Bài phát biểu gây bão và triết lý "cuộc đời không có chữ giá như"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy sống trong giây phút hiện tại. Nếu ta quá ưu tư tiếc nuối về quá khứ, hay lo nghĩ mơ mộng về tương lai, để luôn hoang mang lo sợ ta sẽ đánh mất mình trong hiện tại bởi những toan tính được mất, hơn thua, thành công hay thất bại.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Trân quý hiện tại, không câu nệ quá khứ, đón nhận tương lai

Bài phát biểu mang tên "Hãy sống với hiện tại" của ông Horie Takafumi (sinh năm 1972), giám đốc doanh nghiệp, nhà văn, người dùng Youtube có tiếng ở Nhật Bản. Đây cũng là những lời gửi gắm của ông Horie Takafumi với các sinh viên trường Đại học Kinki (Nhật Bản) trong lễ tốt nghiệp năm 2015. Dưới đây là một phần bản dịch của bài phát biểu do ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tiến sĩ Sử tại Nhật.

"Xin chào các bạn!

Giờ đây các bạn đã kết thúc cuộc đời hơn 20 năm vốn được chạy trên thanh ray đặt sẵn kể từ lúc sinh ra. Tôi nghĩ rằng từ giờ trở đi các bạn sẽ bước vào thế giới không có đường ray giống như đường ray đã có.

Cho đến lúc này sau khi tốt nghiệp, các bạn đã tìm được việc làm và rất có thể đã nghĩ mình sẽ có cuộc đời bình thường khi làm ở cùng một công ty cho đến lúc về hưu, trong khoảng thời gian đó thì lập gia đình, xây nhà. Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ chỉ có một bộ phận các bạn thật sự có tương lai như thế, chính xác ra phải là có thể có được tương lai như thế.

… “Và rồi các bạn sẽ phải sống và cạnh tranh với những người như thế trên cùng một vũ đài. Tôi cho rằng có lẽ những người không nỗ lực mà ban đầu đã nói tới sẽ không thể tồn tại được. Từ giờ về sau, xã hội đầy khó khăn đang chờ các bạn.

Nếu như các bạn nghĩ khi tìm được việc rồi là yên tâm thì các bạn đã sai lầm lớn. Những công ty mà các bạn nghĩ rằng mình có thể làm ở đó trọn đời rất có thể một lúc nào đó sẽ bị phá sản hoặc sáp nhập vào công ty nào đó. Các bạn hãy coi đó là tiền đề để mà sống.

Và đó không phải chỉ có công việc. Từ giờ về sau có lẽ quan hệ giữa con người với con người cũng sẽ thay đổi lớn. Cả chế độ gia đình cũng sẽ thay đổi lớn. Những gì là thường thức bây giờ có khả năng lớn sẽ trở thành thứ không thông dụng sau 10, 20 năm nữa.

Khi đó, các bạn phải làm gì đây? Trước tiên, giống như tôi nói, các bạn phải trang bị cho mình năng lực tự mình thu thập thông tin, tự suy nghĩ và hành động bằng cái đầu của mình.

Và không được để các điều thường thức đó trói buộc. Những thứ mà các bạn nghĩ là thường thức hiện nay có nhiều thứ không hề là thường thức trong khoảng 20 năm về trước. Những thứ gọi là thường thức, đạo đức, luân lý sẽ được viết lại một cách đơn giản trong khoảng 5 hoặc 10 năm. Và tôi nghĩ tốc độ của nó sẽ được thúc đẩy thêm bởi toàn cầu hóa. Cho dẫu vậy không được phép bi quan về tương lai. Tôi nghĩ tương lai phụ thuộc vào trái tim của các bạn.

Và rồi có người sẽ nghĩ rằng tôi đã từng trải qua rất nhiều thất bại. Khi muốn chinh phục thì xác suất thất bại sẽ tăng lên. Trái lại cũng có thể khi không chinh phục điều gì thì sẽ không thất bại. Nhưng nếu làm thế sẽ không thể có được thành công. Vì vậy phương pháp xử trí tốt khi thất bại là thực hiện việc phòng chống tái thất bại ở giai đoạn vừa thất bại.

Đó là việc suy nghĩ ngay xem phải làm gì để không thất bại tương tự lần thứ hai. Và sau khi nghĩ xong thì uống rượu làm ầm ĩ lên và rồi quên mất. Ngày tiếp theo thì quên sạch. Tôi cũng thế. Và rồi từ giờ trở đi khi tiến hành chinh phục thử thách thì nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ gặp thuận lợi.

