Những ngày này, khi dịch bệnh tay chân miệng (TCM) chưa có thuốc đặc trị đang ngày càng là nỗi sợ hãi với nhiều người thì thông tin bài thuốc nam của một nông dân tại Quảng Ninh có thể chữa dứt cơn bạo bệnh này như một “quả bom” khiến nhiều người hoài nghi. Phóng viên Pháp luật & Thời đại đã tìm về Tổ 1, Khu 4, phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là nơi “cha đẻ” của bài thuốc - ông Đoàn Văn Giang (49 tuổi) cư ngụ để tìm hiểu sự việc.
“Bí kíp” của ông Giang là những bài thuốc chép tay mẹ để lại |
“Thần dược” từ cây dại
Lão nông này cho rằng bệnh TCM trong vùng ông ở thường có mùa dịch vào thời gian trước và sau Tết, khi độ ẩm trong không khí tăng cao thì bệnh TCM sẽ có sức lây lan mạnh, đối tượng thường mắc bệnh là các em nhỏ từ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi. Ban đầu bệnh biểu hiện như sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước to bằng đầu đũa, màu đỏ ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và ấn không có cảm giác đau. Một số trẻ mắc bệnh có kèm triệu chứng nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.
Ông Giang cho biết diễn biến căn bệnh như sau: “Lúc đầu bệnh nhân thường sốt nhẹ, sau đó ho. Rồi trên da bắt đầu xuất hiện một vài mụn như phỏng dạ. Thường những lúc này người bệnh mới tìm đến để chạy chữa, có người để nặng hơn, mụn đã mọc dày đặc. Nhưng khi dùng thuốc được khoảng 1-2 ngày, thuốc sẽ phát huy tác dụng, mụn mọc nhiều hơn, ngứa hơn và tập trung ở tay, chân, miệng”. Lão nông này cho rằng để chữa bệnh TCM, bệnh nhân cần phải tuyệt đối tuân theo những kiêng kị: Đầu tiên phải tránh gió, nước lạnh, đám tang; kiêng ăn thịt gà, cá đối, tôm, mực ... Mục đích chính của những kiêng kị nêu trên là ngăn chặn sự phát triển của bệnh.
Khi người bệnh đã kiêng kị, ông sẽ dùng bài thuốc với thân, lá của cây có chất kích thích tác động trực tiếp vào vùng bệnh. Thuốc cho vào nấu sôi càng kỹ càng tốt, nước càng đặc thì tác dụng càng cao, rồi cho người bệnh tắm, đặc biệt chú ý đến những vùng nhiều mụn đỏ, một ngày tắm một hoặc nhiều lần. Tiếp theo, ông dùng những loại cây thuốc đã bốc mang đun sôi, nấu cô lại và người bệnh sẽ uống thuốc này thay nước uống hàng ngày. “Uống càng nhiều, bệnh càng nhanh khỏi. “Nội kích ngoại nhập” để người bệnh thoát độc”, ông giải thích.
Đối với người bệnh nhẹ, chỉ cần tắm và uống một thang thuốc, những trường hợp này thường không để lại vết thâm và sẹo lõm. Những người bệnh nặng thì phải dùng hai thang thuốc để uống và tắm trong một tuần thì khỏi. “Nếu người bệnh không kiêng cữ theo lời dặn, thì thời gian chữa bệnh sẽ kéo dài nhưng lâu nhất cũng chỉ một tuần là bệnh “tiệt nọc””, lão nông này tự tin.
Mang băn khoăn về việc không hiểu bài thuốc có những “thần chất” nào mà có thể chữa căn bệnh nan giải, lão nông này cho rằng: “Cây thuốc phải lấy ở tận những khu rừng nguyên sinh, một số cây quý hiếm thì tôi đã mang về nhà nhân giống. Cây thuốc sau khi được tìm chọn và mang về sẽ được thái ra phơi khô”. Gặng hỏi tên của những loại cây này, ông Giang cho biết: “Bài thuốc chữa bệnh TCM chỉ gồm 3 loại cây thuốc, trong có một loại có tên là dây kim ngân hoàng”. Ông cũng nói thêm: “Đây là loại thuốc khó uống, có vị đắng chát và càng nấu càng đắng nên chỉ cần nấu sôi trong khoảng 15-20 phút là vừa đủ”. Đối với các bệnh nhân nhỏ tuổi không chịu uống, ông bày cho “mẹo” uống kèm thuốc với mật ong để vừa dễ uống, vừa bổ dưỡng.
