[links()] Sống ở miền sơn cước ngày ngày có thể phải đối mặt với hiểm họa rắn độc, từng gặp nhiều trường hợp người bệnh chết tưc tưởi vì rắn độc căn nên ông Trần Văn Bảy (SN 1950, ngụ xóm Gò Ốc, thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã tìm ra bài thuốc cực kỳ hiệu nghiệm để chữa mọi loại vết thương từ rắn độc gây ra. Từ 30 năm nay, bài thuốc này được người dân địa phương cho rằng là “thần dược của người nghèo”.
Ông Bảy đang khám bệnh |
Lá cây dại có công dụng thần kỳ
Cái duyên đến với nghề chữa rắn cắn của ông Bảy bắt đầu từ năm 1978, khi có dịp gặp một ông lão người Phan Rang về làng này thăm người quen. Dịp ấy trong làng có một người bị rắn hổ phù cắn gần chết, ông lão biết chuyện nên tìm đến và cứu bệnh nhân thoát khỏi bàn tay tử thần chỉ bằng vài nắm lá cây.
“Phục lăn” tài năng của ông lão, anh thanh niên Bảy khi đó khẩn khoản xin phép được làm đệ tử và được ông lão đồng ý. Lang thang cùng ông cụ trong suốt 3 năm “tầm sư học đạo”, vừa được “sự phụ” tin tưởng truyền nghề, lại thêm này mò tự chế từ kinh nghiệm những lần xem thầy chữa bệnh nên anh thanh niên cần cù này đã nắm đầy đủ những bí quyết chữa rắn cắn. Thành nghề, anh xin phép thầy trở về quê dùng biệt tài của mình để cứu người.
Biệt tài của ông Bảy là chỉ cần nhìn vết thương đã xác định được khoảng 70% đó là do loại rắn nào cắn. Kinh nghiệm cho biết những loại rắn cực độc thường là nhóm rắn hổ (hổ trâu, hổ chúa, hổ phù, hổ lửa, hổ đất…) và rắn mai gầm. Những loại rắn này vết cắn to, dấu răng hàm in rõ trên da người và thường có vết bầm tím xuất hiện rất nhanh sau khi bị tấn công. Nhóm rắn thứ hai có vết cắn nhỏ, dấu răng dày khít, ít độc hơn gồm rắn lục và các loại rắn khác.
Khi đoán được vết cắn và chia làm hai nhóm cực độc với ít độc, ông sẽ có những bằng bài thuốc lá cây đặc trị riêng. Trước khi cho nạn nhân dùng thuốc, những thủ thuật ban đầu bắt buộc ông phải sử dụng như sau: Khi tiếp bệnh nhân nhất thiết phải buộc ga rô để ngăn chặn chất độc từ răng rắn theo đường tĩnh mạch chạy về tim và hệ thần kinh trung ương.
Sau khi buộc ga rô xong, phải xem rồi xác định vết cắn đó thuộc nhóm rắn nào, nông sâu, vị trí vết cắn và mức độ nguy hiểm biểu hiện trên thể trạng nạn nhân mà có cách thêm bớt thuốc khác nhau. Bước tiếp theo sau khi xác định được vết cắn là phải nẻ máu bằng cách rạch dọc chỗ vết cắn một đường ngắn rồi dùng tay nặn máu độc chảy ra, tuyệt đối không dùng miệng hút vì dễ nhiễm khuẩn vết thương và tránh chất độc vào cơ thể người khác.
Tiếp theo ông dùng tám loại lá cây: Bạch hoa xà, Kim hoàng, Nam thiên hoa phấn, cây nổ lá nhỏ, lá bàn biển, lá trầu lương, đọt thơm non, lá bồ ngót, mỗi loại lá hái độ một nắm tay người, giã nhỏ hòa với nước cho uống ngay, nếu bệnh nhân nào không há miệng được phải cạy miệng hoặc đặt ống đổ thuốc vào cơ thể kịp thời.
Xác thuốc này không vứt đi mà đắp lên xung quanh vết cắn rồi cho bệnh nhân nằm thở đều, tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh qua sắc diện và triệu chứng biểu hiện. Thông thường chỉ sau độ 15 phút, thuốc sẽ có hiệu quả. Những trường hợp phản ứng chậm, tình trạng bệnh nhân mệt thì cũng kéo dài khoảng độ vài tiếng đồng hồ rồi sẽ tỉnh và có thể có biểu hiện vã mồ hôi, nôn ọe, khát nước liên tục.