Tôi thường có rất nhiều cơ hội để nói chuyện với những người thuộc thế hệ như các bạn. Trong số các bạn có rất nhiều người nói rằng "do toàn cầu hóa mà từ giờ trở đi tôi sẽ phải đi trên con đường không có lối đi sẵn. Thật là nhọc. Thật là nhọc", "có lẽ tôi sẽ không thể nhận được lương hưu", "Nhật Bản từ giờ trở đi sẽ ra sao?", "Tôi cảm thấy rất lo lắng". Cho dẫu vậy, tôi không hề nghĩ về chuyện khi về già. Hãy nghĩ về chuyện về già sau khi đã già.

Cho dù chuẩn bị như thế nào đi nữa thì chuyện của 50 năm sau cũng không thể nào rõ được đâu.

Nếu là con người, tôi chỉ có thể dự đoán được tương lai 5 năm. Mười năm về trước liệu các bạn có thể tưởng tượng được rằng giờ này mình cầm smartphone và vừa đi vừa dùng smart phone để vào twitter hay line không? Nghĩ đi các bạn. 10 năm về trước.

Chắc chắn là không thể phải không nào? Tôi cũng không thể tưởng tượng được. Vì thế việc suy nghĩ về tương lai như thế là không có ý nghĩa gì. Và chắc chắn các bạn cũng không có thời gian rỗi để luyến tiếc quá khứ. Bởi vì tôi nghĩ rằng do toàn cầu hóa cạnh tranh gay gắt cho nên chỉ có cách là vui đón tương lai.

Vậy thì làm thế nào để có thể vui đón nó? Đó là hãy sống hết mình với hiện tại.

Tôi có thể chinh phục nhiều thử thách để rồi vừa trải qua nhiều thất bại, vừa bị nhiều người phản bội mà vẫn có thể vui vẻ sống như thế là vì tôi đã sống với hiện tại. Đó là vì tôi đã sống tập trung vào hiện tại. Khi tôi tập trung, tôi sẽ tập trung đến mức không nhìn thấy xung quanh.Tôi có thói quen say mê một thứ gì đó đến độ quên cả ăn cả ngủ. Tôi mong các bạn cũng sẽ như thế. Tôi nghĩ điều quan trọng khi sống từ giờ trở đi là tập trung vào việc trước mắt. Những thứ như kế hoạch dài hạn là thứ chẳng có quan hệ gì.

Cuối cùng tôi muốn gói gọn lại những lời đã nói hôm này thành món quà tạm biệt. Món quà ấy sẽ là gì nhỉ? Đó là lời tôi muốn gửi tặng các bạn.

Đừng sợ tương lai, đừng câu nệ quá khứ, hãy sống với hiện tại.

Cuộc đời không có “giá như”

Ngày nay, khi biết kết quả công việc không được như mong muốn, nhiều người thường nói "nếu như lúc đó...", trong cuộc đời không có hai chữ "nếu như", chỉ có kết quả và hậu quả. Tất cả những gì bạn trải qua đều là kết quả từ sự lựa chọn của bạn lúc trước, bất luận là tốt hay xấu, buồn hay vui bạn cũng nên học cách nhìn nhận vấn đề, tìm ra cách khắc phục để sau này không mắc phải những sai lầm như thế nữa.

Những gì mà chúng ta có được ngày hôm nay đây chính là phúc đức mà chúng ta đã tích từ trước. Mọi thứ trên thế giới đều liên quan chặt chẽ với nhau. Khi chúng ta đến thế giới này, mọi thứ chúng ta đã trải qua là kết quả từ sự tu luyện của chính chúng ta. Sự lựa chọn nào cũng đều rất quan trọng, đều cần phải suy nghĩ cẩn thận. Bước sai một bước đều rất khó để quay đầu lại, bước sai một bước rất khó có được ngày mai.

Đời người như con thuyền trên sóng nước. Nếu chở quá nhiều đồ đạc thì thuyền sẽ nặng nề trôi đi và dễ bị nhấn chìm trong bão tố. Còn nếu mang càng ít đồ đạc thì thuyền sẽ lướt nhanh và cho ta nhiều trải nghiệm đáng quý.

Trên hành trình cuộc sống, đa số mọi người đều mang bên mình quá nhiều hành lý, đó là những ham muốn về giàu có, quyền lực, danh tiếng… Khi có càng nhiều thì lại càng dễ bị mắc cạn giữa lưng chừng đường, họ mãi mãi không thể chạm được tới vạch đích cuối cùng, để rồi khi bừng tỉnh mới ân hận xót xa mà thốt lên rằng: “Giá như…”.