Chân dung lão nông kiêm thầy lang Đoàn Văn Giang |
Thầy lang “không ồn ào”
Vẫn mang những hoài nghi về việc không rõ bài thuốc này chỉ là chữa bệnh thủy đậu thông thường hay đích thực chữa chân tay miệng, nhóm phóng viên Pháp luật & Thời đại đã dò hỏi những người dân địa phương về thông tin những người đã từng chữa bệnh tại đây. Người đầu tiên là anh Nguyễn Trọng Hùng (ngụ thành phố Hạ Long) bố của một cháu bé hai tuổi. Anh cho biết trước Tết Nhâm Thìn hơn một tuần, con anh bị sốt, ho rồi nổi mụn ở lòng bàn tay, sau đó lan lên khiến mặt sưng to.
Anh thấy bệnh con mình giống như bệnh TCM vẫn thường được phổ biến trên vô tuyến. Lại lo lắng hơn nữa khi nghe nói bệnh này thuốc Tây chữa không hiệu quả nên vợ chồng đôn đáo tìm nơi chạy chữa và được mách đến lão nông Giang. “Giờ thì cháu đã khỏi, chỉ còn trên mặt một ít di chứng thôi”, anh Hùng nói. Di chứng mà anh Hùng nhắc đến là một vài vết sẹo lõm mới và vẫn còn hồng tím trên gương mặt bầu bĩnh của cháu bé.
Một trường hợp khác là con gái của chị Nguyễn Quý Diệp (ngụ thị trấn Quảng Yên, Quảng Ninh). Sau khi phát hiện triệu chứng, chị Diệp đã đưa con đến Bệnh viện đa khoa Yên Hưng khám và được khẳng định cháu mắc bệnh TCM. Bà mẹ này đưa con đến “cậy nhờ” bài thuốc nam khi đứa bé đã ở trạng thái nôn mửa, mụn mọc chi chít ở tay, mặt, và mông. “Tôi được thầy lang đưa hai gói thuốc lá và thú thực lúc đầu cũng thấy nghi hoặc nhưng có đánh liều cho cháu tắm thử. Bữa đầu tiên cháu đã ngưng nôn nhưng ngứa hơn. Rồi hôm sau cháu bớt ngứa, mụn lặn dần. Được hơn một tuần là cháu khỏe lại”, bà mẹ này cho biết.
Cha mẹ cháu bé này cho rằng vừa được ông Giang chữa khỏi bệnh TCM |
Được biết hiện nay lão nông này “vừa bán vừa biếu” một thang thuốc với giá 60 ngàn đồng. Khi được hỏi về lượng người bệnh TCM ông đã chữa, ông cười thành thực: “Tôi không nhớ nổi và thành thật là trước đây không biết bệnh TCM là bệnh gì, thấy người ta đến chữa gọi bệnh như thế thì biết vậy thôi. Tôi cũng không phát minh ra thuốc, chỉ chữa theo bài thuốc gia truyền của gia đình”. Hỏi sao ông không treo biển quảng cáo hay chỉ dẫn, ông trả lời: “Cái nghề tay trái giúp được người là tốt rồi, ai lại ồn ào làm gì”.
Tìm đến chính quyền địa phương nơi gia đình lão nông này sinh sống để xác thực thông tin, chúng tôi được ông Bùi Quốc Uy, Chủ tịch UBND Phường Đại Yên xác nhận: “Gia đình ông Giang đã chữa khỏi bệnh TCM cho nhiều người bằng thuốc Nam. Chính vì nhờ bài thuốc này mà trên địa bàn phường năm nay không có trường hợp nào nguy kịch hay tử vong do bệnh TCM”. Vị Chủ tịch phường cũng cho biết gia đình ông Giang đã có ít nhất hai đời làm nghề bốc thuốc, ông được mẹ là bà lang Chao truyền nghề.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, dịch bệnh TCM đang lây lan với tốc độ nhanh và diễn biến phức tạp, riêng tháng 8/2011 ghi nhận gần 12 ngàn trường hợp mắc bệnh với 24 trường hợp tử vong. Vì thế đọc đến đây nhiều bạn đọc không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi vì sao một bài thuốc Nam có tác dụng như vậy lại bị “bỏ xó” tại một miền heo hút. Với bài viết này, Pháp luật & Thời đại không khẳng định bài thuốc của lão nông Giang có hiệu quả không hay hiệu quả đến mức nào, chỉ mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để đi đến kết luận rõ ràng: Nếu bài thuốc này có tác dụng thì cần thiết nghiên cứu, nhân rộng để có thể cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn nữa.
Bệnh TCM là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột của họ Picornaviridae gây ra. Giống vi rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxsackie A và virus Enterovirus 71 (EV-71). Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ em. Cho đến nay, thế giới chưa có vắc-xin để phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh TC . Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng của người đã mắc bệnh. Có thể có các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não dễ dẫn đến tử vong. |
Hương Huyền