Bản lĩnh không lùi bước

(PLVN) - Trong các vụ việc chống tiêu cực, tìm hiểu làm rõ dấu hiệu vi phạm của các cá nhân, tổ chức, chúng tôi đã từng gặp không ít khó khăn. Nhưng không vì thế mà chúng tôi lùi bước…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kỷ niệm làm nghề, không ít lần phóng viên PLVN bị cản trở, gây “khó” tiếp cận thông tin. Thậm chí, kể cả khi sự việc tiêu cực, hành vi vi phạm được phơi bày trên mặt báo, một số cơ quan chức năng vẫn né tránh thờ ơ…

Điển hình, gần đây PLVN liên tiếp phản ánh thông tin liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, hoạt động kinh doanh không phép của “tổ hợp giải trí Bảo An” tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Việc cơ sở Bảo An có dấu hiệu hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật đã được các bài báo nêu rõ. Chính quyền địa phương cũng xác nhận các vi phạm của đơn vị này. Tuy nhiên, sau nhiều bài báo, bất chấp mọi nỗ lực trong việc đóng góp ý kiến cho sự phát triển chung của địa phương, chính quyền UBND quận Nam Từ Liêm vẫn chưa  hề có bất kỳ một thông tin phản hồi, dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ và đặt lịch làm việc.  

Một vụ việc khác, liên quan đến việc giao đất, góp vốn vào dự án bằng đất an ninh, quốc phòng của lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc (Cục C10, Bộ Công an) tại huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Báo PLVN đã có các bài đăng tải nêu rõ căn cứ để cho rằng việc góp vốn, giao đất của lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc cho doanh nghiệp là Công ty cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký (Công ty AKK) thực hiện dự án chăn nuôi trâu, bò kết hợp với trồng cỏ trên diện tích 100ha do trại giam này quản lý, là sai quy định.

Nội dung các bài viết đã nêu rõ dấu hiệu vi phạm của lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc, cũng như việc thu hồi đất đã được giao cho các cán bộ trại quản lý không đúng quy định. Việc làm này đã gây bức xúc cho cán bộ, chiến sỹ, cũng như tạo dư luận xấu khi nhiều ý kiến cho rằng có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong việc giao, cho thuê, góp vốn bằng đất của lãnh đạo trại.

Để làm rõ hơn sự việc, PV đã liên hệ các cơ quan chức năng như: Trại giam Xuyên Mộc, Cục C10 – Bộ Công an, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Sở TN&MT tỉnh) để có đầy đủ ý kiến về sự việc. Tuy nhiên, đến nay, ngoài thông tin ít ỏi và tài liệu hồ sơ do lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc cung cấp, thì các đơn vị khác vẫn chưa có thông tin chính thức về sự việc. 

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Sở TN&MT tỉnh này mới có công văn về việc cung cấp thông tin trả lời Báo PLVN. Tại công văn của Sở TN&MT tỉnh vào ngày 7/6/2019 cũng chỉ có nội dung là đề nghị các cơ quan khác có liên quan tập hợp hồ sơ, tài liệu trả lời các ý kiến mà Báo PLVN nêu. Tuy nhiên, Báo PLVN vẫn chưa nhận thêm được bất kì thông tin nào từ các đơn vị mà Sở này yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin.

Việc các đơn vị của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng như Cục C10 (Bộ Công an) vẫn “im hơi, lặng tiếng” bất chấp việc thông tin các bài báo nêu thu hút được sự quan tâm lớn của công chúng, lại càng làm lộ rõ những uẩn khúc của sự việc.

Lại có những vụ việc PV không gặp sự im lặng, mà gặp rất nhiều phản ứng từ phía các đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Như tại Xuân Lộc (Đồng Nai), khi bài báo về dấu hiệu đường dây “tín dụng đen” đăng tải, nhân vật bị phản ánh lập tức có đơn thư khiếu kiện gửi đến các cơ quan Trung ương, cho rằng PLVN viết sai sự thật, có động cơ cá nhân… Đối tượng này còn cho rằng vì “bài báo viết sai khiến người thân trong gia đình đột tử”.

Nhóm phóng viên PLVN tiếp tục âm thầm tỏa đi các địa phương. Một nhóm tới Thanh Hóa, ghi âm ghi hình rõ ràng lấy chứng cứ chứng minh “người thân đột tử” của đối tượng vẫn vô cùng mạnh khỏe; lấy chứng cứ chứng minh đối tượng đã bịa chuyện hòng vu khống các nhà báo. Một nhóm tiếp tục lặn lội tới Xuân Lộc, gặp các nhân chứng, thu thập hồ sơ tư liệu, gặp các cơ quan chức năng. Loạt bài tiếp theo đó vạch rõ hơn dấu hiệu tội phạm của đường dây “tín dụng đen”. Sai phạm nghiêm trọng hơn nữa khi chồng của đối tượng là một sỹ quan công an huyện Xuân Lộc có dấu hiệu tiếp tay cho vợ, có lời nói xúc phạm hình ảnh chiến sĩ Công an nhân dân. Tới đây, khi chứng cứ đã quá rõ ràng, các đối tượng “nín thở”; nhưng lại tiếp tục dùng “chiêu trò” khi ẩn danh trên mạng xã hội, “khủng bố” tin nhắn những người viết báo.  

Có ý kiến cho rằng nhà báo theo lĩnh vực điều tra, sợ nhất là gặp sự im lặng trơ lì, hoặc bị phản ứng. Nhưng với những phóng viên PLVN, đó không phải là điều đáng sợ, nếu nhà báo kiên trì bảo vệ cái đúng, tuân thủ pháp luật và làm báo không chỉ bằng nghiệp vụ mà bằng cả cái tâm và động cơ trong sáng cùng tinh thần không lùi bước…

Đọc thêm