Những lời cuối cùng ấy không hiện diện đâu khác mà ở ngay tại những người ta thầm ngưỡng mộ. Suốt đời họ theo đuổi tiền tài, danh vọng và họ nghĩ rằng mình đã có tất cả. Nhưng lúc sắp xa lìa thế gian họ mới bừng tỉnh nhận ra, tất cả những gì đạt được không đem lại cho họ hạnh phúc, mà hạnh phúc nằm ngay tại trái tim họ, nơi mà yêu thương còn ở lại trước khi họ ra đi.

Đó là câu chuyện có thật của cố giám đốc điều hành Apple Steve Jobs, hay vị tỷ phú nổi tiếng Vương Quân Dao, hoặc bác sỹ phẫu thuật thẫm mỹ tài ba Richard Teo Keng Siang.

Họ đều là những người thành danh tột đỉnh, cuộc sống giàu có xa hoa, sở hữu khối tài sản kếch xù mà hàng triệu người ao ước, và đều phải dừng lại khi tuổi đời còn quá trẻ hoặc đang trên đỉnh cao danh vọng.

Nhưng đến cuối cùng họ mới chợt nhận ra ý nghĩa nhân sinh để khuyên nhủ những người ở lại bằng lời chia sẻ hết sức chân tình. Đó chính là, tiền bạc, địa vị mà họ từng theo đuổi trước đây đều không mang lại hạnh phúc; khi đối mặt với cái chết họ mới biết tình yêu thương quan trọng như thế nào, điều mà họ từ lâu đã thờ ơ quên lãng.

Chẳng hạn như câu chuyện của bác sỹ Richard Teo Keng, cả cuộc đời anh đã đạt bao nhiêu giải thưởng danh giá, sự nghiệp huy hoàng… Nhưng suốt cuộc hành trình ấy, anh chỉ cần biết bệnh nhân sẽ đóng bao nhiêu tiền để mình làm việc chứ chưa từng nghĩ đến cảm giác đau đớn của người bệnh, cho đến khi anh thật sự là một bệnh nhân như họ.

Anh cảm thấy hối hận và nói rằng, nếu kiếp sau được làm bác sỹ một lần nữa, anh sẽ chọn làm bác sỹ chữa bệnh chứ không phải bác sỹ thẩm mỹ. Anh cảm thấy mình đã quá thờ ơ với cảm xúc của người khác và bây giờ nằm trên giường bệnh chính anh phải nếm trải điều đó.

Hay Steve Jobs cũng từng nhắn nhủ rằng: “Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện. Vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn. Mất tài sản thì có thể tìm lại được, nhưng có một cái khi đã mất là không thể tìm lại được, đó là "sự sống".

Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng, tất cả phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống. Làm ơn hãy nâng niu và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu, gìn giữ sức khỏe cho bạn và chăm sóc người thân của bạn”.

Còn tỷ phú Vương Quân Dao: “Theo đuổi tiền tài chỉ làm con người tham lam hơn và sống nhạt nhẽo, biến họ thành những hình hài kỳ quái giống như tôi hiện tại. Lúc Thượng Đế tạo ra con người với đầy đủ giác quan, là muốn con người cảm thụ vạn vật bằng tất cả con tim, chứ không phải niềm vui mang đến từ tiền bạc. Tôi đã kiếm được rất nhiều tiền khi còn khỏe mạnh, nhưng khi chết, tôi lại không mang theo được thứ gì.

Tình thương yêu không có quan hệ đến vật chất, chúng không phai mờ và mất đi, có được nó mới là thật sự giàu sang. Tình thương sẽ đi theo, luôn bên cạnh, tiếp thêm động lực và tạo ra ánh sáng soi đường cho mỗi bước đi đúng đắn. Còn tiền bạc sẽ không đi theo con người ta mãi mãi”.

Hầu như trong cuộc sống thời nay, đi đâu ta cũng bắt gặp người người hối hả lao vào cuộc sống mưu sinh. Người nghèo khó thì đầu tắt mặt tối chỉ mong kiếm được đủ ăn qua ngày, người trung bình cũng lo tất bật cho con cái được bằng bạn bằng bè, người giàu có thì cũng tối ngày lo đến các mối quan hệ giao tiếp bên ngoài để được giàu có hơn. Nhưng mấy ai dừng lại một chút để suy nghĩ rằng: Vậy rốt cuộc, cuối hành trình cuộc sống ta sẽ mang theo được gì và nó có ý nghĩa thế nào với chính ta?

Tiền tài, vật chất, giàu sang đối với mỗi người trong cuộc sống này đều thật sự quan trọng. Nhưng đừng biến nó thành thứ mà bạn theo đuổi mà hy sinh cả cuộc sống hiện tại, đừng vì nó mà bạn đánh mất những thứ hạnh phúc giản đơn đang hiện hữu xung quanh mình.

