp thêm sức mạnh để nhiều người trẻ quyết tâm thực hiện ước mơ làm giàu của mình. Tuy nhiên, để “tới được thành Rome”, họ sẽ phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt...

Bỏ giảng đường ĐH, dọn toilet, phụ bếp thuê... để thực hiện ước mơ

Mở hàng loạt các khóa học dạy làm handmade thu hút đông đảo học viên, có được TV show D.I.Y Let’s go trên Youtube của riêng mình với hàng ngàn lượt xem, tổ chức thành công hội chợ hàng thủ công đầu tiên ở TP HCM…, Đỗ Viết Tuấn hiện là cái tên “đắt show” trong cộng đồng yêu handmade Sài thành.
Câu chuyện về thành công của Tuấn khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Nhưng có lẽ không nhiều người biết, để “chạm tay vào điều ước” và có được những thành tựu như hôm nay, đã có thời điểm chàng trai ấy gần như kiệt sức.
Năm 2011, đang là sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Luật Hà Nội, Đỗ Viết Tuấn đột nhiên quyết định “Nam tiến” khởi nghiệp. Sự liều lĩnh ấy của Tuấn khiến hai bên gia đình nội ngoại ra sức cấm cản. Mọi người làm “căng” tới mức tuyên bố rằng sẽ cắt viện trợ và không công nhận Tuấn là thành viên trong gia đình. Nhưng Tuấn vẫn dứt khoát xách hành lý ra đi.
Đang sống phụ thuộc vào bố mẹ, nay bỗng nhiên phải tự kiếm tiền để lo toan mọi thứ từ cái ăn, cái mặc và hàng loạt các khoản chi tiêu không tên khác, Tuấn đau đầu và gần như “phát điên”.
Một mình tại Sài Gòn, Tuấn phải trải qua những công việc mà bản thân cậu chưa từng làm và cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Tuấn thường xuyên thức khuya, dậy sớm, lau chùi WC, cống rãnh và ở trong bếp hàng giờ đồng hồ bên lò pizza nóng tới 250 độ C để kiếm tiền.
Đỗ Viết Tuấn đã từ bỏ giảng đường ĐH để bước vào con đường khởi nghiệp đầy gian nan.
Đỗ Viết Tuấn đã từ bỏ giảng đường ĐH để bước vào con đường khởi nghiệp đầy gian nan.
Phương tiện không có, nếu đi làm buổi sáng, Tuấn đi xe bus, nếu làm vào buổi tối, sau khi tan ca Tuấn sẽ đi nhờ xe, còn không, Tuấn sẽ phải đi bộ hơn 5 km từ chỗ làm về đến nhà. Tuấn tâm sự: “Công việc kết thúc vào lúc 12h đêm nhưng nhưng thực chất lúc mình bắt đầu rời khỏi khách sạn là hơn 1h sáng rồi. Nếu đi bộ thì về đến phòng cũng đã gần 3h sáng”.
Việc chi tiêu luôn khiến Tuấn đau đầu và đó là nguyên nhân khiến thời gian đầu Tuấn luôn bị "âm" tiền và ăn uống thiếu thốn. Hậu quả thảm hại nhất đó là sức khỏe giảm sút, Tuấn gầy đi rất nhanh. 
Vấp váp vào cuộc sống, mọi sự chuẩn bị và đón chờ đều gần như sụp đổ, việc tự lập không dễ dàng, đơn giản như từng nghĩ, đã có thời điểm Tuấn bị mất phương hướng và muốn trở về với cuộc sống trước kia.
“Nhưng chính tính sĩ diện đã lôi tôi trở lại với đam mê. Tôi sợ khi quay lại sẽ bị mọi người chê cười và quan trọng nhất đó chính là mình sợ tính tự lập và cái tôi cá nhân của mình sẽ không bao giờ được ba mẹ và mọi người xung quanh chấp nhận nữa”, Tuấn tâm sự.
Bị dồn vào bước đường cùng, chàng trai trẻ phải thể hiện hết khả năng sinh tồn của bản thân. Cơ hội đã đến khi Tuấn tham gia vào CLB Xì Gòn Handmade. Từ ngày gia nhập CLB, Tuấn luôn tìm hiểu kỹ, nắm bắt nhanh nhu cầu, xu hướng của giới trẻ về handmade. Luôn đi đầu và tạo ra xu hướng về handmade là "bí kíp" giúp Tuấn tạo được sự hấp dẫn và uy tín trong cộng đồng qua các hoạt động thiết thực như hội chợ, lớp học, cuộc thi handmade và các game show về tái chế.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp đầy gian khó, Tuấn cười: “Hãy cứ thể hiện hết khả năng của chính bản thân bạn. Bạn thích gì thì làm điều đó, nhưng để thành công và chắc chắn hơn nữa bạn hay chia sẻ những dự định, con đường mà mình sẽ làm và lựa chọn. Biết đâu bạn sẽ có rất nhiều bạn đồng hành, hỗ trợ mình”.
Tay trắng thành "tỷ phú sinh viên"
