Rưng rưng xúc động khi cũng con đường này, rặng cây này đã chứng kiến bước chân, dáng vẻ của những con người đã hiển danh đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Gặp lại Nguyễn Trãi…
Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hoá 50km về phía Tây, nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Lam Kinh là quê hương đất tổ nhà Lê – nơi sinh ra Anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công.
Cũng như các triều đại Lý, Trần để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn ở đất Lam Sơn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua, thái hoàng, thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ...
Như mọi du khách khác khi đến với Lam Kinh, tôi đã dành thời gian thật lâu để dừng lại bên di vật có giá trị lớn và vẹn nguyên nhất ở Lam Kinh, đó là bia đá Vĩnh Lăng. Nằm cách mộ vua Lê khoảng 300m về phía Tây Nam, bia Vĩnh Lăng được đặt tại vị trí phía tây nam của chính điện Lam Kinh.
Bia được dựng vào đầu thế kỷ XV (Thuận Thiên năm thứ 6), trọng lượng nặng khoảng 18 tấn, có chiều rộng 1,94m, cao 2,79m, dày 0,27m, con rùa đội bia có chiều dài 3,46m, rộng 1,94m, dày 0,90m. Bia và rùa đều được làm bằng đá trầm tích đáy biển, màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, trên bề mặt còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể.
Bên cạnh hình rồng, bia Vĩnh Lăng còn trang trí các hoa văn như hoa cúc, lá đề, sóng nước… Hoa cúc là một trong 4 loài hoa quý được Nho giáo chọn làm biểu tượng về tính cách cao quý của con người; hoa văn lá đề là biểu tượng về Phật, về trời, Phật thể hiện trí tuệ bao quát cả trời đất…
Bia và rùa đều được làm bằng đá trầm tích đáy biển, màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, trên bề mặt còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể |
Do đó, bia Vĩnh Lăng là tấm bia được xem “độc nhất vô nhị”, nó không chỉ mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế mà còn là tài liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử, về nghệ thuật trang trí, điêu khắc dưới thời Lê Sơ.
Là người Việt Nam, đã học lịch sử Việt Nam từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, không ai là không biết tới Nguyễn Trãi – tác giả của bài “Bình Ngô đại cáo” đã đi vào sử sách. Và, khi đứng trước tấm bia Vĩnh Lăng được nghe giới thiệu bài văn khắc trên bia là do Nguyễn Trãi soạn thì nỗi niềm xúc động còn dâng lên gấp bội.
Trong nắng, trong gió của đất Lam Kinh, giọng hướng dẫn viên tan vào không gian như không, như thực: “… Năm Mậu Tuất (1418) khởi nghĩa dấy binh ở đồn Lạc Thủy. Trước sau đánh hơn 10 trận đều dùng quân mai phục, xuất kỳ bất ý, tránh chỗ mạnh đánh vào chỗ yếu, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh. Năm Bính Ngọ (1426) đánh trận Tốt Động thắng lớn, bèn tiến về bao vây Đông Đô. Năm Đinh Mùi (1427) viện binh của giặc do An Viễn hầu Liễu Thăng dẫn 10 vạn quân từ Quảng Tây tiến sang; Kiềm Quốc công Mộc Thạnh dẫn 5 vạn quân từ Vân Nam tiến vào.
Một trận chiến diễn ra ở Chi Lăng: Liễu Thăng bị mất đầu; chém bọn giặc vài vạn thủ cấp; bắt sống bọn tướng giặc Hoàng Phúc, Thôi Tụ hơn 300 tên; quân dưới trướng hơn 3 vạn tên…. Phàm những quân giặc bị bắt cho đến các thành ra hàng cả thảy hơn 10 vạn tên đều được phóng thích. Đường thủy cấp cho hơn 500 chiếc thuyền, đường bộ cấp cho lương thảo, ngựa tốt. Răn giới cho quân sỹ không được mảy may xâm phạm. Hai nước từ đó thông hảo, Bắc Nam yên ổn. Xứ Mường Lễ, Ai Lao đều nhập vào bản đồ nước ta. Các nước Chiêm Thành, Xà Bà đều cho tàu thuyền sang cống nạp.
Vua thức khuya dậy sớm, trong 6 năm trong nước bình yên cho đến khi băng hà. Ngày tốt tháng Mười năm Quý Sửu, Thuận Thiên thứ 6 (1433). Vinh Lộc Đại phu Nhập nội hành khiển Tri tam quán sự, thần là Nguyễn Trãi phụng soạn. Hàn lâm viện Thị chế, thần là Vũ Văn Phỉ phụng viết”.
Không sai khi nói rằng văn bia Vĩnh Lăng đã được các nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá cao bởi tính ngắn gọn, cô đọng súc tích, mô thuật đầy đủ về gia tộc, thân thế, sự nghiệp và công đức của vua Lê Thái Tổ, đồng thời còn là văn bản đúc kết đường lối đấu tranh khéo léo tài tình của nghĩa quân Lam Sơn trong suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ đánh đuổi giặc Minh giành lại độc lập cho dân tộc.
