Thông điệp đến từ những góc khuất
Gia Hân là một bé gái nhanh nhẹn, hoạt bát, hòa đồng với bạn bè. Nhưng thời gian gần đây em không như thế nữa. Em bỗng dưng thu mình lại, cáu gắt với bạn và có những hành động kỳ lạ, bất ổn. Đỉnh điểm của sự thay đổi của Gia Hân ở trường là khi cô giáo cho đề văn kể về kỷ niệm với gia đình, Gia Hân chỉ viết cụt lủn một dòng: “Em ghét bố vì bố đánh mẹ và quát em”. Từ bài văn kỳ lạ này, cô giáo của Gia Hân đã mời bố em đến trường để trao đổi, tìm nguyên nhân, cùng khắc phục dấu hiệu tâm lý bất ổn của em.
Người bố của Gia Hân sau buổi nói chuyện với cô giáo trở về rất trăn trở, trầm ngâm suy nghĩ và trong lúc vô thức đã ngồi vào bàn học của con, lật xem những tờ giấy vẽ tranh trên bàn học. Đó là những bức tranh Gia Hân vẽ mình và mẹ cùng dòng chữ: “Con ghét bố”, y như trong bài văn cô giáo đã đưa.
Ông bố ngồi nhớ lại nguyên nhân khiến Gia Hân ghét bố, đó là vì em đã chứng kiến những trận đòn bố đánh mẹ, kể cả trong bữa cơm gia đình. Cảm nhận được nỗi đau của con từ việc làm sai trái của mình, bố của Gia Hân đã khóc. Ông cầm bút đề vào bức vẽ của con gái dòng chữ: “Gửi con gái! Bố sai rồi! Yêu con!”.
Bộ ảnh “Góc khuất” gồm 8 bức ảnh mô tả về cuộc sống của một người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình. Nhìn vào gia đình của người phụ nữ ấy, ai cũng ngưỡng mộ vì sự ấm êm, hạnh phúc. Nhưng họ nào thấy được góc khuất đằng sau sự hạnh phúc ấy là những vết thâm tím vì bạo lực phủ kín thân thể người phụ nữ. Bởi cô ấy là chỗ trút giận của người chồng.
Người phụ nữ tự an ủi mình rằng gia đình này là niềm tự hào của con và các con của cô ấy cần một gia đình trọn vẹn. Thế nên cô ấy chọn im lặng, chọn chịu đựng bạo lực để giữ gia đình cho con. Nhưng cô ấy đâu hiểu rằng trong mắt của những đứa con thì nếu mẹ khóc làm sao con vui, mẹ im lặng nơi góc tối vì nụ cười của con, còn con chỉ biết im lặng nơi góc tối nhìn mẹ rơi nước mắt…
Trên đây là nội dung của hai sản phẩm truyền thông vừa được trao giải nhất (thể loại video) và nhì (thể loại emoji) của cuộc thi “Tôi lên tiếng – Tôi hành động” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Đại sứ quán Hà Lan, Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh tổ chức.
Điều đáng nói là cuộc thi được phát động từ ngày 20/08 đến 25/09/2020 nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông truyền tải các thông điệp về ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.
Trong một thời gian rất ngắn, chưa đầy một tháng nhưng đã có 105 bài dự thi, trong đó 75 bài tham gia thể loại hình ảnh/hình vẽ thiết kế, 24 bài tham gia thể loại video clip và 6 bài dự thi theo nhóm biểu tượng cảm xúc (emoji/ emoticon).
Các bài thi cũng đã nhận được những sự quan tâm lớn đến từ những người dùng mạng xã hội với 38.068 lượt chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau, bao gồm Facebook và TikTok. Điều này cho thấy, vấn đề bạo lực giới, bạo lực gia đình luôn được xã hội quan tâm, đặc biệt là những người trẻ.
Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - trao giải Nhất cho tập thể Công ty TT&T Travel-Media với tác phẩm “Bài văn kỳ lạ”. |
Mong muốn vấn đề bạo lực giới được giải quyết triệt để
Quay lại với bộ phim ngắn “Bài văn kỳ lạ”, nhóm tác giả thực hiện là các bạn trẻ đến từ Công ty TT&T Travel-Media cho biết thông điệp đưa ra là hành vi bạo lực gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của con trẻ.
Những hình ảnh bạo lực trong gia đình là những vết thương khó lành trong tâm hồn con trẻ để khi lớn lên chúng khó hòa nhập với cuộc sống, dễ bị kích ứng tâm lý, dẫn đến căng thẳng thần kinh và vô hình chung lại một lần nữa kích động bạo lực. Các bé trai có có suy nghĩ rằng là đàn ông thì có quyền đánh đập, đối xử tàn tệ với phụ nữ và sẽ trở thành những người chồng vũ phu, còn các bé gái thì chấp nhận cam chịu cuộc sống bạo lực hoặc ác cảm với đàn ông.