Đừng quá kỳ vọng vào bất kỳ điều gì, bình tâm mà đón nhận mọi thứ. Được cũng là phúc của mình, mất là do mệnh của mình. Đừng vì đạt được một thành tích nhỏ mà đã dương dương tự đắc, đừng vì thất bại nhỏ mà đánh mất niềm tin. Được cũng chưa chắc đã là phúc, mất cũng chưa chắc đã là họa.

Hành trình cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, có đôi lúc là nỗi buồn, đôi lúc là niềm vui, nhưng mấy ai tự hỏi rằng nó có thật sự khiến tâm ta “an lạc”? Hay là bon chen vội vã trên suốt hành trình ấy để rồi đến tuổi 60 ta mới nhận ra: Dẫu là quan khoác áo gấm hay chỉ là thường dân áo vải, cuối cùng cũng nằm dưới nắm đất vàng mà thôi.

Có thể bạn chẳng có số làm quan, nhưng chắc chắn bạn biết làm người; có thể tiền bạc thiếu thốn nhưng nội tâm bạn chắc chắn đủ đầy. Đừng để khi tử thần đến ta mới chợt nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều thứ mà bây giờ muốn có thêm thời gian để khắc phục thì cũng không kịp nữa rồi.

Vì thế, cuộc sống chính là hãy biết quý phút giây hiện tại bởi thời gian qua đi thì không thể lấy lại được, và ngày mai cũng chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hãy sống và chiêm nghiệm cuộc sống, học hỏi và làm những gì có ích. Nếu yêu thương thì hãy cố gắng yêu thương, trau dồi cho mình những kiến thức về Đạo, về đời để thân tâm an lạc giữa nơi chốn đầm lầy. Có như vậy thì từng ngày trôi qua đều là những ngày ý nghĩa nhất mà ta không hối tiếc, dù đang ở điểm cuối của hành trình.

Ngày xưa khi quần áo chỉ có mặc lại của anh chị, mỗi cái đều là báu vật quý và cảm thấy rất yêu thích, mãn nguyện. Còn ngày nay, khi mà tủ quần áo có đến cả vài chục bộ, kiểu cách đa dạng, quần áo treo đầy tủ nhưng bạn vẫn cảm thấy chúng chưa đủ đẹp.

Khi còn nhỏ chúng ta từng vui vẻ chỉ với vài cái dây thun, những viên bi tròn, gấp giấy thành máy bay. Tất cả đều không phong phú nhưng chúng lại khiến ta cảm thấy vui vẻ cả ngày. Ngày nay khi có quá nhiều thứ để chơi, điện thoại bao nhiêu loại game, khoa học kỹ thuật đem lại cuộc sống giải trí ngày càng phong phú nhưng đồng thời nó cũng khiến chúng ta khó tìm lại được cảm giác thân thiết, chơi đùa cùng với bạn bè đã không còn.

Đến khi chúng ta đủ trưởng thành, chúng ta mới nhận ra, tiền có thể từ từ kiếm nhưng có rất nhiều thứ mà một khi đã đánh mất thì không bao giờ còn cơ hội để kiếm lại được. Bởi vậy, hãy trân trọng cuộc sống trước mắt. Bởi vì có thể chỉ sau 1 giây sau đó những điều xảy ra đã trở thành quá khứ mà bạn chỉ có thể chìm trong hồi ức mà ngẫm nghĩ về nó chứ không thể lấy lại được nữa.

“Tương lai còn ở chân trời xa tít, có ai biết nó sẽ ra sao mà mơ tưởng viển vông không thực tế. Ta chỉ tin nhân quả, buông xả những ý niệm đã qua, sống ngay với giây phút hiện tại, ta tham, ta giận, ta si mê, ta đều biết rõ, nhờ vậy ta sẽ cảm thấy an ổn nhẹ nhàng.

Nếu ta không biết chấp nhận hiện tại như nó đang là, để sống bình thản an nhiên với những được mất, hơn thua của dòng đời thì dung sắc của ta sẽ nhanh chóng héo tàn như lau xanh lìa cành. Một tinh thần giáo dục nhân bản mà Thế Tôn truyền dạy là tinh thần biết sống và bằng lòng với những gì đang có trong hiện tại.

Phật dạy: Không than việc đã qua, không mong việc sắp tới, sống ngay với hiện tại, do vậy sắc tốt tươi. Do mong việc sắp tới, do than việc đã qua, nên kẻ ngu héo mòn, như lau xanh lìa cành”.

(Thích Đạt Ma Phổ Giác - Vườn hoa Phật giáo)

Đọc thêm