Khởi nghiệp từ thời sinh viên, đến nay là CEO của Công ty Cổ phần GrowVN, anh Trần Duy Hải (sinh năm 1987) vẫn không bao giờ quên những khó khăn từng trải qua lúc chập chững kinh doanh.
2008, khi đang là sinh viên của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong khi bạn bè còn mải miết học ở trường thì anh lao vào học môi giới bất động sản (BĐS) với sự nhiệt tình khôn tả. Sau hai tháng, anh hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ môi giới BĐS, là một trong số những người trẻ tuổi nhất trong 515 người đầu tiên tại Việt Nam thời điểm đó được cấp chứng chỉ này.
Một nam sinh viên vừa học vừa bán bất động sản quả thực không dễ dàng. Hàng loạt những khó khăn về kinh nghiệm, nguồn hàng, phương tiện, mối quan hệ… nối tiếp nhau xuất hiện.
Anh Trần Duy Hải đã buôn bán bất động sản ngay khi còn đang là sinh viên năm hai.
Anh Trần Duy Hải buôn bán bất động sản ngay khi còn đang là sinh viên năm thứ hai.
Anh nhớ lại: “Phải mấy tháng sau tôi mới bán được căn chung cư đầu tiên ở khu đô thị Việt Hưng. Đây là lần đầu tiên tôi kiếm được 5 triệu đồng, số tiền đó rất lớn đối với một sinh viên và tôi đã xúc động đến rơi nước mắt. Tôi lao vào đọc sách bán hàng, chăm chỉ gọi điện cho khách hàng hơn, chăm chỉ đi thăm tất cả các khu đô thị và các văn phòng cho dù trời nắng hay mưa to. Tôi dần có được những kinh nghiệm đáng kể về bất động sản, về các dự án tại Hà Nội”.
Đầu năm 2010, biết được thông tin về mở rộng sân bay Nội Bài, nhận thấy có dòng tiền 500 tỷ đổ vào đền bù 90 ha đất tại gần sân bay Nội Bài cộng với việc xây đường Nội Bài - Nhật Tân, anh Hải tin chắc giá đất ở khu vực này sẽ tăng đột biến. Anh kêu gọi vốn để mua những lô đất rộng rồi chia ra thành những ô có diện tích nhỏ khoảng 50 - 60m2 bán cho khách hàng. Mọi chuyện diễn ra dường như quá thuận lợi.
Thế rồi đột ngột lô đất anh mới đặt cọc 30.000.000 đồng để mua và nhận cọc 50.000.000 đồng để bán giờ vướng vào yếu tố pháp lý không thể ký được. Giao dịch đầu tiên thất bại, tinh thần anh suy sụp.
Anh tâm sự: “Sự việc lần ấy khiến tôi mất uy tín với công ty vì để công ty bị phạt 50.000.000 đồng, mất uy tín với cả bên bán, bên mua. Đang 56 kg tôi gầy hốc hác chỉ còn 49 kg. Đây có thể nói là những ngày tháng khó khăn nhất trong cuộc đời”.
Rời khỏi công ty với một “vết thương”, không chịu bỏ cuộc, anh tiếp tục với kế hoạch mới là tập trung vào đất thổ cư gần sân bay Nội Bài, mua diện tích lớn, bán diện tích nhỏ cho người có thu nhập thấp.
Rồi vận may cũng bất chợt đến khi một người đồng nghiệp đầu tư vào một lô đất rộng và giao cho anh toàn quyền bán. Mỗi lô đất bán đi, anh Hải sẽ được 10 triệu. Anh đã bán được hầu hết và kiếm về những khoản tiền lớn tới mức không ngờ, từ mấy chục đến hàng trăm triệu, cuộc sống của anh dần thay đổi.
Tính đến cuối năm 2010, chỉ riêng tiền môi giới cho hơn 50 lô đất, 50 giao dịch lớn nhỏ anh Hải đã thu về khoản tiền gần 1 tỷ đồng. Cộng với việc mua đi bán lại một số lô đất, chỉ 5 tháng sau đó, anh đã có hơn 1 tỷ đồng. Từ hai bàn tay trắng, nhờ chọn đúng thị trường, chọn đúng phương pháp, chăm chỉ làm việc, anh đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và sở hữu trị giá tài sản rất lớn.
Anh nói: “Kể ra câu chuyện này, tôi không nhằm mục đích khoe khoang với các bạn về tổng tài sản tôi đang có, hay kể chuyện như thể tôi là một người giỏi giang. Tôi chỉ mong rằng thông qua câu chuyện, các bạn trẻ đang ôm giấc mơ khởi nghiệp hãy biết ước mơ, có mong muốn và có niềm tin để biến ước mơ đó thành hiện thực. Khó khăn ai cũng sẽ gặp qua, thành công sẽ chẳng đến một cách dễ dàng. Hãy suy nghĩ tích cực, cố gắng đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Nếu làm được như vậy thì thành công sẽ sớm tìm đến với các bạn”.
"Nhiều con đường dẫn tới thành Rome"

