Sau nhiều mong mỏi, hàng vạn hộ cận nghèo trên khắp cả nước đã thực sự vui mừng khi quyết định về tín dụng đối với hộ cận nghèo được ban hành. Chương trình này thực sự đã hỗ trợ nhiều gia đình thoát nghèo bền vững, cũng là động lực quan trọng cho chính quyền địa phương trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội.
Giải ngân vốn hộ cận nghèo tại điểm giao dịch xã miền núi Tiên Cảnh (Tiên Phước, Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Công |
Thêm “bàn đạp” thoát nghèo bền vững
Cách đây chưa lâu, gia đình bà Diệp Thu Thủy (ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) từng không khỏi băn khoăn, bởi gia đình đã bỏ bao công nỗ lực để thoát nghèo. Nhưng thoát nghèo rồi, làm thế nào để không tái nghèo nữa?.
Số là, năm 2009 gia đình bà được Hội Phụ nữ xã giới thiệu vay 8 triệu từ chương trình tín dụng cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đầu tư nuôi heo nái. Số tiền đầu tư không lớn, nhưng được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của các hội đoàn thể địa phương, cùng sự chân chỉ chịu khó, gia đình bà đã dần có nguồn thu nhập ổn định và thoát nghèo năm 2012.
Nhưng, ra khỏi danh sách hộ nghèo đã khó, làm sao duy trì được để không bị tái nghèo lại càng khó hơn. Ranh giới nghèo – cận nghèo mong manh, nhiều khi chỉ là chênh nhau vạt chuối, luống rau, vài con gà, con lợn. Nhưng làm nông nghiệp rủi ro cũng nhiều, từ thời tiết, thị trường, dịch bệnh…, nguy cơ tái nghèo luôn rình rập khiến cho gia đình bà Thủy rất lo lắng.
Đầu tư để thoát nghèo chắc chắn hơn thì phải có tiền, nhưng giờ bà không còn là hộ nghèo nữa, tài sản lại chưa có gì, biết vay tiền ở đâu? Vì thế, Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng cho hộ cận nghèo ra đời đã thực sự đem lại nguồn hy vọng mới cho gia đình bà.
Là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương đăng ký và được vay vốn chương trình hộ cận nghèo, 20 triệu đồng đã được gia đình bà Thủy dành mua thêm 10 con heo để nuôi, đầu tư cho các vụ lúa để có “đồng ra đồng vào” nuôi con ăn học.
Hộ gia đình ông Huỳnh Nha (thôn 2, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) đông con, nhiều cháu. Nhà có 5 sào lúa, 1ha dó bầu, 3 con bò, 2 con lợn và nhiều gia cầm, nên nhu cầu có vốn đầu tư sản xuất chăn nuôi là rất bức thiết.
Theo thống kê của NHCSXH, sau hơn bốn tháng thực hiện, NHCSXH đã đáp ứng được hơn 150 nghìn hộ cận nghèo vay vốn với dư nợ hơn 4 nghìn tỷ đồng. |
Giờ, được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo, ông Nha chia sẻ: “Đã hết thấy bơ vơ vì thoát nghèo mà không còn được quan tâm nữa”. Có vốn cận nghèo, ông đã đầu tư mua bò, lợn, tu sửa chuồng trại, yên tâm cùng con cháu phát triển kinh tế, tránh xa cái nghèo.
Cũng trong tâm trạng quyết tâm làm ăn thoát nghèo bền vững, chị Lê Thị Kim Liên (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) tâm sự, chị mừng “như bắt được vàng” khi Nhà nước cho vay 25 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ cận nghèo theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg để mua sắm ngư lưới cụ đi biển.
“Trước, năm 2008 gia đình tôi cũng vay vốn chương trình hộ nghèo 10 triệu đồng để sản xuất, nuôi lợn. Phấn đấu mãi đến năm 2011 gia đình mới đã thoát nghèo và hoàn trả vốn vay cho ngân hàng – chị Liên kể - Nhưng, ra khỏi danh sách hộ nghèo rồi, chúng tôi lại lâm vào tình trạng bối rối vô cùng, vì khoản vay cũ trả rồi mà không được vay vốn để tiếp tục làm ăn. Nhờ có chương trình tín dụng hộ cận nghèo, chúng tôi mới may mắn được vay để mua bộ lưới này, chồng có đồ góp với bạn thuyền đi biển”.
“Động lực” quan trọng phát triển kinh tế địa phương
Ở huyện 30a Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo huyện “thấm thía” nhu cầu về vốn trong phát triển kinh tế, xã hội hơn bất kỳ nơi nào khác. Vốn chính sách, gắn với tuyên truyền, góp phần thay đổi dần đời sống và nhận thức của bà con nơi đây.
Giờ bà con trồng trọt không cho đất nghỉ, cơ bản chấm dứt bán lúa non, keo non, sử dụng vốn hiệu quả.
“Bà con vừa thoát nghèo mà đã cắt ngay vốn thì việc giảm nghèo sẽ không thể bền vững, nguy cơ tái nghèo cao – ông Dương Viết Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) chia sẻ - Vì thế, khi có chương trình cho vay hộ cận nghèo, huyện đã vui mừng đón nhận và khẩn trương triển khai đến các xã, tổ, hộ dân, vì chương trình này tác động trực tiếp tới 12,87% hộ dân của huyện”. Chương trình tín dụng này đã giúp huyện thực hiện được mục tiêu phát triển nông nghiệp mà địa phương đưa ra, nhất là trong những lĩnh vực cây, con mà địa phương có lợi thế nhất định như cây keo, cây mì (sắn), trâu bò….
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo nhiều địa phương khắp các vùng miền cho hay, họ thực sự “thở phào” khi chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo ra đời, bởi những hộ gia đình vừa thoát nghèo không còn hẫng hụt vì thiếu vốn và lại có “cần câu” để hỗ trợ gia đình thoát nghèo bền vững.
Chính quyền cũng không còn lúng túng khi thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, bởi có cơ sở lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với việc sử dụng vốn vay. Nhờ đó, nhiều vùng nguyên liệu mới được hình thành, nhiều nhóm sản xuất mới duy trì được, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững đã xuất hiện.
Đến nay, tỉnh Bình Phước đã giải ngân được gần 72 tỷ đồng cho trên 4.717 hộ cận nghèo. Còn ở tỉnh Quảng Ngãi, nơi có 31.862 hộ cận nghèo cần vay vốn, đến ngày 20/8/2013 đã có trên 3,2 ngàn hộ được vay vốn với trên 76 tỷ đồng. NHCSXH tỉnh này ước tính, nhu cầu vốn cho vay chương trình hộ cận nghèo ở địa phương này là trên 230 tỷ đồng.
Còn ở Nghệ An, gần 5.800 hộ cận nghèo đã được vay hơn 144 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ở tỉnh Bắc Kạn, chương trình tín dụng hộ cận nghèo được người dân đón nhận tích cực, bởi chương trình này không chỉ được xem là “lối mở” của 8.000 hộ cận nghèo trên địa bàn, mà quan trọng hơn, khi đã hoàn trả vốn vay chương trình hộ nghèo và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ cận nghèo vẫn có điều kiện tiếp cận, vay và phát huy tốt tính ưu đãi của vốn vay dành cho hộ cận nghèo.
Bách Linh