Từ đầu năm nay, khi “cơn bão” mang tên Covid-19 ập đến toàn cầu, trong đó có nước ta thì với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã kịp thời chống chọi thành công với chi phí thấp nhất, hạn chế tối đa thiệt hại. Khi “bão dịch” tạm thời yên ắng thì 1 tháng qua, “khúc ruột” miền Trung lại gánh chịu bão lũ lịch sử, “bão chồng bão, lũ chồng lũ”. Và một lần nữa, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chống chọi thiên tai với tinh thần “thời chiến”, chạy đua với bão.
Chỉ trong vòng 30 ngày từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10, miền Trung hứng chịu liên tiếp “tổ hợp” thiên tai với 8 loại hình: Bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất với mức độ khốc liệt được ví với trận lũ năm 1999 (khi đó làm 818 người thiệt mạng). Có tới 5 cơn bão và các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 con sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 con sông vượt mức lũ lịch sử. Lượng mưa phổ biến từ 1.000 đến 2.000 mm, nhiều nơi mưa trên 3.000 mm.
Thể hiện bản lĩnh trước các biến cố đến từ thiên tai, lãnh đạo Chính phủ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo và tổ chức triển khai rất nhanh, rất trách nhiệm, với sự thấu hiểu, đồng cam cộng khổ với nhân người dân, những người vốn đã vất vả “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Nhiều cuộc họp trực tuyến được gấp rút tổ chức, nhiều công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo đã được xây dựng và phát hành “nhanh như gió” qua hệ thống Chính phủ điện tử đến tận cấp cơ sở.
Khó khăn phía trước còn rất lớn, nhưng có thể khẳng định, chưa bao giờ Chính phủ ứng phó với dịch bệnh, thiên tai kịp thời, hiệu quả và chủ động như bây giờ.
Theo nhiều đại biểu, các giải pháp trong thời gian tới cần được Chính phủ xây dựng cho nhiều tình huống khác nhau, trong đó cần tập trung cho các kịch bản xấu nhất khi dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.
Đối với “bão” Covid-19, thời gian này giống như giai đoạn bình yên giữa hai “trận đánh”, không được chủ quan, phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng, chống dịch trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và toàn xã hội. Bài học Đà Nẵng không được biến thành vô nghĩa.
Do vậy, phải thực hiện thật nghiêm các quy định để quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly nghiêm ngặt, theo dõi chặt chẽ sau cách ly. Không được phép để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng, bùng phát do việc theo dõi y tế lỏng lẻo. Đối với thiên nhiên, vẫn bất thường, cơn bão số 10 đang rình rập, trước cơn bão nào cũng không được chủ quan.