Là một người trẻ năng động, Phạm Ngọc Thắng (sinh viên năm cuối, ĐH FPT) đã xây dựng các sản phẩm công nghệ để tham gia khá nhiều cuộc thi khởi nghiệp. Thành lập được công ty, hiện đang là Co-founder tại EduHub.vn, với không ít kinh nghiệm trên chặng đường đã đi, cũng như hai nhân vật trên, hành trình khởi nghiệp của Thắng không dễ dàng.

Theo Thắng, có một số con đường mà giới trẻ đang thực hiện để khởi nghiệp là trước khi thành lập công ty thì tìm kiếm các cuộc thi để được nhận sự hỗ trợ về tài chính, truyền thông; cách khác là tự thành lập công ty rồi sau đó tham gia thi; hoặc mở công ty làm độc lập và không cần tham gia bất cứ cuộc thi nào….

Mỗi cách đều có điểm hay, dở và người trong cuộc cần rất tỉnh táo, sáng suốt để đưa ra quyết định cuối cùng.

Phạm Ngọc Thắng hiện đang là Co-founder tại EduHub.vn
Phạm Ngọc Thắng đang là Co-founder tại EduHub.vn
“Đi thi có nhiều cái lợi và bất lợi như được tiếng, được đầu tư, được kinh nghiệm nhưng thi không khéo có thể bị mất ý tưởng, mất hợp đồng. Tự lập công ty để tiến hành dự án thì tận dụng được thời gian, nhận hợp đồng ngay nhưng cũng có nhược điểm là không được cọ xát, thiếu cơ hội networking qua các cuộc thi...”, Thắng "bật mí".

Có khá nhiều bạn trẻ mở được công ty nhưng làm sao để giữ cho công ty hoạt động ổn, lợi nhuận đều thì không hề dễ.

Thắng cho rằng, để khởi nghiệp tốt thì vốn hay ý tưởng không phải thứ quan trọng nhất mà chính là con người. Nếu tìm được một đội ngũ giỏi, đồng tâm, thì cơ hội gặt hái thành công sẽ rất cao. Ngoài ra, trước khi khởi nghiệp, các bạn trẻ cũng nên đi làm một thời gian để cọ xát và tích lũy một số kinh nghiệm thực tế.

Thanh Thu

Đọc thêm