Với bộ ảnh “Góc khuất”, đó là một thực tế thường thấy hiện nay trong các gia đình và ở trong mỗi người phụ nữ. “Đó là ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc đầy đủ cả vật chất, tinh thần, đặc biệt là người phụ nữ muốn gia đình là điểm tựa vững chắc cho chồng, là mái nhà bình yên cho con. Vì thế, họ nhận những thứ thiệt thòi về bản thân, chỉ mong hạnh phúc đến với gia đình. Nhưng sự im lặng đó lại làm cho cuộc sống của người phụ nữ chẳng hề bình yên như họ muốn. Ngược lại, nó khiến họ liên tiếp trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, cũng là thứ sẽ in hằn nỗi ám ảnh trong tâm trí của con trẻ”, theo nhóm Le Aiga tác giả bộ ảnh.
Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ năm 2019 do UNFPA hỗ trợ cho thấy gần 63% phụ nữ Việt Nam bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ thời điểm nào và có ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống cá nhân, cộng đồng và sự phát triển của đất nước.
Cũng theo Điều tra Quốc gia về bạo lực 2019 thì tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ chỉ giảm nhẹ so với dữ liệu điều tra 2010 nhưng đã có dấu hiệu cho thấy có những thay đổi tích cực trong thái độ của thế hệ trẻ về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.
Vì thế, theo bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Csaga thì cuộc thi sáng tác truyền thông này nhằm góp phần khuyến khích các cá nhân và các nhóm tác giả, đặc biệt là các bạn trẻ, tham gia xây dựng các sản phẩm truyền thông độc đáo, sáng tạo và hấp dẫn nhằm chia sẻ các thông điệp đúng về bình đẳng giới, và kêu gọi cộng đồng cùng lên tiếng, cùng hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Từ góc độ của Tổ chức UNFPA tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện nhận định cuộc thi là cơ hội để đưa ra những ý tưởng mới và đề xuất mang tính đột phá, cũng như các khuyến nghị chương trình và truyền thông mới nhằm ứng phó và ngăn ngừa bạo lực giới hiệu quả đối với phụ nữ và trẻ em gái, sao cho “mỗi bạn trẻ sẽ là một nguồn sức mạnh chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”.
Mỗi năm hơn 40 nghìn bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, so với tỷ số tự nhiên là 105-106 bé trai trên 100 bé gái. Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 của UNFPA ước tính, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình. Nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng này xảy ra là do tâm lý ưa thích con trai, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam.
Để thay đổi nhận thức xã hội, cuộc thi “Sinh con gái, hai niềm vui” đã được Trung tâm Csaga phát động trên TikTok từ ngày 10/08 đến 31/08/2020. Lễ trao giải cuộc thi đã diễn ra vào đầu tháng 10, tác phẩm dự thi có lượt bình chọn cao nhất trên TikTok đạt 2.9 triệu lượt xem, 270 nghìn lượt xem, 1.839 lượt bình luận và 1.976 lượt chia sẻ, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA bày tỏ: “Mỗi sinh linh được hiện diện trên cõi đời đều có quyền được đối xử công bằng và có quyền được chào đón hân hoan từ thế giới loài người. Cuộc thi này không đơn giản là một chiến dịch hay phong trào. Nó cần thiết là một quan niệm về sự trân trọng những giá trị đẹp của bình đẳng giới và quyền con người. Cuộc thi may mắn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của các bạn trẻ. Tôi tin đó là những dấu hiệu tích cực của sự thay đổi”.
“Lên tiếng” và “Hành động” là cặp bài trùng
Cứ 3 phụ nữ ở Việt Nam thì có 2 người bị chồng/ bạn tình bạo lực theo một hoặc nhiều hình thức; cứ 10 phụ nữ thì có 1 người bị bạo lực tình dục từ khi 15 tuổi; 4,4% trẻ em dưới 15 tuổi trải qua bạo lực tình dục. Điều tra Quốc gia về bạo lực 2019 cho thấy từ năm 2010 tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam chỉ có những thay đổi tích cực nhỏ. Vô số hoạt động và sáng kiến truyền thông đã ra đời nhưng chưa thể thay đổi triệt để được hành vi của cộng đồng trong nỗ lực phòng chống và chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Vậy chúng ta phải làm gì tiếp theo? Trả lời câu hỏi này, tại lễ trao giải cuộc thi “Tôi lên tiếng – Tôi hành động”, bạn trẻ Nguyễn Hoàng Sơn đã khẳng định, lên tiếng và hành động là cặp bài trùng, không phải chỉ để ngăn ngừa hành vi bạo lực sẽ diễn ra mà còn là thông điệp gửi tới những người đang bị bạo lực gia đình rằng họ không thể và không nên im lặng chịu đựng.