Ông Bảy đang giới thiệu cây thuốc |
Thầy thuốc chê tiền
Ngoài thuốc uống và đắp tại chỗ, sau khi cấp cứu xong ông Bảy còn cho bệnh nhân thêm vài gói thuốc cũng được chế biến bằng lá cây về nhà uống. Ca nào nặng thì uống từ 5 - 6 ngày, ca nào nhẹ thì từ 2 - 3 ngày. Nếu làm đủ đúng các bước trên, ông Bảy khẳng định: “Hễ ca rắn cắn nào đến đây kịp thời đều khỏi và tuyệt đối không để lại biến chứng gì, kể cả những ca đã hoại tử thịt hay tắt mạch máu”.
Một điều khác ông lưu ý là bệnh nhân tuyệt đối trong thời gian điều trị không được uống rượu bia. Bài thuốc trên không chỉ chữa cho các ca bệnh bị rắn cắn mà còn có thể sử dụng trong những trường hợp bị rết, đẻn biển, nhện độc… tấn công. Điều quan trọng nhất là chi phí chữa bệnh gần như không công: Những trường hợp bệnh nhẹ, ông chỉ lấy tiền công hái lá thuốc là 20 ngàn đồng.
Thường đã làm nghề gì thì “giấu đòn” nghề đó, nhưng ông Bảy thì lại không như vậy. Ông lão này quan có quan niệm phóng khoáng khi cho rằng bài thuốc không nên giấu giếm, mà nếu càng được phổ biến thì càng có thể chữa cho nhiều người gặp nạn hơn vì “sinh ra thuốc để chữa bệnh chứ không phải để giấu nghề”. Thế mới có chuyện nhiều người tìm đến đây chữa khỏi bệnh, thấy hay quá nên ngỏ ý hỏi bí quyết và ông lão sẵn sàng chép tay tên bài thuốc, cách dùng… gửi cho họ mà không một chút áy náy.
Suốt hơn 30 năm chữa bệnh, ông Bảy cho biết mình chưa từng “bó tay” trước ca bệnh bị rắn cắn nào và cũng không để xảy ra trường hợp sơ sẩy nào khác. Giúp người bằng tâm huyết và tình thương người nên những ca bệnh nặng nhất, điều trị dài ngày ông cũng chỉ lấy số tiền “kỷ lục” là 150 ngàn đồng, những ca thông thường chỉ 20 ngàn đồng, những trường hợp gia đình khó khăn thì ông không lấy tiền.
Chẳng trách bao nhiêu năm rồi ông Bảy vẫn nghèo, tá túc trong căn nhà rộng khoảng 10 mét vuông, đồ đạc lèo tèo chỉ cái giường, chiếc tủ thờ, bộ bàn ghế cũ kỹ... Căn nhà này cũng không phải do ông làm mà năm 2006, cảm kích trước tấm lòng của ông nên một Việt kiều từ Hà Lan tới chơi, thấy căn nhà tranh vách đất của ông lụp xụp nên đã giúp đỡ xây cho căn nhà này với số tiền khoảng 15 triệu đồng.
Căn nhà đơn sơ của ông Bảy |
“Năm rồi ổng cũng trở lại lần nữa và có ý định ủng hộ tiếp nhưng tôi từ chối, chỉ lấy chiếc áo làm kỉ niệm. Cũng có nhiều bệnh nhân đến thăm và ủng hộ tiền bạc nhưng tôi đều không nhận. Làm việc chủ yếu là ở cái tâm, không màng đến vật chất nhiều vì tôi cũng đâu có nhu cầu gì nhiều, thấy người khác vui là mình đủ mừng rồi”.
Ngoài giờ chữa bệnh tại nhà, ông Bảy còn kiêm thêm chức Phó Chủ tịch Hội Đông y xã, Trưởng ban an ninh trật tự thôn. Tài sản quý giá nhất của ông là la liệt những giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh về thành tích chữa bệnh cứu người treo trên mấy bức tường chật hẹp.
Ông Nguyễn Khương, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình xác nhận: “Ông Trần Văn Bảy hành nghề chữa rắn độc cắn rất hiệu quả và có cái tâm trong sáng, được nhiều người tin tưởng. Bài thuốc dân gian này không chỉ là tài sản của ông, mà còn khiến địa phương được “thơm lây” vì nhiều người đến chữa bệnh từng nói: “Không ngờ giữa thời buổi kinh tế thị trường này, vẫn có những người làm không vụ lợi như ông Bảy”.
(Còn tiếp)
Trực Tấn