Cụ thể gói hỗ trợ như sau:
Về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp:
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết 1162020/QH14 của Quốc hội (giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệpcủa năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng), số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp giảm khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng, con số này không ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách Nhà nước nói chung.
Với đề xuất tiếp tục áp dụng việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020, Bộ Tài chính đánh giá sơ bộ, việc áp dụng giải pháp trên có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 6 nghìn tỷ đồng.
Về giảm thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh:
Với đề xuất giảm 50% số thuế phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh phải nộp của kỳ tính thuế quý III, quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế (bao gồm cả hộ, cá nhân kinh doanh cho thuê tài sản), Bộ Tài chính đánh giá sơ bộ, việc thực hiện đề xuất này có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng..
Về giảm thuế giá trị gia tăng:
Bộ Tài chính dự kiến đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh các địch vụ, bao gồm: (i) Vận tải đường sắt; Vận tải đường thủy; Vận tải hàng không Vận tải đường bộ khác; (ii) Dịch vụ lưu trú và ăn uống; (iii) Hoạt động chiếu phim; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; thao, vui chơi và giải trí; (iv) Hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí (Xác định theo Danh mục ngành kinh tế tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam); Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 01/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Với việc thực hiện đề xuất này, Bộ Tài chính dự kiến có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 8,6 nghìn tỷ đồng.
|
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê đất. (ảnh minh họa). |
Về đề xuất xóa nợ tiền thuế:
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê đất. (ảnh minh họa). Bộ Tài chính đề xuất xóa tiền chậm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất của doanh nghiệp bị lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020 (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) còn nợ đến thời điểm văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có hiệu lực thi hành. Với việc thực hiện đề xuất này, Bộ Tài chính dự kiến có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 06 nghìn tỷ đồng.
Về đề xuất giảm tiền thuê đất:
Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, tổng số tiền thuê đất đã được giảm theo Quyết định 22/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19) là khoảng 354 tỷ đồng. Con số này không ảnh hướng đáng kể đến số thu ngân sách Nhà nước nói chung.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất việc tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất cho các đối tượng như đã áp dụng của năm 2020 với mức giảm là 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021. Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện đề xuất này có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.
Như vậy, với các đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến có thể làm giảm thu ngân sách khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng. Số tiền thuế, tiền thuê đất, tiền chậm nộp được xóa nợ này sẽ góp phấn hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 để có thể sớm khôi phục sau dịch bệnh.
Nghị quyết sẽ được ban hành ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn
Tại Thông báo 209/TB-VPCP ngày 5/8/2021 về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số giải pháp miễn, giảm thuế, Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã nhanh chóng, kịp thời đề xuất Thường trực Chính phủ về các giải pháp miễn, giảm thuế ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Thường trực Chính phủ và các cơ quan tham dự cuộc họp cơ bản nhất trí với các giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Tài chính tại cuộc họp trên tinh thần: Các giải pháp khi được ban hành cần phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết để có thể thực hiện ngay; cân nhắc phân tích, đánh giá kỹ tác động giảm thuế thu nhập đối với các đối tượng, về thuế giá trị gia tăng cân nhắc mở rộng đối tượng bảo đảm công bằng, tham vấn thêm ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Thời hạn áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế trước mắt thực hiện trong năm 2021.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan liên quan để trình Chính phủ, Thủ tướng trước ngày 10/8/2021 về việc tiếp tục giảm tiền thuê đất theo đề xuất của Bộ Tài chính; tiếp tục rà soát đề xuất các biện pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước, báo cáo Chính phủ.
Hơn 137 nghìn hồ sơ đề nghị gia hạn hơn 67 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ trên số liệu trên hệ thống thông tin quản lý thuế tập trung (TMS), lũy kế đến ngày 6/8//2021, tổng số đơn đề nghị gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ là 137.118 đơn (doanh nghiệp và tổ chức là 118.143 đơn, cá nhân là 18.975 đơn) với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 67.194 tỷ đồng (Thuế giá trị gia tăng các tháng 3, 4, 5, 6, Quý I, Quý II/2021 của doanh nghiệp, tổ chức là 35.741 tỷ đồng; Số tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp Quý I/2021 của doanh nghiệp, tổ chức được ước tạm tính bằng 20% số thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp theo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và bằng 29.346 tỷ đồng; Thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh được gia hạn là 261tỷ đồng; Tiền thuê đất là 1.844 tỷ đồng).
Ngân sách đã chi bao nhiêu tiền cho công tác phòng chống dịch Covid-19?
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 (mua vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch); 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc-xin tiêm phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ: bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020; Thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tổng cộng nguồn lực khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 7/2021, ngân sách trung ươngn đã chi 4,2 nghìn tỷ đồng từ dự phòng năm 2021 để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua vắc-xin, các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (1.799 tỷ đồng); kinh phí phòng chống dịch cho Bộ công an (389 tỷ đồng); Bộ Quốc phòng (1.553 tỷ đồng) và hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa phương (471 tỷ đồng); Các địa phương đã chi gần 2,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.