Bên cạnh đó còn nói lên lòng khoan dung, độ lượng của đức Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi đối với quân giặc khi chúng chiến bại. Văn bia còn cho chúng ta biết được đường lối ngoại giao của vua Lê Thái Tổ đối với các nước lân bang - Con đường ngoại giao hòa hảo bằng chính lòng nhân ái, thiện chí hoà bình bang giao vốn có của ông.
Bởi vậy, bia Vĩnh Lăng không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có ý nghĩa văn bản lịch sử, chứng cứ lịch sử là tài liệu gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học giáo dục truyền thống cho hậu thế.
Bàn chân rùa đá Vĩnh Lăng khuyết (lõm) một móng |
Như rất nhiều tấm bia đá cổ khác ở Việt Nam, bia đá Vĩnh Lăng cũng tọa trên lưng một con rùa. Nhưng rùa ở đây lại có một ẩn số khá thú vị mà cho đến nay vẫn chưa có lý giải chính thức. PGS.TS Hà Đình Đức khi nói về nguồn gốc cụ Rùa hồ Gươm đã từng nhắc đến rùa ở bia Vĩnh Lăng: “Sách cổ chép rằng, xưa kia ở Vụng Sung trên dòng Lương Giang (sông Chu ngày nay) gần khu vực Lam Sơn có loại rùa to bằng chiếc chiếu đôi. Từ nhiều đời nay, nhân dân vùng Phúc Địa (nay là xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) truyền tụng về loài rùa khổng lồ, khi nó lên bờ đào tổ đẻ trứng người ta đã lấy chão (dây thừng to) buộc vào chân sau cho trâu mộng kéo. Nhưng khi đẻ xong nó kéo cả trâu xuống sông, nên đành phải chặt chão để đánh tháo cho trâu. Mai của nó dựng lều che mưa cho 3 – 4 người không bị ướt, có khi lật ngược làm thuyền hái rau trên ao hồ.
Rùa đá đội bia ở Vĩnh Lăng (Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa) rất giống về hình thái với tiêu bản rùa ở hồ Gươm đang được trưng bày trong tủ kính ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội) và cụ Rùa đang sinh sống tại hồ Gươm. Nghệ nhân tạc rùa đá Vĩnh Lăng đã quá quen thuộc với loài rùa này nên đã tạc theo lối tả chân, hoàn toàn như thật, chứ không mô phỏng như các rùa đá ở Văn Miếu cũng như các đình chùa.
Trên bàn chân rùa đá Vĩnh Lăng khuyết (lõm) một móng. Phải chăng chiếc móng đó đã bị Triệu Đà lấy đưa về phương Bắc, nên ông cha xưa muốn nhắc nhở con cháu về bài học “vay – trả” để giữ chữ “tín”, cái giá mà An Dương Vương đã phải trả là cả vận mệnh đất nước? Vậy phải chăng Lê Lợi đã đưa rùa từ vùng Lam Sơn ra thả ở hồ Lục Thủy để dệt nên huyền thoại Hoàn Kiếm, bởi xưa kia hồ Lục Thủy chưa có loài rùa khổng lồ ?”.
Còn nhớ đầu năm 2009, PGS.TS Trịnh Sinh cũng đã có một bài viết đăng báo kể rằng: “Trong quá trình thi công xây dựng doanh trại cuối năm 2004, các chiến sĩ thuộc Đơn vị E 600, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an đã phát hiện một tượng rùa đá rất to ở độ sâu 1,3-1,4m cách mặt đất hiện tại ở khu vực Bách Thảo, Hà Nội. Chiều dài mai rùa đã là 2,01m. Chiều rộng mai là 1,58m, chiều cao thân rùa là 43cm. Với kích thước như vậy, tượng rùa thuộc loại lớn trong số các tượng rùa đã phát hiện ở Hà Nội.. .
Tấm bia trên lưng rùa đã bị mất từ thuở nào. Vì thế cách định niên đại duy nhất chỉ bằng phương pháp so sánh với các tượng rùa cùng loại. Trong số 82 tấm bia ở Văn Miếu khắc tên 130 vị Tiến sĩ đều được đặt lên bệ rùa đá, chỉ có 2 tấm bia khắc năm Bính Tuất 1466 và 1478 là có những nét tạo hình tương tự với phần chân thò ra ngoài mai, 5 móng nhọn. Phần mai cũng hơi cong, hình bầu dục, đặc biệt phần đuôi cũng cong tròn uốn lượn.
Vì thế, bước đầu có thể xác định rùa được tạo tác vào thời Lê Sơ. So sánh thêm một bước, tượng rùa này khá giống tượng rùa đỡ bia Vĩnh Lăng của Vua Lê Lợi ở một chi tiết: phần đuôi rùa cong và uốn lượn nằm vắt lên mai rùa. Không có nhiều tượng rùa vắt đuôi kiểu như vậy. Đó là tiêu chí độc đáo để tìm ra niên đại, chưa kể hai cụ rùa đá này còn giống nhau ở chân, móng, mai... Vậy có thể nói, rùa đá ở khu vực Bách Thảo cùng thời với rùa đá Vĩnh Lăng”.
Lan man chuyện rùa để thấy văn hóa Việt có một bề dày trầm tích cha ông để lại mà con cháu ngày nay chưa thể nào hiểu hết. Nhưng trên hết thảy, đó là hồn cốt của dân tộc cần phải giữ gìn, không một phút nhãng xao…